Vì sao 63 hộ nông dân ở Hiếu Liêm chưa được cấp sổ đỏ?

Cập nhật: 10-04-2010 | 00:00:00

Họ đã đổ mồ hôi, công sức và vốn liếng của mình để biến một vùng đất đầy cỏ dại thành những vườn cây ăn trái trù phú. Không ai có thể ngờ những nông dân này lại thành công với mô hình cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi trên mảnh đất này. Nhiều người trong số họ đã được Trung ương và tỉnh công nhận nông dân sản xuất giỏi. Thế nhưng sau hơn 10 năm gắn bó, sản xuất ổn định trên mảnh đất này, chưa một ai trong số họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) (sổ đỏ) mặc dù UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo huyện thực hiện. Đó là câu chuyện của 63 hộ nông dân ở xã Hiếm Liêm, huyện Tân Uyên...

 

Chưa có sổ đỏ, ông Phạm Thế Hoàng không yên tâm khi bỏ vốn đầu tư vào vườn cây

Người dân mỏi mòn chờ đợi

Cách đây hơn 10 năm, 63 hộ dân đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Trung Thành (Nông trường Hiếu Liêm cũ) liên doanh trồng cây ăn trái lâu năm. Theo hợp đồng liên doanh, Công ty Cổ phần Trung Thành (gọi tắt là Công ty Trung Thành) góp vốn bằng diện tích đất, còn các hộ dân đầu tư 100% vốn trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian liên doanh trồng cây ăn trái là 50 năm. Sau khi thu hoạch sản phẩm người dân phải thanh toán cho Công ty Trung Thành 2% trên tổng doanh thu. Ngoài nội dung và phương thức hợp đồng, hợp đồng liên doanh còn quy định trách nhiệm của mỗi bên, phân chia lợi nhuận, các điều khoản quy định chung và cam kết...

Sau khi ký hợp đồng, 63 hộ dân đã đầu tư vốn và bắt tay vào sản xuất. Sau nhiều năm tích cực đầu tư giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, các hộ này đã xây dựng được một vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đến ngày 4-12-2007, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 211,8 ha đất của Công ty Trung Thành giao cho UBND huyện Tân Uyên quản lý do sử dụng không đúng mục đích. Quyết định này cũng nêu rõ: “Giao UBND huyện Tân Uyên quản lý toàn bộ diện tích đất thu hồi nói trên (211,8 ha); xem xét tình hình thực tế và giải quyết việc giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật”. Tiếp đó, UBND tỉnh cũng đã có thông báo số 203/TB-UBND ngày 23-9-2008 và thông báo số 14/TB-UBND ngày 12-1-2009 thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân về tình hình giải quyết khiếu nại của các hộ dân sử dụng đất của Công ty Trung Thành. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa một hộ dân nào trong số 63 hộ nói trên được cấp GCNQSDĐ.

“Tỉnh đã có chủ trương cấp GCNQSDĐ cho 63 hộ dân để tạo điều kiện cho 63 hộ này phát triển kinh tế, nhưng vì lý do nào đó mà việc cấp GCNQSDĐ vẫn kéo dài đến tận hôm nay. Chính quyền không cấp GCNQSDĐ sẽ làm chậm đi quá trình phát triển kinh tế của người dân. Chúng tôi yêu cầu UBND huyện Tân Uyên theo thẩm quyền giải quyết nhanh việc cấp GCNQSDĐ cho dân, không nên trì hoãn nữa...” - ông Lê Văn Xê, một trong 63 hộ dân nói. Ông Phạm Thế Hoàng, một hộ dân khác cũng bức xúc khi cho rằng việc không có GCNQSDĐ thật sự là một rào cản lớn đối với nông dân, bởi trong năm qua các hộ dân không được tiếp cận và hưởng những ưu đãi từ gói kích cầu của Chính phủ trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng chung nỗi bức xúc trên, ông Võ Thành Tâm, một trong 63 hộ dân nói trên cho biết, từ khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất của Công ty Trung Thành tới nay, UBND huyện Tân Uyên liên tục nêu ra nhiều vướng mắc để trì hoãn việc cấp GCNQSDĐ, trong khi UBND tỉnh và các sở, ngành tham gia giải quyết kiến nghị của dân cũng đã tạo điều kiện để UBND huyện yên tâm cấp GCNQSDĐ cho dân. Ông Tâm nói: “Đã có nhiều văn bản hướng dẫn của tỉnh, nhiều cuộc họp với đầy đủ các sở, ngành liên quan và cuộc họp cuối cùng vào tháng 8-2009 có đông đủ các sở ngành, trong đó Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tất cả đều thống nhất việc cấp GCNQSDĐ cho dân là đúng luật, nhưng đến nay huyện vẫn chưa cấp được giấy nào...”.

Cơ quan chức năng hứa hẹn!

UBND tỉnh đã có thông báo kết luận số 203 và 14 chỉ đạo UBND huyện Tân Uyên giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo các hộ dân việc giải quyết của UBND huyện chậm, không cụ thể khiến nhiều hộ bức xúc. Trong biên bản cuộc họp ngày 22-5-2009 về đối thoại với các hộ dân kiến nghị cấp GCNQSDĐ, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, cho rằng các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh nêu tại Quyết định 5371 (Quyết định thu hồi đất của Công ty Trung Thành) và Thông báo số 203 chỉ mang tính chỉ đạo chung, không cụ thể. Tỉnh yêu cầu huyện căn cứ tình hình thực tế để xem xét giao đất, cho thuê đất đúng quy định pháp luật. Do vậy, trách nhiệm của chúng tôi phải xem xét vấn đề cấp sổ đỏ cho bà con vừa thấu tình, vừa đạt lý. Để giải quyết vấn đề, phía lãnh đạo huyện đã đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành như Sở Tài nguyên- Môi trường, Sở Tài chính phối hợp với huyện giải quyết. Do vậy, chúng tôi dự kiến giải quyết vấn đề này xong trong tháng 10-2009...

Mới đây khi trả lời chúng tôi, ông Võ Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, nói việc dự kiến giải quyết vấn đề cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân trong tháng 10-2009 là có, nhưng do nhiều lý do phức tạp nên huyện phải cân nhắc từng trường hợp. Ông Võ Văn Danh cũng cho biết hiện huyện đã ký cấp GCNQSDĐ cho 11 hộ trong tổng số 63 hộ nói trên và đang tiếp tục xem xét thêm các trường hợp khác. Sau khi ký GCNQSDĐ sẽ chuyển sang Phòng Tài nguyên - Môi trường và phòng này sẽ mời các hộ dân lên nhận. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hộ nào nhận được GCNQSDĐ do huyện cấp.

Đất nông nghiệp thành đất rừng?

Gần đây, nhiều hộ dân nhận được thông tin trong 211,8 ha đất đang sản xuất ổn định có hơn 50 ha là đất rừng. Điều này khiến người dân một lần nữa hoang mang. “Bây giờ lại xuất hiện thêm tình tiết biến đất nông nghiệp thành đất rừng khiến chúng tôi rất hoang mang, và không thể hiểu được vì đây lại là khu đất nằm trong dự án “Cánh đồng giá trị kinh tế cao”. “Chúng tôi không yên tâm bỏ vốn liếng, công sức vào đây theo chủ trương của tỉnh về xây dựng vườn cây ăn trái giá trị cao khi chưa có GCNQSDĐ...”, ông Võ Thành Tâm nói. Còn ông Phạm Thế Hoàng thì cho biết, chúng tôi sản xuất trên đất nông nghiệp, bây giờ lại nói là đất rừng nên bà con ngỡ ngàng và lo lắng. Mong chính quyền xem xét sớm cấp GCNQSDĐ cho bà con. Đó chính là một động lực giúp chúng tôi yên tâm bỏ vốn phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.

Việc xác định có phải đất rừng hay không còn chờ ngành chức năng xem xét. Tuy nhiên, theo các hộ dân cho biết, từ ngày 25-9-2009 đến 10-11-2009, việc cắm mốc ranh rừng đã thực hiện xong mà không có bất cứ thông báo nào cho dân trước khi tiến hành cắm mốc. Ngày 3-3-2010, các hộ dân lại gửi đơn kiến nghị đến UBND huyện đề nghị thông báo chính thức hộ nào có phần đất dính vào đất rừng, diện tích bao nhiêu, cơ quan nào xác định đất rừng để người dân có cơ sở khiếu nại và điều tiết việc đầu tư trên mảnh đất đó.

TR.DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên