Ở Bình Dương có một nhạc sĩ đã gần 90 tuổi nhưng vẫn yêu đời và miệt mài sáng tác, để lại cho công chúng nhiều ca khúc in đậm dấu thời gian. Nhiều người yêu mến gọi ông là nhạc sĩ “Đất phương Nam”, bởi ca khúc “Bài ca đất phương Nam” trong bộ phim “Đất phương Nam” đã để lại dấu ấn mãnh liệt trong lòng người dân Việt Nam nhiều thập niên qua. Người mà chúng tôi muốn đề cập đó là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trao đổi với ê kíp thực hiện chương trình “Tôi yêu Bình Dương”
Trong ký ức tuổi thơ của các công dân 8X, ca khúc “Bài ca đất phương Nam” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong bộ phim “Đất phương Nam” để lại dấu ấn đậm nét và nhiều người thuộc nằm lòng, nhất là câu “Nhắn ai đi về… miền đất phương Nam…”. Cho đến khi tìm hiểu kỹ hơn về ông qua những trang báo, chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm trên truyền hình, nhiều người càng ngưỡng mộ tài hoa của một người con Bình Dương, cũng là nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc cách mạng, bởi rất nhiều lời các ca khúc yêu thích và thuộc lòng của họ đều do ông viết.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (87 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, thuộc thế hệ nghệ sĩ mang tình yêu âm nhạc đi làm cách mạng. Các sáng tác buổi đầu của ông như: “Sáng ra công trường”, “Gửi bạn Algérie”, “Chiếc khăn rằn”, “Tưởng nhớ Trần Văn Ơn”... nhanh chóng đi vào phong trào cách mạng.
Những ca khúc về sau mang âm hưởng dân ca và lời ăn tiếng nói người dân Nam bộ làm nên dáng vóc âm nhạc của Lư Nhất Vũ, xuyên qua cuộc chiến, sống mãi với hành trình cách mạng của thanh niên Việt Nam như: “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Khúc hát người đi khai hoang”, “Hãy yên lòng mẹ ơi”... Và đặc biệt, ca khúc “Bài ca đất phương Nam” ra đời năm 1997 (nhạc trong bộ phim “Đất phương Nam”) được nhiều người yêu thích bởi khả năng khơi gợi bằng giai điệu, tiết tấu, âm hưởng về một thời lưu dân mở đất, mang những tầng ý nghĩa văn hóa vùng miền và cốt cách bản sắc của người Nam bộ.
Có dịp gặp ông trong nhiều chương trình âm nhạc của Bình Dương, chúng tôi càng trân quý hơn người nhạc sĩ tài hoa này bởi những nhiệt huyết của ông vẫn còn rất cháy bỏng. Ông cùng vợ (nhà thơ Lê Giang) đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu thơ, nhạc và đến nay vẫn còn miệt mài sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc; đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để xây dựng nền văn học nghệ thuật Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Để tìm hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, cũng như lắng nghe những tâm huyết của ông về văn học nghệ thuật, sự gắn bó với quê hương Bình Dương… mời quý độc giả đón theo dõi tập tiếp theo của chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Chương trình do Báo Bình Dương thực hiện, phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật (13-8-2023) tại địa chỉ: www.baobinhduong.vn.
THỤC VĂN