Sau nhiều sức ép từ dư luận, báo chí và cả người nhà VFF, gần như 99% Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi sẽ rời "ghế nóng". Liệu ai có đủ sức thay thế ông Khôi và ngay cả như vậy, việc thay đổi vị trí trưởng giải có phải là cách làm tốt nhất trong kế hoạch tìm ra hướng đi mới cho bóng đá Việt Nam?
>>> Trưởng ban tổ chức V-League xin từ chức
Trần tình qua bức "tâm thư"
Có phần nghiệt ngã và thiếu công bằng khi mọi thứ đều đổ hết lên đầu ông Khôi sau một mùa giải nhiều sóng gió. Song, chẳng thể khác được. Ông là người đứng mũi chịu sào và người ta bắt buộc phải có những động thái được xem là quyết liệt nhằm xoa dịu dư luận, các ông bầu, cũng là thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của mình. Ở vào cái thế đó, cái ghế của ông Khôi cũng khó mà giữ được, dẫu thẳng thắn mà nói, ông được xem là "ông trùm" tổ chức giải đấu của VFF.
Trong tâm trạng của một người "không còn gì để mất" và sắp phải ra đi, bức "tâm thư" của ông gửi cho người hâm mộ dù không thật sự nhìn thẳng vào những vấn đề nổi cộm ở mùa giải 2011, nhưng người hâm mộ cũng phần nào hiểu rõ những khó khăn mà ông gặp phải, để có sự cảm thông, chia sẻ phần nào.
Đầu tiên, ông khẳng định mình không lẩn tránh báo chí, khi mà nhiều phóng viên phàn nàn chuyện ông ít khi nhấc máy trả lời sau những sự cố ở mỗi vòng đấu. Thực tế, chuyện ông Khôi tắt máy là có thật, nhưng ông đã thống nhất cách làm này ngay từ hồi đầu giải với giới truyền thông. Những thắc mắc của báo chí được ông yêu cầu gửi tới Tiểu ban Thông tin Tuyên truyền và ông chỉ cần một lần có thể trả lời hết các câu hỏi.
Thay trưởng BTC giải, liệu VFF có giải quyết được những vấn đề được xem là lỗi của cả một hệ thống?
Công việc của ông là làm chuyên môn, điều hành giải, nên đâu có nhiều thời gian để giải thích, phản biện... Song, chính cách làm tưởng như khoa học ấy, lại không phù hợp với đặc thù của báo chí là tính thời sự.
Thứ hai, ông thừa nhận bóng đá Việt Nam sẽ còn một thời gian dài nữa mới thực sự chuyên nghiệp, bởi vậy, những sai sót là khó tránh khỏi. Ông thừa nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của bầu Kiên, nhưng chưa bao giờ cho rằng, mình không làm hết sức mình ở mùa giải qua.
Cuối cùng, ông sẵn sàng rời ghế vì cảm thấy mình rất thanh thản, điều mà xưa nay chưa từng có vị trưởng giải nào làm được như ông. Văn hóa từ chức vốn là chuyện hiếm ở VFF, nên cái cách ông chấp nhận ra đi, cũng đáng trân trọng lắm.
Nếu ông Khôi ra đi...
Rõ ràng là trước sức ép từ nhiều phía, VFF cần có sự thay đổi bởi nếu không chẳng khác nào tự nhận mình bảo thủ hay làm ngơ trước những đòi hỏi chính đáng. Với VFF, việc thay ông Khôi trong hoàn cảnh này trước mắt sẽ có lợi nhiều hơn có hại. Thế nhưng, ai sẽ thay ông Khôi và khi ông Khôi rút lui, những vấn đề tồn tại thời gian qua liệu có được giải quyết rốt ráo?
Người ta tin rằng, VFF sẽ khó có thể tạo nên một cuộc cách mạng về công tác tổ chức, điều hành giải. Ai cũng biết, ông Khôi chính là người có "thâm niên" tổ chức hàng đầu bóng đá Việt Nam hiện nay. Ông Khôi nổi tiếng với khả năng điều hành, quản lý, lại thêm đức tính hiền lành nên được lòng nhiều người. Nhìn cảnh ông trình bày rành mạch về lịch thi đấu trước mùa giải khiến ai nấy cũng phải gật đầu tâm đắc. Cho đến giờ giới chuyên môn vẫn công nhận, ông Khôi vẫn là số một trong khâu điều hành.
Ông Khôi sẽ vẫn là người đứng sau để điều hành các giải đấu, ngay cả khi thôi việc.
