Về làng tre giữa buổi trưa hè…

Cập nhật: 17-06-2022 | 07:29:09

Chúng tôi trở lại Làng tre Phú An (TX.Bến Cát) vào một buổi trưa hè nắng gắt. Trái ngược với không khí có phần oi bức dọc hai bên đường ĐT744, bước chân vào khuôn viên của khu vực bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật thuộc Làng tre Phú An, mọi thứ bỗng êm dịu và lắng đọng trở lại.


Trẻ em được chơi những trò chơi dân gian khi đến tham quan Làng tre Phú An

23 năm hình thành, phát triển

Theo chia sẻ của Ban quản lý Làng tre Phú An, đây là một dự án bảo tồn sinh thái nguồn gen tre và thảm thực vật ven sông Sài Gòn của Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ. Dự án này được hình thành từ ý tưởng khoa học của Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên (KHTN), Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh từ năm 1999. Trải qua 23 năm thăng trầm, khó khăn, đến nay Làng tre Phú An đã thực sự trở thành điểm đến lý tưởng, góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái đối với người dân, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng.

Nhận được sự chấp thuận của tỉnh Bình Dương về việc phát triển dự án bảo tồn sinh thái Làng tre Phú An, Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh với sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban Giám hiệu trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã nhanh chóng kết nối và nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ các chuyên gia, nhà khoa học yêu mến thiên nhiên đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, tiêu biểu nhất có thể kể đến là các nhà khoa học và chính quyền Vùng Rhône Alpes, vườn thiên nhiên Pilat thuộc nước Pháp.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh cho biết, hiện Làng tre Phú An đang trực tiếp hỗ trợ các nhà khoa học và các nhóm sinh viên thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen tre và hệ thống thảm thực vật ven sông Sài Gòn. Theo đó, hiện Làng tre Phú An đang có khoảng 1.500 bụi tre với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam. Với sự chung tay, góp sức của các thầy cô, chuyên gia, nhà khoa học và các thế hệ sinh viên, hiện Làng tre Phú An đang là điểm đến lý tưởng cho hình mẫu vườn sinh thái và đồng thời cũng đang là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Với đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn nguồn gen tre và thảm thực vật khu vực xích đạo, năm 2010, Làng tre Phú An đã được Liên hợp quốc trao tặng giải thưởng danh giá mang tên Equator Prize về đa dạng sinh học. Đại diện Ban Quản lý Làng tre Phú An cho biết, sau khi nhận được giải thưởng của Liên hợp quốc, hàng năm lượng khách du lịch trong và ngoài nước đổ về đây tăng đáng kể với lưu lượng khách trung bình hàng năm trên 10.000 người. Phần lớn những du khách đến đây đều mong muốn được trải nghiệm cảm giác hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp và trở lại với những kỷ niệm thời thơ ấu của đời người.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay từ lúc quy hoạch hình thành dự án, Làng tre Phú An đã được thiết kế theo phong cách thoáng đãng, dung hòa nét hiện đại của nông thôn kiểu mới và sự chân chất, mộc mạc của miền quê Việt Nam xưa. Phát biểu trong chương trình hội tre được tổ chức tại Làng tre Phú An mới đây, ông Nguyễn Hữu Chí, nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Cát - người từng có nhiều năm đồng hành với dự án Làng tre Phú An - cho biết, trải qua những năm đầu khó khăn, đến nay Làng tre Phú An đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ông Chí cho biết, bản thân ông cảm thấy rất tự hào và may mắn khi được chung tay, góp sức hỗ trợ Làng tre Phú An phát triển như ngày hôm nay.

Nơi nuôi dưỡng tâm hồn

Sẽ là thừa nếu chỉ nói về quy mô khu vực bảo tồn nguồn gen tre và thảm thực vật ven sông Sài Gòn tại Làng tre Phú An bởi những thông tin này hiện đã được khá nhiều tờ báo, trang thông tin điện tử đề cập rất chi tiết. Sau gần một ngày trải nghiệm, khám phá Làng tre Phú An với những cái tên trứ danh như Đồi J, Đồi Nhân ái, khu trưng bày di sản tre Việt Nam, khu trưng bày hệ sinh thái thực vật bảo tồn khác, chúng tôi nhận thấy đây là điểm đến lý tưởng để nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục tình yêu thiên nhiên đối với thế hệ trẻ.


Những con đường với lũy tre san sát trải dài trong Làng tre Phú An tạo nên khung cảnh miền quê yên bình, thơ mộng

Chị Lê Thị Hương, du khách đến từ TP.Thủ Dầu Một cho biết, khi bước chân vào khu vực bảo tồn sinh thái ở Làng tre Phú An, chị dường như đã rũ bỏ được sự xô bồ, náo nhiệt của cuộc sống phố thị. “Trong không gian tươi mát, mộc mạc chuẩn miền quê yên tĩnh này, tôi được thả hồn mình về với tuổi thơ. Dường như đâu đó có tiếng chân mẹ đi chợ về, và đứa con là tôi chạy vội ra để ôm chầm lấy mẹ và đón nhận phần quà ăn vặt từ trong gánh hàng trưa…”, chị Hương xúc cảm.

Phát biểu tại chương trình hội tre được tổ chức vào hồi giữa tháng 5 vừa qua tại Làng tre Phú An, PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đánh giá cao sự đóng góp của Làng tre Phú An đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen tre Việt Nam và thảm thực vật ven sông Sài Gòn. Từ thực tế sống động về hoạt động du lịch, tham quan, PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm kỳ vọng thời gian tới Làng tre Phú An tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình du lịch sinh thái, tăng cường giáo dục tình yêu thiên nhiên, tinh thần bảo vệ môi trường cho giới trẻ hôm nay và mai sau.

Trong bối cảnh cả thế giới đang hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái, hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và nhân rộng diện tích trồng các loại tre, nứa… cũng được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khuyến cáo. Bởi theo nghiên cứu, khảo sát thực tế của các nhóm nhà khoa học thì hầu hết các vật liệu được làm từ tre, nứa, mây… đều có độ bền và đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhiều gia đình. Ngoài ra, là vật liệu dễ tạo hình, uốn nắn nên các sản phẩm được làm từ tre, nứa, mây… cũng được đánh giá cao về khía cạnh thẩm mỹ.

Theo thống kê của Ban Quản lý Làng tre Phú An, tính đến nay làng tre đã tiếp nhận hơn 60.000 lượt khách tham quan, nghiên cứu, học tập. Trong đó, đại đa số là những nhóm người trẻ với khao khát được trải nghiệm những giá trị truyền thống giữa nhịp sống phố thị xô bồ. Dù là ai đi nữa, thì khi đến với Làng tre Phú An đều mang về cho mình những giá trị quý giá trong cuộc sống. Có người sau khi gửi gắm nỗi niềm, tâm sự của mình với thiên nhiên, khi ra về đã trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn…

Những năm qua, nhờ sử dụng các sản phẩm từ tre của Làng tre Phú An mà nhiều doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn đã tiết kiệm được khoản lớn chi phí vận hành, ghi điểm đối với đối tác và khách hàng nhờ sản xuất được hệ thống bao bì thân thiện với môi trường từ vật liệu tre. Tiêu biểu trong số này là Công ty Sài Gòn TanTec Leather có nhà máy đóng tại Khu công nghiệp Việt Hương II, nhờ áp dụng phương pháp sản xuất thân thiện môi trường từ các vật liệu gần gũi với thiên nhiên, môi trường mà đã giảm được không ít chi phí sản xuất đồng thời “ẵm” về giải thưởng danh giá “Energy Efficiency Award” của Cộng hòa Liên bang Đức, trực tiếp đưa vị thế doanh nghiệp lên top những doanh nghiệp thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1077
Quay lên trên