Về cù lao xem cúng miếu

Cập nhật: 31-03-2011 | 00:00:00

Cù lao Rùa, tên gọi thân quen đã có từ bao đời nay của xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tuy chỉ rộng hơn 250 ha và nằm cách biệt với các địa phương lân cận, nhưng ở đó đang ẩn chứa nhiều di chỉ, di tích văn hóa - lịch sử đa dạng gắn liền với quá trình dựng làng, lập ấp của cha ông ta, mà nổi bật nhất là thông lệ “cúng miễu” (miếu) của mỗi ấp diễn ra hàng năm.

Rộn ràng tiếng trống đầu làng

Tuy đã trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách địa giới hành chính, nhưng thông lệ cúng miếu làng vẫn được người dân Cù lao Rùa giữ nguyên suốt bao nhiêu năm qua. Xã có 4 ấp bao quanh cù lao và một đình làng tọa lạc ngay trung tâm thờ chung vị thành hoàng như bao ngôi đình cổ khác. Riêng 4 ấp đều có 4 ngôi miếu cổ cũng thờ “Âm - Dương - Ngũ hành” theo thuyết phồn thực (thờ đa thần) của người Á Đông, đó là những vị thần đã gắn liền với đời sống và nền sản xuất nông nghiệp lúa nước của người Việt xưa: Thần nông, thần mưa, thần nước (thủy thần), thần núi (sơn thần), thần đất (thổ địa)... Hết con trăng thứ nhất của năm mới (tháng 2 ÂL), cũng là lúc hoa màu trên đồng sắp vào vụ thu hoạch đầu tiên của năm, dân làng nhớ ngay đến lệ cúng miếu, cúng đình. Trước kia do cù lao nằm cách biệt với thế giới bên ngoài nên việc cúng bái cũng không tập trung vào một ngày, một tháng, mà chia đều thành 4 mùa trong năm để 4 miếu nhỏ luân phiên nhau cúng, “giáp một vòng thì tới đình làng”. Đến ngày cúng lệ, người dân Cù lao Thạnh Hội nói chung dù đang ở đâu xa cũng nô nức rủ nhau về miếu làng để tham gia cúng lệ kỳ, cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc - sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

 

Dân làng kéo đến chật cả sân miếu để xem học trò lễ, biểu diễn trống hội, dấu võ, múa kiếm nhân ngày cúng miếu

Múa lân trong ngày cúng miếu

Ông Hai Phát, một vị cao niên trong Ban Quý tế miếu làng Thạnh Hiệp cho biết: “Lệ kỳ cúng miếu đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác; các ngôi cổ miếu, đình làng của xã này đều có tuổi đời hàng trăm năm. Ngày xưa khi mới dựng làng lập ấp, cư dân thưa thớt nên ngoài đình làng đóng ở trung tâm cù lao, ông bà mình còn dựng lên các ngôi miếu ở các ấp như các trạm truyền tin, để phổ biến kiến thức khuyến nông, huy động con người giúp nhau khi có hữu sự thông qua tín hiệu mỏ, trống chầu treo ở giữa miếu... Ngày nay xã hội phát triển, hình thức sinh hoạt cũng có nhiều thay đổi, nhưng truyền thống đoàn kết trong sản xuất, chinh phục thiên nhiên, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, làm ăn vẫn được dân làng tôn thờ, gìn giữ”.

Chúng tôi có mặt tại ngôi miếu cổ Thạnh Hiệp, thuộc ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên vào đúng đêm rằm tháng 2 âm lịch năm Tân Mão (2011). Nhờ cơn mưa trái mùa đầu năm đã làm dịu bớt không khí oi bức, gió mát từ sông Đồng Nai cứ thổi vào lồng lộng làm cho ai nấy đều phấn khởi trong lòng. Mới hơn 17 giờ, khi mặt trời vừa xuống đến rặng cây xa xa, ngoài đồng đã không còn thấy bóng dáng nhà nông nghiêng mình kéo dây tưới nước cho hoa màu như mọi khi, vì hầu hết đã về nhà sớm để chuẩn bị tham gia ngày hội dân gian quan trọng của ấp, của làng mình. Trẻ con thì quần áo mới, tay cầm đồ chơi bong bóng, kẹo bánh tụ họp đông vui trước sân miếu để chờ xem múa lân, xem cha chú mình làm học trò lễ dâng hương cúng thần, đánh trống, múa võ... vì nghi thức trang trọng này một năm mới được lập lại một lần, nên những ai xuất thân từ cù lao này dù có đi đâu xa, có thành đạt đến đâu cũng không thể nào quên hình ảnh, kỷ niệm, đã trở thành truyền thống văn hóa, niềm tự hào của quê hương mình!

 Phía sau hậu liêu các cô, các chị là những người khéo tay, có tài nội trợ  nấu ăn, mỗi người một việc đã chuẩn bị xong mâm cỗ dĩa gồm con heo sống đã làm sạch, để nguyên cúng thổ thần, thổ địa được thờ ở hai bên chánh điện; cơm canh để cúng chiến sĩ trận vong được bày ra trên bộ ván lớn đặt trước sân miếu và chè xôi ngũ quả để cúng trời đất, âm dương ngũ hành...

