Vì hạnh phúc của nhân dân

Cập nhật: 15-05-2024 | 06:49:18

Bài 1: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi!”

LTS: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống sáng ngời!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và chính Bác đã dành trọn cả cuộc đời của mình để hiện thực hóa ham muốn cao đẹp đó.

“Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi…”

“Ham muốn tột bậc” của Bác được đánh dấu bằng con đường ra đi tìm đường cứu nước. Bác sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan. Nhân dân chịu hai tầng áp bức, bóc lột. Những cuộc nổi dậy, các trào lưu yêu nước, các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tục nhưng đều thất bại, hoặc chìm trong biển máu hoặc dần đi đến thoái trào… Tất cả hiện trạng ấy đã đặt ra cho lịch sử một câu hỏi lớn về con đường đấu tranh đúng đắn nhất, phù hợp nhất với dân tộc, với bối cảnh Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và đặc biệt là với mong ước tột cùng là “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành dưới tên gọi Văn Ba, làm phụ bếp trên con tàu của Pháp Latouche - Tréville, đã rời bến cảng Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước. Ngày 6-7-1911, con tàu cập cảng Marseille, Pháp, từ đây mở ra chương khởi đầu trên hành trình tìm kiếm con đường đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi họa ngoại xâm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Từ ý Đảng, hợp với lòng dân, Bình Dương đã đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giành được những “kỳ tích” trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: QUỐC CHIẾN

“Cuộc hành trình đời người” kéo dài suốt 3 thập niên (1911- 1941) đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc qua nhiều quốc gia, để vừa lao động kiếm sống, vừa không ngừng quan sát, tìm hiểu, chiêm nghiệm và nhận thức thực tiễn. Đồng thời, Người tích cực tìm hiểu các phong trào đấu tranh của nhân dân lao động ở nhiều nước tư bản và thuộc địa; từ đó không ngừng học hỏi, đánh giá và tìm kiếm con đường đấu tranh đúng đắn, khoa học để giải phóng dân tộc ta: Con đường cách mạng vô sản.

Bước ngoặt lịch sử

Để cho đất nước có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay”, ngày 3-2-1930, với tinh thần sáng tạo, chủ động, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một mốc lớn, bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công. Chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng suốt chớp thời cơ thuận lợi, lãnh đạo nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa, đánh đổ chế độ cai trị của hai đội quân thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho dân tộc, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh dấu sự khởi đầu thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới… Ngày 2-9- 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; đó là đại thắng mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”…

Có thể khẳng định, cội nguồn mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam xuất phát từ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Đây là con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, được khởi nguồn từ khi có Đảng. Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất” là thắng lợi đầu tiên trên con đường ấy và là tiền đề của những thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc: Chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó cũng là con đường dẫn đến những thành tựu to lớn, “có ý nghĩa lịch sử” của công cuộc đổi mới; đồng thời chính là nơi gặp gỡ giữa ý Đảng, lòng dân, đáp ứng được khát vọng độc lập của dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. (còn tiếp)

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=306
Quay lên trên