Về thăm Nghĩa trang Trường Sơn

Cập nhật: 25-07-2014 | 00:00:00
Đêm nay tôi không chợp mắt được, khi nghí đến hơn 10.000 phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ đã cùng với tuổi trẻ miền Bắc đã “xẻ dọc Trường Sơn” vào Nam cứu nước đang nằm yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn giữa gió lộng mây ngàn trong bầu trời Việt Nam bình yên lung linh ngàn vì sao tỏa sáng. Trong số đó có những ngôi mộ vô danh. Những người con thân yêu trên mọi miền đất nước về đây yên nghỉ trong lòng đất này như thầm nhắc với chúng ta về một cuộc chiến tranh đã đi qua về kỳ tích một con đường. Đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh, thành lập năm 1959, trên một tuyến dài 16.000km, với 5 hệ thống dọc, 21 hệ thống trục ngang. Từ năm 1959 đến tháng 4-1975 có hơn 4 triệu lượt người qua đường Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Trong 16 năm (1959-1975), hơn 1,5 triệu tấn hàng đã được vận chuyển trên con đường này và phục vụ chiến trường miền Nam. Cũng trong 16 năm ấy ta đã đánh trên 111.000 trận với không quân địch, bắn rơi 2.450 máy bay các loại, phá hủy và làm vô hiệu hóa hàng trăm ngàn quả bom mìn của kẻ thù ném trúng tuyến đường. Có một con số rất đặc biệt đã làm lay động lòng người - đó là 16 năm mở đường và giữ vững con đường huyết mạch của Tổ quốc - bom đạn của quân thù đã cướp đi 19.387 người con thân yêu của đất nước. Tuổi hai mươi của những người con trai, con gái “đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép” đã vĩnh viễn gửi lại giữa đại ngàn sâu thẳm Trường Sơn - để con đường ấy trở thành con đường vinh quang bất diệt. Tên tuổi của những anh hùng liệt sĩ ấy sẽ được các thế hệ người Việt Nam ngưỡng mộ và tôn vinh. Một niềm cảm xúc bi tráng đang trào dâng trong tôi khi qua Trường Sơn: “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/ Bóng dài trên đỉnh núi cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới/ Lá ngụy trang reo với gió đèo”.

Vẫn cảm xúc ấy tôi đến Nghĩa trang TX.Quảng Trị. Là một thị xã “trăng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta - nơi đây còn lưu giữ lại được ngôi trường Bồ Đề - chứng tích của cuộc chiến tranh hủy diệt - 81 ngày đêm bám giữ Thành cổ Quảng Trị của quân giải phóng đã để lại dưới lòng đất này biết bao nhiêu người con thân yêu của Tổ quốc. Khi đốt nến nhang tại đài tưởng niệm ở Nghĩa trang TX.Quảng Trị tôi đã bật lên tiếng khóc: Trên 400 phần mộ vô danh này, ngôi mộ nào là ngôi mộ của anh trai ruột của mình? Tôi đã thắp nhang lên từng nấm mộ và cứ qua từng nấm mộ tôi đều khấn thầm: Anh Lê Tiến Hiến, kính mong hồn anh linh thiêng đêm nay về báo mộng cho em. Kính viếng hương hồn tất cả các anh. Các anh đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai/ Ôi! Đất anh hùng dễ mấy mươi/ Chìm trong lửa đạn vẫn xanh tươi”.

 Tùy bút: LÊ TIẾN MỢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=477
Quay lên trên