Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 các huyện, thị và thành phố vẫn tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của ngành, phối hợp hiệu quả, đồng bộ và đã đạt được kết quả trên mặt trận chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại (HG BL, GLTM)
Ngành QLTT tỉnh xử lý mỹ phẩm vi phạm pháp luật về thương mại
Xử lý nhiều vụ vi phạm
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số đối tượng mua gom, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý những mặt hàng nóng sốt như khẩu trang, vật tư y tế, nước sát khuẩn phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó còn gia tăng tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh một số đối tượng đã sản xuất, kinh doanh hàng lậu, HG, GLTM.
Trong đó, có một số vụ việc điển hình như cuối tháng 2 vừa qua, Đội Cảnh sát kinh tế và ma túy Công an TP.Dĩ An phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 tiến hành kiểm tra cơ sở mỹ phẩm (không tên) tại địa chỉ số 199/4 đường Phú Châu, khu phố Bình Đường 3, phường An Bình, TP.Dĩ An, do bà Lê Anh Thư làm chủ. Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở này đang sản xuất các loại mỹ phẩm, chủ yếu là các loại nước rửa tay (nước, khô) và sữa tắm trắng với số lượng trên 10.000 đơn vị sản phẩm các loại. Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất mỹ phẩm và hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm của các loại mỹ phẩm nêu trên, chưa xuất trình được kế hoạch bảo vệ môi trường. Tổ kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số mỹ phẩm này cùng 3 máy pha chế mỹ phẩm và đã có quyết định xử phạt 127,500 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 10.000 sản phẩm. Trước đó, đầu tháng 1-2020, Công an huyện Dầu Tiếng đã phát hiện và tạm giữ 15.300 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu do các đối tượng vận chuyển qua địa bàn huyện. Công an huyện Dầu Tiếng đã tạm giữ 3 đối tượng cùng toàn bộ tang vật để làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Vụ việc điển hình trên chỉ là 2 trong số rất nhiều các vụ việc đã được kiểm tra, phát hiện kịp thời. Có thể nói, rất nhiều các vụ việc liên quan đến HG, BL, GLTM đã kịp thời được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, dường như các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, thậm chí truy tố hình sự vẫn không làm các đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu, hàng giả, GLTM e ngại.
Phải quyết liệt hơn
Ông Trần Văn Tùng, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục đã tập trung bám sát và thực hiện có hiệu quả các nội dung, kế hoạch chuyên đề trong công tác chống BL, HG, GLTM và bảo đảm ATVSTP trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật về thương mại đến người dân nhằm nâng cao khả năng nhận biết, chống các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại… Tính riêng Cục QLTT, trong 6 tháng qua đã kiểm tra 371 vụphát hiện 219 vụ vi phạm. Tổng sốtiền thu phạt nộp ngân sách hơn 3,7 tỷ đồng; trịgiáhàng tịch thu, buộc tiêu hủy 520,8 triệu đồng.
Theo ông Trần Văn Tùng, tuy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn đang được tăng cường, tình hình có lắng dịu qua số vụ phát hiện (giảm 132 vụ, bằng 73,75% so với cùng kỳ năm trước) và số vụ vi phạm có giảm (giảm 46 vụ, bằng 82,6%) so với cùng kỳnăm 2019. Nhưng tình hình hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên tinh vi, chuyên nghiệp, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Nếu không có sự trinh sát, kiểm soát tích cực, xuyên suốt tình hình HG, BL, GLTM sẽ gia tăng nhanh chóng.
Vì vậy, theo ông Trần Văn Tùng, đánh giá từ nay đến cuối năm là mùa cao điểm của hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu dùng nội địa, cũng là thời điểm hoạt động BL, GLTM gia tăng, phức tạp hơn nữa nên ngành đang khẩn trương khắc phục những bất cập, tồn tại liên quan đến công tác chống BL và xử lý vi phạm. Ngành sẽ chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác phối hợp đấu tranh chống HG, BL, GLTM; tiến hành thu thập thông tin, kịp thời phát hiện các hành vi; tập trung đấu tranh, triệt phá các điểm, cá nhân có hành vi BL tại các địa bàn đầu mối đã từng xảy ra nhiều vụ việc BL, vận chuyển hàng hóa trái phép... Cũng theo ông Tùng, Bình Dương luôn coi công tác chống BL, GLTM là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Tuy nhiên, nếu chỉ mỗi ngành QLTT, hải quan, thuế, hay các địa phương… dù nỗ lực đến đâu cũng không thể bao quát hết. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn BL, vận chuyển hàng hóa trái phép, sản suất HG, thực phẩm bẩn, GLTM… rất cần có sự chung tay, hỗ trợ của nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác.
THANH HỒNG