Về thăm người mẹ anh hùng đất Tân Hiệp
Là mẹ VNAH duy nhất còn sống của xã Tân Hiệp (Tân Uyên), mẹ Lê Thị Lùng năm nay đã được 97 tuổi (SN 1924), là một trong số ít người còn sống đã trải qua 2 cuộc chiến tranh thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với sự chịu đựng, hy sinh mà ít ai biết được.
Mẹ VNAH Lê Thị Lùng bên bàn thờ những người con liệt sĩ
Mẹ Lùng có tất cả 9 người con (trong đó có 4 trai và 5 gái), trong hai cuộc kháng chiến, cả chồng và con của mẹ đều tham gia cách mạng. Thời kỳ chống Pháp, mẹ tham gia gánh gạo nuôi bộ đội, bất kể ngày nắng hay mưa, dù gia đình có khó khăn, mẹ vẫn luôn hăng hái tham gia. Trong chiến tranh, mặc dù vẫn biết sự chia ly và mất mát có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, mẹ đã động viên các con của mình lên đường nhập ngũ, cầm súng đánh đuổi quân xâm lược. Dẫu khuyến khích các con lên đường nhập ngũ nhưng trong lòng người mẹ nào lại không thương con, không lo lắng cho con. Từng ngày, từng giờ, mẹ Lùng vẫn luôn thầm cầu mong, khấn nguyện cho sự bình yên đến với các con nơi chiến trường. Thế rồi, giấy báo tử, nỗi sợ hãi lớn nhất đối với mẹ cũng đã đến. Tháng 8-1968, mẹ nhận được tin “sét đánh” khi liệt sĩ Lê Văn Phong (Trung đội trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hy sinh ngày 8-8-1968), đứa con cưng nhất của mẹ đã hy sinh. Chưa kịp lắng dịu, nỗi đau mất con lại tiếp tục chồng chất lên mẹ, khi 2 tháng sau mẹ lại phải nhận giấy báo tử của con gái, liệt sĩ Lê Thị Mai (Phó Hội trưởng Phụ nữ xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, hy sinh ngày 14-10-1968) cũng đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Chiến tranh một lần nữa không buông tha các con của mẹ khi nó đã lấy đi người con trai thứ 2 của mẹ - liệt sĩ Lê Văn Khuê (Trung đội trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hy sinh tháng 2-1973), trong một trận chiến ác liệt với quân thù. Việc mất 3 người con yêu quý liên tiếp trong vòng vài năm đã khiến cho mẹ Lùng như muốn ngã quỵ trước bao khó khăn cùng nỗi nhớ con tưởng chừng như không vượt qua nổi, nhưng mẹ đã nuốt nước mắt, “biến đau thương thành sức mạnh”, tiếp tục phục vụ cách mạng cho đến ngày độc lập.
Chiến tranh qua đi, hòa bình lặp lại là niềm vui và hạnh phúc đối với biết bao người. Nhưng với mẹ, cùng với niềm tự hào xen lẫn là nỗi đau, là sự mất mát không gì bù đắp được. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã làm cho mẹ vơi đi phần nào nỗi mất mát. Mẹ bùi ngùi tâm sự: “Trong thời gian qua, ngoài việc sống trong tình thương yêu của con cháu, mẹ còn được sự quan tâm chăm lo hết mực của Đảng, chính quyền đã thường xuyên thăm hỏi, chúc thọ nhân các dịp lễ, tết, dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ với một niềm tri ân sâu sắc đã giúp cho mẹ vơi đi bớt phần nào nỗi đau của mình...”.
H.BÌNH - T.LÝ