Bị thương cụt mất một tay nhưng ông Tư Mỏi không nản lòng nhụt chí, vẫn tiếp tục cầm súng ra chiến trường, nhiều lần mặt đối mặt với kẻ thù. Nhưng đến bây giờ ông chỉ là một “anh hùng không danh hiệu”!
6 lần bị thương vẫn kiên trung bám trụ
Từ trận đánh ngày 10-10- 1965, ông Tư Mỏi cùng các đồng đội được cấp trên tuyên dương là Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, được chọn báo cáo điển hình ở cấp quân khu tổ chức tại rừng Mã Đà và phổ biến kinh nghiệm đánh Mỹ cho toàn miền Nam. Điểm đặc biệt trong chiến công xuất sắc trên là ông Tư Mỏi đánh địch với một tay. Bởi, một phần cánh tay của ông đã bị mảnh Sau khi chiến đấu và giành thắng lợi, ông Tư Mỏi và các đồng đội đã theo địa đạo này để thoát vào rừng
lựu đạn cắt mất trong trận chiến đấu chống gom dân lập ấp chiến lược vào năm 1963 tại khu vực ngã tư Kiến Điền. Ở trận đánh đó, ông Tư Mỏi ném trái lựu đạn đầu tiên tiêu diệt được 5 - 6 tên địch, trái thứ hai bị lép nên liền ném trái lựu đạn thứ ba qua liếp tầm vông nhằm vào đội hình địch. Nhưng không may, trái lựu đạn đã phát nổ khi vừa rời tay người chiến sĩ dũng cảm. Nhờ các đồng đội quên mình che chắn và tải thương mà ông được cấp cứu kịp thời và đưa về hậu cứ chữa trị.
Sau khi tịnh dưỡng một thời gian, ông Tư Mỏi lại xung phong chiến đấu và lập nên chiến công thần kỳ vào ngày 10-10-1965. Và từ sau trận càn này, quân Mỹ đã đặt tên 3 xã vùng Tây Nam, huyện Bến Cát là “Tam giác sắt” và cho rằng nếu “Tam giác sắt còn thì Sài Gòn mất”. Ngoài lần chết hụt đó, ông Tư Mỏi còn có thêm 5 lần khác bị thương nặng. Trong đó có lần ông bị lọt vào ổ phục kích của địch ở gần trường Tiểu học An Điền ngày nay. Ông vừa chống trả vừa rút lui, nhưng không may rơi vào hầm chông ở bãi tử địa do ta gài sẵn để chống càn. Một cây chông tre đã đâm xuyên và nằm lại trong xương đùi phải suốt 22 năm, sau này khi vào những năm 90 mới được mổ lấy ra. Ông Tư Mỏi cho biết, đoạn chông tre trở thành kỷ vật này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương.
Lần khác, vào khoảng năm 1970, ông Tư Mỏi bị đạn của địch bắn bị thương nặng, trong đó có 1 viên phá hỏng cây súng ngắn đeo bên người mà ông cũng không biết. Sợ rơi vào tay kẻ thù, ông móc súng ngắn ra tự sát thì mới hay “mình có muốn chết cũng không được do khẩu súng đã bị hư tự lúc nào”. Mất máu nhiều nên ông ngất xỉu, may được các đồng đội tìm gặp và đưa về bệnh viện dã chiến của huyện điều trị. Dù bị thương nhiều, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn bám trụ địa bàn, tham gia chỉ huy các trận đánh, phục kích địch “vì đồng đội rất an tâm khi chiến đấu bên cạnh Tư Mỏi” như lời của cựu chiến binh Nguyễn Văn Banh.
Thời gian sau đó, ông Tư Mỏi được giao phụ trách một tiểu đội lãnh nhiệm vụ bảo vệ căn cứ tại khu vực sân banh xã An Điền, sau đó cấp trên phân công thực hiện nhiệm vụ quân báo, rồi giao phụ trách công tác công an vũ trang tăng cường cho các xã trên địa bàn Bến Cát.
