Ven sông có phố hàng rong

Cập nhật: 12-03-2019 | 07:12:39

 Đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một nằm ven sông Sài Gòn là một nơi rất quen thuộc đối với nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Mỗi buổi chiều tối, nhiều người thường tới đây vui chơi, giải trí. Tại tuyến đường này, đã có một thời những gánh hàng rong trở thành “nỗi lo” thường trực của cơ quan quản lý TP.Thủ Dầu Một cũng như phường Phú Cường. Nhưng nay mọi chuyện đã khác.

Nhộn nhịp phố đêm

Chúng tôi có mặt tại đường Bạch Đằng vào một tối cuối tuần. Dòng người qua lại tấp nập, ven sông Sài Gòn có đến hàng trăm bạn trẻ từ các nơi về đây hóng mát. Con phố lên đèn, những chùm đèn hoa nhiều màu sắc làm cho đường Bạch Đằng trở nên sinh động và quyến rũ hơn. Khu vực này còn có chợ Thủ Dầu Một nổi tiếng. Bên cạnh đó là phố chợ đêm hoạt động tấp nập trong mấy năm gần đây, đã tạo sức hút đáng kể đối với những người đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bình Dương

Đôi bạn Khánh Huyền - Thanh Tú (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), cho hay từ Củ Chi sang chợ Thủ chỉ vài cây số. Bến Bạch Đằng (đường Bạch Đằng) là địa điểm vui chơi, giải trí không xa lạ đối với người dân Củ Chi. Giờ đây, chợ Thủ đã có quá nhiều thay đổi: Khang trang, sầm uất hơn, so với nhiều năm trước. Chợ đêm xung quanh các tuyến đường bao bọc chợ Thủ hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, ăn uống, giải trí của mọi người. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người ở bên kia bờ sông chọn Bình Dương là nơi vui chơi, giải trí vào dịp cuối tuần.

Một góc phố hàng rong Bạch Đằng. Ảnh: XUÂN VĨ

Đối với nhiều du khách khi đến tham quan Bình Dương hay đi chợ đêm Thủ Dầu Một, điểm đến không thể bỏ qua chính là đường Bạch Đằng. Ngày trước, đường Bạch Đằng có nhiều người bán hàng rong, hay lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở lưu thông. Để giải quyết tình trạng trên, hiện mỗi đêm, UBND phường Phú Cường đã cắt cử người túc trực xử lý các vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND phường Phú Cường, cho hay đường Bạch Đằng khá dài, trước đây lực lượng bảo đảm an ninh trật tự của địa phương còn mỏng nên thường xảy ra tình trạng dẹp nạn bán hàng rong ở cuối đường thì đầu đường lại tái diễn. Để giải quyết hiệu quả tình trạng này là cả một bài toán nan giải, bởi có nhiều người mưu sinh bằng việc bán hàng rong trên đường Bạch Đằng.

Đưa hoạt động bán hàng rong vào nề nếp

Theo lãnh đạo UBND TP.Thủ Dầu Một, đa số người bán hàng rong trên tuyến đường Bạch Đằng là dân từ các tỉnh khác đến. Có người đã làm việc tại Bình Dương hàng chục năm, bị mất sức lao động, họ chuyển sang buôn bán hàng rong kiếm sống; cũng có người chọn Bình Dương là nơi “khởi nghiệp” cố gắng vươn lên từ xe hàng rong nho nhỏ. Qua chuyến đi học tập kinh nghiệm tại Cần Thơ, thành phố đã sắp xếp lại, đưa hoạt động bán hàng rong vào khuôn khổ, nề nếp. ..

Ngày 27-12-2018, UBND TP.Thủ Dầu Một ra Công văn số 2699/UBND-KT quyết định giao Phòng Kinh tế chủ trì phối hợp cùng UBND phường Phú Cường và các ngành liên quan tham mưu UBND thành phố xem xét giải quyết đề nghị của UBND phường Phú Cường tại Công văn số 421/ UBND ngày 25-12-2018 về việc sắp xếp tạm các xe bán hàng rong trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Ngay khi có công văn này, ông Sang cho biết UBND phường Phú Cường đã yêu cầu bộ phận chức năng làm việc với gần 100 người dân bán hàng rong trên tuyến đường Bạch Đằng, sau đó hai bên đã tìm ra được tiếng nói chung. Theo đó, UBND phường đã “ký hợp đồng” với 84 người bán hàng rong với hình thức mỗi xe hàng rong sẽ được “thuê” khoảng ô đất sát lề đường với diện tích 1m x 1,5m để đặt xe hàng rong buôn bán. 84 người bán hàng rong cũng cam kết với chính quyền địa phương giữ gìn vệ sinh chung, không để xảy ra cháy nổ bằng cách trang bị mỗi xe bán hàng rong một túi đựng rác, bình chữa cháy mini... và nhất định phải ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng khi tham gia bán hàng rong.

Chị Dương Đài Quyên, quê Cà Mau, bán cá viên chiên trên đường Bạch Đằng, vui mừng cho biết giờ chị không lo phải “chạy cút bắt” với lực lượng chức năng nữa. Khoảng một tháng nay, thu nhập từ bán hàng rong của chị được cải thiện đáng kể. “Buôn có bạn, bán có phường”, gần cả trăm người đang mưu sinh như chị rất phấn khởi bởi việc bán hàng rong trên tuyến đường Bạch Đằng đang đi vào nề nếp hơn.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, quê Sóc Trăng cùng chồng bán bánh tráng nướng trên đường Bạch Đằng, tâm tình chị làm công nhân tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I hơn 10 năm nay, tới tuổi nghỉ hưu chị không về lại quê nhà vì chị đã coi Bình Dương là quê hương thứ hai của mình. Nhờ có gánh hàng rong này, gia đình chị đủ điều kiện lo cho con đi học nghề. Nay hai đứa con của chị đã được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty ở Khu công nghiệp Mỹ Phước I.

