Phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một từng được xem là “kinh đô” nghề guốc mộc Bình Dương vì đây không chỉ là nơi cung ứng guốc cho các tỉnh miền Nam, cho cả nước mà còn xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Không ai biết nghề làm guốc mộc có từ bao giờ, nhưng theo lời kể của các vị cao niên, làng nghề guốc mộc Phú Văn ở phường Phú Thọ đã có từ hơn 100 năm và đây là nghề cha truyền con nối lưu giữ trong từng gia đình. Chính vì vậy, ở đây có hẳn một con đường mang tên “Xóm Guốc”. Lúc hưng thịnh, “Xóm Guốc” không chỉ là nơi cung ứng guốc cho các tỉnh miền Nam, cả nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với tâm huyết với nghề, một số cơ sở guốc ở Bình Dương vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này
Nguyên liệu làm guốc thường là các loại gỗ xốp nhẹ, dễ xẻ và tạo dáng, như: Mít, xoài, dừa, trầm hương, thông... Từ một khúc gỗ muốn biến thành một đôi guốc thì phải trải qua nhiều công đoạn: Cưa khúc, bổ khổ sau đó cho vào máy xẻ; mài thô rồi định hình dạng của chiếc guốc; sau đó mài bóng, mài nhẵn và phun sơn; công đoạn cuối cùng là đóng đế và quai hay sơn trang trí tùy theo yêu cầu của khách hàng. Theo thị hiếu khách hàng, guốc ngày càng được đa dạng kiểu dáng và màu sắc hơn, như: Guốc mộc, guốc sơn, guốc vẽ khắc hoa văn. Về sau guốc được kết hợp với nhiều ngành nghề thủ công khác, như: Sơn mài, thêu tay, kết cườm tạo thành những đôi guốc mộc có giá trị và tính thẩm mỹ cao.
Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển nghề làm guốc do thị hiếu và sức cạnh tranh của thị trường nhưng với tâm huyết với nghề, một số cơ sở guốc ở Bình Dương vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này. Nhờ đó, làng nghề không chỉ tạo điều kiện phát huy tiềm năng kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa mà còn trở thành một trong những địa điểm du lịch làng nghề thú vị của du khách khi đến Bình Dương.
Để tìm hiểu các công đoạn tạo tác nên những đôi guốc đẹp xinh, góp phần tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ, cũng như lắng nghe tâm tư của những người làm nghề… mời quý độc giả đón xem tập tiếp theo của chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Chương trình được phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật (ngày 2-4) tại địa chỉ: www. baobinhduong.vn.
THỤC VĂN