Vẹn tròn tình nghĩa quân dân…

Cập nhật: 01-10-2021 | 09:09:50

Để bảo vệ sức khỏe, giành lại sự sống của người dân trước đại dịch Covid-19, lực lượng tuyến đầu đã đón nhận bao vất vả, hy sinh mà không chút đắn đo, suy tính. Đi để thấy và ghi nhận sự cống hiến thầm lặng của những bác sĩ quân y - một trong những lực lượng tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch tại tỉnh nhà. Đi để thấy tự hào về sự đồng lòng, chung sức vì cuộc sống yên bình của bao người…


Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D Bộ Quốc phòng

Vững vàng nơi tuyến đầu

Một ngày giữa tháng 9-2021, chúng tôi đến thăm Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D của Bộ Quốc phòng đóng ở phường Đông Hòa, TP.Dĩ An. Nếu không có “thổ địa” dẫn đường thì mọi người khó có thể đến đúng nơi các bác sĩ quân y “đóng quân”. Đó là vùng giáp ranh giữa Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Bệnh viện đóng tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (phường Đông Hòa, TP.Dĩ An), nơi điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2 của Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh.

Lúc này dù đã quá trưa nhưng ai vào việc nấy hết sức tất bật và đầy tinh thần trách nhiệm. Bộ phận chăm sóc bệnh nhân nặng túc trực tại khu điều trị. Những người lo công tác hậu cần chuẩn bị từng phần cơm, chai nước suối cho lực lượng y, bác sĩ, bệnh nhân… Khu vực tiếp nhận lương thực, thực phẩm hỗ trợ cũng luôn tất bật với những phần việc như nhập trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm. Ký túc xá được chuyển “công năng sử dụng” sang làm bệnh viện nên có những bất cập như không có lối riêng cho xe lăn, không có khu biệt lập như một bệnh viện thật sự, nhưng tất cả đã được khắc phục để phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất.

“Quá tải” là 2 từ chúng tôi nghe nhiều khi đến thăm nơi này. Và rồi dù cố giấu nhưng ai cũng lộ rõ vẽ mệt mỏi, lo lắng từ ánh mắt, lời nói. Không mệt mỏi quá sức, không áp lực sao được khi nhiều y, bác sĩ nhiều tháng không được về nhà. Họ tự nguyện hoặc buộc phải cách ly cùng bệnh nhân khi không may nhiễm bệnh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân trở nặng…

Trong một chuyến thăm và động viên các y, bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến 5D, bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng dù ở mỗi lĩnh vực, ngành nghề khác nhưng cuộc gặp gỡ, thăm hỏi và động viên tại Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D đã thể hiện tình quân dân tròn đầy. Ai nấy quyết tâm, trách nhiệm, thấu hiểu, đồng cảm với nhau. Và như thế, chúng ta sẽ tiếp tục góp phần trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ, bền vững hơn để chiến thắng dịch bệnh.

Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Chinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 105 nay kiêm luôn Giám đốc Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D, Bộ Quốc phòng cho biết quân số của bệnh viện dã chiến này hiện có 130 cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng chủ yếu đến từ Hà Nội. Bệnh viện triển khai hoạt động từ ngày 3-8. Hiện tại, cơ bản những trang thiết bị hiện đại được Cục Quân y huy động, trang bị. Bệnh viện cũng đã nhận được máy X-Quang di động, các máy thở, máy siêu âm, điện tim, Monitor theo dõi và các máy xét nghiệm sinh hóa tự động…

Đại tá Nguyễn Văn Chinh nói thêm: “Tính từ ngày 4-8 đến 28-9, bệnh viện đã thu dung điều trị 4.625 ca bệnh. Hiện tại bệnh viện đang tiếp tục điều trị cho 1.294 bệnh nhân, số còn lại đã khỏi bệnh, xuất viện. Có 5 bệnh nhân tử vong cũng đã được các chiến sĩ lo hậu sự chu đáo, tận tình”.

Chị Nguyễn Thị Kiên, nhân viên Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D tâm sự, cả 2 vợ chồng đều phục vụ trong Bệnh viện Quân y của Bộ Quốc phòng. Dịch bệnh xảy ra nên mỗi người nhận nhiệm vụ tại một bệnh viện dã chiến theo tinh thần “chi viện” cho miền Nam. Hai đứa con chị ở tại Hà Nội, đứa lớn học lớp 10 chăm cho em đang học lớp 4. “Là quân y, chúng tôi thường xuyên đi công tác xa nhà nên cũng quen rồi. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên tôi đến miền Nam. Những ngày đầu, khí hậu chưa quen, thức ăn không hợp khẩu vị nhưng nhiệm vụ là trên hết, khó khăn sẽ khắc phục, quen dần”, chị Kiên chia sẻ.