Còn chị Nguyễn Ngọc Sống, quê Cần Thơ, xúc động nói: “Nếu địa phương không cho tôi bán hàng rong ở đường Bạch Đằng thì tôi không biết lấy đâu ra tiền để nuôi người chồng đang bị bệnh tiểu đường và mất khả năng lao động. Xe bán trứng gà nướng của tôi đang là niềm hy vọng cho cả gia đình”.

Xây dựng văn minh phố hàng rong

Ông Sang cho hay, sau thời gian thử nghiệm, sắp xếp lại các xe hàng rong, tình hình an ninh trật tự khu vực đường Bạch Đằng được bảo đảm, có sự quản lý tốt hơn. Hàng đêm, UBND phường Phú Cường cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp quản lý, đồng thời cử lực lượng công an, y tế, tổ trật tự, lực lượng dân quân tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm tại phố hàng rong. Hiện nay, người dân buôn bán hàng rong ở khu vực này cơ bản chấp hành tốt các quy định do UBND phường đặt ra; mỗi xe đều có sọt rác, bình chữa cháy mini; trong quá trình kinh doanh có sự hỗ trợ lẫn nhau trong mua bán...

Theo lãnh đạo phường Phú Cường, để phố hàng rong hoạt động hiệu quả, văn minh, lịch sự, địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Phường đã đề xuất với UBND TP.Thủ Dầu Một thành lập hợp tác xã quản lý và khai thác phố hàng rong. Bên cạnh đó, địa phương còn lên ý tưởng sẽ đồng nhất các xe bán hàng rong để tạo tính thẩm mỹ cho phố hàng rong Bạch Đằng. Cụ thể là các xe hàng rong sẽ được đóng theo mẫu của UBND phường Phú Cường thiết kế, có giá khoảng 5 triệu đồng/chiếc. Người bán hàng rong có thể tự đóng xe theo mẫu, nếu ai có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ được địa phương hỗ trợ mua xe hàng rong trả góp.

Ngoài việc phải trang bị giỏ đựng rác, bình chữa cháy mini, tới đây người bán hàng rong buộc phải khám sức khỏe định kỳ và tham gia các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để thu hút khách tham quan, vui chơi, giải trí, phường Phú Cường còn dự tính tổ chức các chương trình văn nghệ, quảng bá văn hóa đất và người Bình Dương trên trục đường Bạch Đằng...

Chia tay phố hàng rong Bạch Đằng khi dòng người vẫn đang đổ về đường Bạch Đằng đi “bát phố”, chúng tôi nhớ mãi nụ cười của chàng trai trẻ Lê Minh Tý, quê Bến Tre. Tý bán bánh tráng trộn và xoài lắc, đôi tay Tý “lắc xoài” điệu nghệ chẳng khác nào một tay pha chế rượu (bantender) chuyên nghiệp đang pha chế cooktail cho khách. Tý nói với chúng tôi: “Mình bán hàng rong vài năm để tích lũy vốn, sau đó sẽ kinh doanh thứ khác. Mình còn trẻ và khỏe, không lẽ đi “giành ăn” với phụ nữ và người mất sức lao động?”. Nụ cười của chàng trai tuổi đôi mươi hiền hòa, thân thiện, đầy niềm tin từ tương lai phía trước ngay trên mảnh đất Bình Dương.

Các nước sử dụng vỉa hè ra sao?

Tại phía đông đường 42, New York, Hoa Kỳ, trong 10 năm qua, tiền phí thu từ các nhà hàng có chỗ ngồi ngoài trời đã tăng hơn gấp đôi, lên tới khoảng 14 triệu USD (số lượng nhà hàng là hơn 1.300). New York cũng thu khoảng 400.000 USD từ những người bán rong trái cây, rau và hoa trên vỉa hè. Tại nhiều quốc gia châu Âu, việc mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan.

Một trong những địa điểm nổi tiếng với văn hóa cà phê vỉa hè là thủ đô Paris, Pháp. Giá thuê tại khu phố ít người qua lại ở đây là 16 EUR (hơn 17 USD) mỗi năm cho 1m2. Tại những địa điểm sầm uất như đại lộ Champs-Élysées, nơi nổi tiếng với các nhà hàng, rạp chiếu phim và cửa hàng xa xỉ phẩm, giá thuê có thể lên tới 88 EUR (95 USD) mỗi năm.

Còn tại London, Anh, nếu muốn mở các gian hàng trên đường phố, người bán cũng phải xin giấy phép. Ở đây, một số địa điểm chỉ cho phép mở các gian hàng bán kem. Lệ phí mở các gian hàng rong tại khu vực trung tâm của thành phố có thể lên đến hơn 50 USD/ngày.

 

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết
Ven sông có phố hàng rong
Bình Dương là chốn nương thân người nghèo
Vòng tay mở rộng đón chào
Bà con tứ xứ trọn tình yêu thương.
già Bến Tre (Cách đây 6 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1647
Quay lên trên