Sau năm 1975, ông Tư Mỏi là ủy viên Công an huyện Bến Cát, phụ trách an ninh 3 xã Tây Nam. Năm 1982, ông xin được nghỉ hưu sớm, bước vào một mặt trận mới không kém phần cam go. Đó là mặt trận chống đói nghèo, tạo lập cuộc sống gia đình riêng mà ông vừa mới xây dựng với một đồng đội là cán bộ Hội Phụ nữ huyện sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Anh hùng và cuộc sống đời thường
Cánh tay trái bị cụt ngày nào được ông Tư Mỏi làm giá đỡ để bắn tỉa địch bằng súng carbine (vốn rất ít khi trượt mục tiêu) giờ trở thành bệ để người anh hùng năm nào vung cuốc khai phá đất gò làm ao nuôi cá, vườn cây ăn trái, chuồng nuôi heo, cất nhà…
Điều đáng quý ở ông Tư Mỏi là dù thân thể không lành lặn, trong người vẫn còn hàng chục mảnh bom đạn của địch, tuổi đã cao nhưng người anh hùng năm xưa vẫn siêng năng làm việc. Khi chúng tôi đến nhà, ông Tư Mỏi đang một mình di chuyển chiếc thùng phuy sắt, rồi trộn hồ trét sân, chậu hoa; ngay cả việc pha trà, rót nước bằng chiếc phích nước sôi to đùng ông cũng không cho khách làm. “Suốt 50 năm qua kể từ ngày bị thương mất một phần cánh tay, cái gì làm được tôi đều tự tay mình thực hiện. Những năm sau giải phóng, khi xin nghỉ công việc Nhà nước, với đôi tay không lành lặn này hàng ngày tôi cũng cuốc đất trồng lúa, trồng hoa màu, sau này là trồng cao su, cho đến nuôi cá, nuôi heo trên diện tích gần 4 ha”, ông chia sẻ.
“Ông Tư Mỏi xứng đáng và rất nhiều lần tôi đề nghị trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông ấy. Nhưng không hiểu vì sao đến giờ ông Tư Mỏi vẫn chưa được phong tặng anh hùng. Tôi vừa tiếp tục đề nghị Đảng bộ xã An Điền và các cấp, các ngành có liên quan kịp thời xem xét giải quyết trường hợp phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông Tư Mỏi”, nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Cát Huỳnh Văn Thu cho biết.
Nhờ ý chí và nghị lực phi thường của người cựu binh - từng là nỗi khiếp sợ của quân thù, bị địch “treo giá” hàng trăm cây vàng nếu bắt sống hoặc bắn chết - mà 5 người con gồm 4 gái, 1 trai của vợ chồng ông đều được ăn học tử tế và thành đạt. Kinh tế gia đình ông được địa phương đánh giá là thuộc hàng “đỉnh” của ấp 3. Hiện ông Tư Mỏi vẫn tham gia công tác của Hội Cựu chiến binh xã, là tấm gương sáng cho con cháu trong dòng họ và xóm giềng noi theo.
Điều mà các đồng đội năm xưa của ông trăn trở là, với những cống hiến, chiến công xuất sắc oai hùng trong kháng chiến, ông Tư Mỏi xứng đáng được tuyên dương là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng đến giờ ông vẫn chưa được công nhận danh hiệu trên. Mong là, trong những năm tháng cuối đời, ông Tư Mỏi sẽ được phong tặng danh hiệu cao quý đó, cho dù hiện tại trong mắt của người dân địa phương và các đồng đội năm xưa, ông Tư Mỏi đã là một người anh hùng không danh hiệu!
Phóng viên Báo Bình Dương cũng đã rà soát lại hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ chính sách của ông Tư Mỏi gửi UBND huyện Bến Cát từ những năm 1990 và ghi nhận: có rất nhiều người biết đến chiến công kỳ diệu và thành tích cá nhân của người chỉ huy trận đánh năm xưa. Các ông Nguyễn Hữu Ý, Nguyễn Văn Lục, Lê Chí Lý… cùng có bút tích xác nhận thành tích đáng khâm phục của ông Tư Mỏi. Cụ thể, ông Lê Văn Riêng, Huyện ủy viên Huyện ủy Bến Cát trong thời kỳ đầu những năm 1960 xác nhận: “Ông Mỏi có rất nhiều công lao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là người phục vụ tốt thông tin cho lãnh đạo diệt ác phá kềm. Thời gian làm du kích xã năm 1960, ông chỉ huy đánh rất nhiều trận, như trận đánh rất dũng cảm tại ngã ba Chú Lường, ông bị thương nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Cao điểm là trận đánh tại sở Ông Kho, diệt hàng trăm tên Mỹ, buộc chúng phải rút khỏi địa phương…”.
Bài cuối: Tìm sự công bằng cho trận đánh lịch sử ngày 10-10
CHÍ THANH - HÒA NHÂN