Đại tá, Chính ủy Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D Hồ Sỹ Tính cho biết, lực lượng quân y có tinh thần trách nhiệm cao, hợp tác rất tốt với lực lượng tình nguyện viên địa phương. Bình Dương có cái khó là người dân vãng lai rất nhiều, khi xảy ra dịch rất khó khăn, cần sự giúp đỡ từ nhiều nguồn. Nguyên tắc bệnh nhân Covid-19 tử vong là bắt buộc xử lý độc hại, không cho người nhà đến nên chúng tôi phải làm thay việc của thân nhân bệnh nhân nặng cũng như người không may không qua khỏi. Tinh thần phục vụ của người lính quân y là luôn đề cao tính kỷ cương, kỷ luật, hết lòng vì bệnh nhân nên y, bác sĩ ở bệnh viện đều vượt qua khó khăn, nhắc nhở nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thấu hiểu, đồng cảm

Khác với các bệnh viện dã chiến khác, ở Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D mức độ nguy hiểm chắc chắn sẽ cao hơn nhiều vì điều trị cho bệnh nhân nặng. Tất cả đều trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với cấp độ cao nhất là điều mà các y, bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D luôn nhắc nhở nhau.

Đại tá Nguyễn Văn Chinh cho biết: “Bệnh viện nằm giáp ranh giữa Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh nên chúng tôi được lãnh đạo của 2 địa phương quan tâm chu đáo. Ngoài chế độ 80.000 đồng/ngày cho lực lượng tham gia chống dịch của bệnh viện, Bình Dương còn hỗ trợ thêm 40.000 đồng/người/ ngày. Ngoài ra còn có nhiều đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đồng hành với chúng tôi nên mọi chuyện khó khăn đã được giải quyết thấu đáo, anh chị em đều yên tâm công tác, nêu cao trách nhiệm, trên tinh thần hết dịch mới về”.

Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D Bộ Quốc phòng có quy mô 500 giường bệnh, được tổ chức gồm ban giám đốc, 4 cơ quan và 10 khoa khám, chữa bệnh (khoa khám bệnh, hồi sức; khoa điều trị bệnh nhân các mức độ nhẹ, vừa, nặng; khoa ngoại tổng hợp, chống nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm…). Từ ngày 4-8 đến 28-9, bệnh viện đã thu dung điều trị 4.625 ca bệnh. Hiện tại bệnh viện đang tiếp tục điều trị cho 1.294 bệnh nhân, số còn lại đã khỏi bệnh, xuất viện.

Rất nhiều tổ chức, cá nhân đã đến thăm, tặng quà hỗ trợ tại bệnh viện này, ai cũng muốn chia sẻ phần nào khó khăn. Quà hỗ trợ là trang thiết bị y tế, vật dụng bảo hộ và nhiều nhu yếu phẩm khác. Bà Trà Lục Mỹ Hạnh, đại diện VNPT Bình Dương cùng đi với đoàn từ thiện của Hội LHPN tỉnh cho biết, đơn vị ưu tiên hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, trong đó có Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 5D của Bộ Quốc phòng với 12.000 khẩu trang N95, 600 bộ đồ bảo hộ y tế loại 3, thuốc điều trị, giường y tế với tổng giá trị 200 triệu đồng. Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh và các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho tình nguyện viên tham gia cùng lực lượng quân y về lương thực, thực phẩm, nước uống, nấu bữa ăn dinh dưỡng phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh.

Sự đồng lòng của mọi lực lượng trong trận chiến này cũng chính là để đi đến thắng lợi cuối cùng. Những câu thăm hỏi, động viên là món quà tinh thần vô giá để họ cùng nhau vượt qua khó khăn, nguy hiểm. Các y, bác sĩ cho biết rằng họ đã ngỡ ngàng thật sự với tình nghĩa của Bình Dương dành cho. Vì Bình Dương và miền Nam thân yêu, sự nhọc nhằn, hiểm nguy họ phải đối mặt nào có sá gì...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=487
Quay lên trên