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã thẳng thắn yêu cầu ông Khôi phải từ chức. Song, với phần lớn đội ngũ lãnh đạo VFF còn lại, chắc chắn sẽ thấy hụt hẫng nếu như ông Khôi "rửa tay gác kiếm". Thậm chí, ngay cả khi VFF gửi phiếu tín nhiệm tới 28 CLB để bầu ra trưởng giải mới, người ta tin rằng ông Khôi vẫn nhận được số phiếu nhất định. Sau những gì mà ông đã làm, so với những biến cố thời gian qua, nếu phủ nhận công sức của ông là quá thiếu công bằng.
Nhưng, như đã nói ở trên, ông Khôi chắc chắn phải ra đi bởi chưa bao giờ VFF tỏ ra (phải) quyết tâm như thế. Đó là chưa kể, chính ông Khôi cũng đang phải nhận sức ép từ gia đình, hết mực khuyên can ông nghỉ việc, đừng tham công tiếc việc.
Ông Khôi nghỉ việc, âu cũng là chuyện bình thường của một tổ chức nghề nghiệp xã hội như VFF. Nhưng, nếu VFF, thậm chí là các CLB và người hâm mộ tin rằng, nếu người khác lên thay sẽ giúp các giải đấu của bóng đá Việt Nam vận hành êm ái, không mắc lỗi nào, thì đó sẽ là một sự kỳ vọng thiếu thực tế.
Ông Lê Hùng Dũng khẳng định, việc thay trưởng giải nằm trong tầm tay. VFF tất nhiên chẳng muốn đối đầu với những người có ảnh hưởng rất lớn đến bóng đá nước nhà, đến cả chiếc ghế mà mình đang giữ. Song, đây lại là cách "chữa cháy" không hề mới của VFF. Để giải quyết các "vấn đề" của bóng đá, người ta không thể đuổi một vài trọng tài, cho nghỉ việc ông trưởng giải thì bóng đá lập tức trong sạch, ít kêu ca, phản ứng. Nó cần sự chung tay của cả hệ thống, bao gồm cả những đối tượng lâu nay ít được nhắc tới trong các công việc của bóng đá là giới truyền thông và người hâm mộ.
Nếu ông Khôi ra đi, sẽ có ngay người khác thay thế, điều đó là chắc chắn. Song, những người quá rành về bộ máy điều hành của VFF, ai cũng biết ông Khôi sẽ lại "buông rèm nhiếp chính" quán xuyến công việc. Vậy thì đâu có thay đổi điều gì?
"Chọn mặt gửi vàng"
Trong 28 công văn gửi tới các CLB V.League và Hạng nhất xung quanh vấn đề bầu trưởng BTC giải mới, quan điểm của thường trực VFF là không đề cử bất cứ người nào mà để các CLB được toàn quyền lựa chọn cho mình một trưởng giải mới. Dù vậy, thường trực VFF cũng cho rằng người mới nên là người của VFF chứ không nên nằm ngoài bộ máy bởi chỉ có như vậy họ mới điều hành giải đấu một cách nhanh và tốt nhất.
Nhiều thông tin cho rằng ông Phạm Ngọc Viễn (Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn) rất hợp với vị trí này. Chính bầu Kiên cũng từng đề cử ông Viễn trong cuộc gặp gỡ với những người đồng nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Ý kiến từ bầu Kiên và một số CLB là vậy nhưng về phần VFF, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ lại cho rằng ông Viễn thích hợp hơn nếu được bố trí vào vị trí Trưởng ban trọng tài.
Trong khi đó, một ứng cử viên sáng giá khác rất có thể sẽ ngồi "ghế nóng" là Tổng Thư ký (TTK) Trần Quốc Tuấn. Ở mùa giải 2009 và 2010, TTK Trần Quốc Tuấn đã được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ bổ nhiệm làm Trưởng BTC giải V.League và Hạng nhất QG. Hai mùa giải đó, mặc dù V.League vẫn còn khá nhiều vấn đề "nóng" nhưng dẫu sao dưới sự điều hành giải của ông Tuấn, những vụ việc được giải quyết ổn thoả, không có hậu quả nghiêm trọng nào. Đó là lý do mà khả năng lớn, ông Tuấn tiếp tục được VFF tin tưởng ở mùa giải tới.
Theo khuyến cáo của FIFA, những người trẻ tuổi có tài là một trong những tiêu chí hàng đầu để nâng tầm chất lượng quản lý, điều hành của các liên đoàn thành viên.
Ngoài ra, cựu trưởng giải Nguyễn Hữu Bàng cũng là người có đủ tâm và tầm nhưng lại lớn tuổi, sức khỏe giảm sút nên khó có thể liên tục "xông pha" ra mặt trận được.
Quan điểm về những ưu nhược điểm của mỗi ứng viên là vậy, nhưng như khẳng định trong cuộc họp thường trực VFF hôm 16/9, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào các lá phiếu của các CLB (hạn chót là ngày 23/9).
Theo CAND