Đúng 18 giờ 30 phút, vị chánh bái trong bộ áo dài khăn đóng trịnh trọng đứng giữa chánh điện 2 tay dâng chiếc dùi trống chầu lên ngang đầu xá trong xá ngoài như để xin phép trời đất bắt đầu cuộc lễ, sau đó ông giao lại chiếc dùi trống cho một thanh niên đã được phân công đánh trống cầm canh. 3 hồi trống dài được giục lên như thông báo cho cả ấp biết đã đến giờ hành lễ, thay cho tiếng loa phát thanh và lời mời của Ban tổ chức, nên ai nấy đều phấn khởi, không chỉ có người dân trong ấp, trong xã rủ nhau về mà trai gái từ các nơi khác nghe tiếng trống, tiếng đồn cũng lũ lượt đưa nhau về để được xem, được nghe, được hẹn hò, gặp gỡ...

Giáo dục nếp sống văn minh, tinh thần cộng đồng

Mở đầu buổi lễ là phần trình tấu của Ban Lễ nhạc truyền thống gồm trống, kèn lá, đờn cò và bộ gõ... giữa bài nhạc là phần tấu của từng nhạc cụ, làm người nghe như được thấy trước mắt mình cảnh “duyệt binh”, luyện võ của người xưa. Sau phần lễ nhạc chính là nội dung quan trọng nhất của lễ cúng. Vị chánh bái xướng vừa dứt “Cao niên yết bái”, một lão ông đầu tóc bạc phơ, người đã được dân làng và Ban Quý tế thống nhất suy tôn là người có đạo cao đức trọng thay mặt dân làng đứng ra là chủ tế. Sau phần dâng hương của vị chánh bái là phần dâng lễ vật, chè rượu của đội học trò lễ lên 3 gian thờ chính trong chánh điện nhằm tỏ lòng thành kính của dân làng lên trời đất, các bậc tiền nhân đã có công với làng với đất nước. Bên ngoài người ta chen nhau nhìn ngắm không chỉ để tìm hiểu nghi thức cúng bái mà còn để ngắm nhìn các học trò lễ thể hiện các bài dâng đèn, dâng rượu trong bộ áo mão truyền thống màu xanh thẫm mà họ hãnh diện được mặc lên người để thay mặt dân làng dâng lễ vật lên với thần linh.

Anh Sáu Của, một trong những huynh trưởng trong đội học trò lễ cho biết: “Ngày  xưa việc cúng tế đều do các vị bô lão lo liệu, nhưng xét thấy làm như thế có vẻ “quan liêu” quá nên các cụ chia ra phần chính lễ (buổi tối) do các cụ đứng ra khai mạc nhưng để thanh niên đảm trách, còn phần hội sẽ diễn ra ngày hôm sau, tức chính lễ là do các bô lão đứng ra điều hành. Để hoạt động đều tay, có ý nghĩa mỗi năm chúng tôi đều bầu ra người đứng đầu gọi là Chánh và Phó Hồi chịu trách nhiệm quyên góp, gìn giữ, tổ chức và huy động anh em tham gia công tác xã hội trong ấp suốt cả năm. Không biết sao ai làm “chức” này thì năm sau đều được trúng mùa, con cái học hành tấn tới, khỏe mạnh, gia đình làm ăn đều khá giả hết”. Năm trước có nhiều đội lân - sư - rồng, biểu diễn võ thuật, đấu kiếm về vừa góp vui vừa phổ biến tinh thần rèn luyện sức khỏe. Các đội võ, nhạc đều là người gốc cù lao này hết, bây giờ làm ăn phát đạt họ vẫn nhớ quê hương, truyền thống, tự nguyện đưa nhau về đóng công, góp sức chứ không nhận thù lao gì hết. Từ năm nay trở về sau địa phương đã chuẩn bị đội ngũ kế thừa theo kiểu “cây nhà lá vườn” để vừa tự phục vụ vừa đi giao lưu với các xã, ấp bạn. Mấy năm nay có cầu kỳ thuận lợi nhưng trước đó cù lao này bị tách biệt với bên ngoài nên không chỉ khó khăn trong việc đi lại mà đêm hôm có ai bệnh đau, tai nạn thì trong làng, trong ấp phải tự lo giải quyết trước rồi mới chuyển đi, nên miếu ấp tuy nhỏ chứ ở đó có đủ hết các phương tiện từ bàn ghế, chén dĩa cho bà con mượn để làm đám, cưới hỏi đến nhà giàn, đội mai táng khi có người trong ấp qua đời. Kinh phí hoạt động tuy tốn kém nhưng không cần phải tính toán nhiều vì sinh hoạt đã trở thành truyền thống, ai cũng tự nguyện. Những gia đình nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ của miếu làm ăn phát đạt người ta không quên ơn nên đóng góp rất tốt để miếu duy trì hoạt động. Tuy cuộc sống hiện đại nhưng dân cù lao rất tự hào về truyền thống, nghi lễ mà ông cha mình đã để lại. Đó không chỉ là những nghi lễ dân gian, thể hiện tấm lòng của con cháu với tiền nhân, những người đã có công với đất nước mà còn lưu truyền, phổ biến cách sống, cách sẻ chia, tinh thần cộng đồng... nên bà con không chỉ quyết tâm gìn giữ mà còn phát huy và lưu truyền lại cho em cháu sau này để thấy rằng, đình làng, miếu làng tuy nhỏ, tuy cổ xưa nhưng ở đó ẩn chứa nhiều hình ảnh, kỷ niệm quê hương, là tài sản vô hình của ông cha để lại trong tâm hồn chúng ta”...

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=848
Quay lên trên