Về lại chiến khu xưa

Cập nhật: 27-08-2011 | 00:00:00

Cùng với “người anh em” Thuận An Hòa, chiến khu Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên) được hình thành ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chiến khu Vĩnh Lợi là biểu tượng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân các lực lượng vũ trang của huyện Tân Uyên và tỉnh Bình Dương. Trên vùng chiến khu năm xưa hôm nay, cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày...

Năm tháng oai hùng

Từ trung tâm xã Vĩnh Tân chạy khoảng vài trăm mét theo hướng Cổng Xanh, rẽ phải sau đó theo đường ĐT747 khoảng chừng vài km là đến chiến khu Vĩnh Lợi. Chiến khu năm xưa giờ đây được phủ bởi những rừng cao su ngút ngàn. Thời gian có thể làm thay đổi cảnh quan nơi đây nhưng quá khứ về một thời hào hùng thì vẫn còn vẹn nguyên.

 Vĩnh Tân đang đổi thay từng ngày Vĩnh Lợi trước là một ấp của xã Vĩnh Tân (Tân Uyên). Năm 1946, chiến khu Vĩnh Lợi được hình thành giữa 3 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân. Chiến khu được bao bọc bởi 2 con suối là suối Vĩnh Lợi và suối Cái. Từ chiến khu có hai trục giao thông chạy theo hướng Bắc tạo sự liên thông với chiến khu Đ và chiến khu Thuận An Hòa. Sau khi hình thành, căn cứ Vĩnh Lợi nhanh chóng trở thành nơi đặt các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của xã, huyện và tỉnh. Đây cũng là nơi tổ chức xây dựng phát triển lực lượng cách mạng với việc hình thành một lực lượng lớn gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, du kích tập trung và du kích xã, ấp.

Theo sử sách còn ghi lại, năm 1948, địch huy động một tiểu đoàn lính Âu Phi mở cuộc càn quét vào khu vực Vĩnh Lợi - Bình Chánh - Thái Hòa. Trước tình hình đó, lực lượng du kích Vĩnh Tân và lực lượng ở các xã lân cận đã phối hợp với bộ đội 301 tỉnh Thủ Dầu Một chiến đấu dũng cảm, diệt và làm bị thương 120 tên địch, phá hủy một súng cối 120 ly. Cuộc chống càn thắng lợi trong điều kiện còn thiếu thốn về vũ khí đã làm cho lực lượng của ta phấn chấn, nhân dân vui mừng và càng thêm quyết tâm đánh địch.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và sau này là chống Mỹ xâm lược, chiến khu Vĩnh Lợi đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng. Nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến tích oai hùng đồng thời cũng là nơi đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Chiến khu Vĩnh Lợi đã vượt qua gian khổ, hy sinh, vừa xây dựng vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ giữ vững và phát huy vai trò căn cứ hậu cần, bàn đạp vững chắc trong kháng chiến. Chiến khu Vĩnh Lợi đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Màu xanh trên chiến khu xưa

Về Vĩnh Lợi, Vĩnh Tân hôm nay, điều dễ dàng nhận ra đó là cuộc sống người dân đang thay đổi từng ngày. Những vườn cao su nối dài tạo nên một màu xanh trùng điệp tràn đầy sức sống tựa như người dân của vùng đất kiên cường đã làm nên lịch sử. Ông Đoàn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, cho biết những năm gần đây giá cao su ổn định nên đời sống người dân trong xã được nâng lên rõ rệt. Gần 100% hộ dân trong xã ít nhiều đều có trồng cao su nên thu nhập của người dân ổn định hơn trước. Ngoài cây cao su, nhiều người dân trong xã còn liên kết thành lập mô hình tổ liên kết sản xuất nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật và giống mới để trồng cây ngắn ngày cho thu nhập cao.

Anh Nguyễn Tấn Hoàng, nông dân ấp 4, cho biết từ khi tham gia tổ liên kết sản xuất anh đã tiếp cận được với các phương pháp trồng các loại rau cho hiệu quả kinh tế cao. Đây thực sự là mô hình phù hợp và hiệu quả. Trong năm 2010, gia đình anh Hoàng trồng 3 vụ dưa leo, do được giá nên mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng. Năm nay, anh Hoàng tiếp tục trồng dưa leo đồng thời đang có kế hoạch mở rộng diện tích.

Ông Đoàn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, nói số hộ khá giàu thì xã chưa thống kê được nhưng số hộ nghèo của xã thì liên tục giảm. Đầu năm 2011, cả xã có 70 hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, 6 tháng đầu năm đã có 10 hộ thoát nghèo. Công tác xóa nghèo ở Vĩnh Tân được lãnh đạo xã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tự thoát nghèo vươn lên. Đây cũng là địa phương có nhiều cách làm hay trong công tác giảm nghèo. “Việc Khu công nghiệp VSIP II mở rộng đến địa bàn xã Vĩnh Tân cũng tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác giải quyết việc làm, mở ra nhiều cơ hội cho người dân nâng cao thu nhập...”  - ông Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, để người dân nơi đây ngày càng ấm no hơn nữa rất cần có sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế. Đây không chỉ là việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn góp phần tri ân những người đã đóng góp máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc.

TRÍ DŨNG

Dự kiến năm 2012, khu di tích căn cứ chiến khu Vĩnh Lợi sẽ được xây dựng. Hiện trường Đại học Kiến trúc TP.HCM đang hoàn thiện bản vẽ. Khu di tích sau khi xây dựng không chỉ góp phần bảo tồn truyền thống lịch sử đấu tranh của cha ông mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân, cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên