Về thăm khu di tích lịch sử mang ý nghĩa đặc biệt

Cập nhật: 03-12-2022 | 09:44:47

“Cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng, khi về bủng beo” là những miêu tả sống động về đời phu cao su trước năm 1945. Sự khắc nghiệt đời phu cao su được chứng thực qua đồn điền Dầu Tiếng của hãng Michelin. Hiện nay, vườn cây cao su thời Pháp thuộc này đã trở thành một trong những di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh...


Hình ảnh công việc hàng ngày của những người công nhân cao su thời Pháp thuộc được dựng lại tại khu di tích này

Khắc nghiệt đời phu cao su

Những năm đầu thế kỷ 20, khi quá trình thực dân hóa đang vào giai đoạn cao trào, người Pháp đã nhận ra được vùng đất Dầu Tiếng là nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng và phát triển cao su. Hãng Michelin đã đến mộ phu công tra, phá rừng lập đồn điền. Đến năm 1930 thì số phu công tra đã lên đến gần 1.000 người và ngày càng tăng lên qua nguồn phu mộ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Để tiện bề quản lý, chủ Pháp nhân đồn điền thành 22 làng.

Phu đến đồn điền rồi khó mà trốn khi thẻ thân bị giao thẳng cho chủ. Tiền lương không được nhận, các chi phí sinh hoạt, tiêu dùng đều có phiếu tích kê hàng tháng, từ gạo, nước mắm cho đến quần áo. Để quản lý phu, đã có đội ngũ đội xếp, mã tà canh gác các ngả đường. Trước sự bóc lột, đánh đập hà khắc của bọn chủ đồn điền, cộng thêm sự khắc nghiệt của vùng rừng thiêng nước độc, trong thời kỳ Pháp thuộc, cuộc sống của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng vô cùng cơ cực. Họ tổ chức đình công, đấu tranh để đòi quyền lợi, như: Chống sự bóc lột, đánh đập của chủ các đồn điền, đòi ngày làm 8 tiếng, chống chế độ gạo mục cá thối, bảo đảm tiền lương…

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân nơi đây, cuối năm 1936, Chi bộ Cộng sản Dầu Tiếng trực thuộc Thành ủy Sài Gòn được thành lập. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử của phong trào công nhân ở Dầu Tiếng. Từ đây, phong trào công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng đã có một tổ chức Đảng cộng sản lãnh đạo.

Khu di tích lịch sử đặc biệt

Vườn cao su thời Pháp thuộc này hiện nay chính là lô 50, làng 14 của Nông trường Cao su Trần Văn Lưu thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Những vườn cao su xưa đã “thay da đổi thịt”. Duy chỉ có lô 50, làng 14 được giữ nguyên hiện trạng, trở thành hiện thực lịch sử truyền thống của cao su Dầu Tiếng. Vườn cây cao su này đã ngưng khai thác mủ từ năm 2005 nhưng vẫn được giữ lại vì Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng muốn bảo tồn làm chứng tích. Bởi, vườn cây cao su thời Pháp thuộc rất có giá trị về mặt lịch sử, là minh chứng về một thời kỳ lịch sử của dân tộc; là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, thể hiện sự phát triển của phong trào đấu tranh của công nhân trong các đồn điền cao su.

Tháng 4-2009, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận vườn cao su thời Pháp thuộc này là di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau khi được UBND tỉnh công nhận, tháng 10-2010, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã khởi công xây dựng ở vườn cao su này một “Khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc” để tăng thêm giá trị cho di tích nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Sau khoảng 1 năm xây dựng, khu trưng bày đã hoàn thành, đưa vào phục vụ khách tham quan từ tháng 5-2011.

Để có thể khám phá những điều thú vị về nơi đây, mời quý độc giả đón xem tập 15 chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Chương trình được phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật (4-12- 2022) trên truyền hình online của Báo Bình Dương: www. baobinhduong.vn và các trang mạng xã hội khác như Youtube, Zalo, Facebook… Qua chương trình, độc giả còn có thể hiểu thêm về cuộc sống của các phu cao su, chứng kiến tận mắt hình ảnh các phu cao su và những câu chuyện về tiếng còi hú báo phu cao su đi làm và về nghỉ ở nơi rừng thiêng nước độc này của thế kỷ trước.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=477
Quay lên trên