Vì sao bác sĩ Kim được tiến cử chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới?

Cập nhật: 09-04-2012 | 00:00:00

Tổng thống Barack Obama, vào giờ chót, đã tiến cử một người Mỹ gốc Hàn Quốc vốn là dân “ngoại đạo kinh tế” vào ghế chủ tịch Ngân hàng Thế giới

Quyết định của ông Obama công bố chiều 23-3 đã làm giới tài chính kinh ngạc vì trước đó trong danh sách ứng cử viên có khả năng thay thế ông Robert Zoellick, đương kim Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), không hề thấy tên ông Jim Yong Kim - hay bác sĩ Kim, như người Mỹ thường gọi.  Bác sĩ Kim (bìa trái) được Tổng thống Obama tiến cử hôm 23-3. Ảnh: Reuters

Thiếu người thích hợp

Trước đó vài tuần, một nguồn tin thân cận Nhà Trắng cho biết ông Obama đang xem xét một danh sách hơn chục người đều thuộc giới chính khách, tài chính kinh tế, trong đó nổi bật 3 cái tên: bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), thượng nghị sĩ Dân chủ John Kerry và kinh tế gia Lawrence Summers - nguyên chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ.

Thế nhưng, ông nghị Kerry chê ghế chủ tịch WB mặc dù tuyên bố “rất tôn trọng WB và vai trò của tổ chức này trên thế giới”. Vị chủ nhiệm Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện Mỹ này thích ghế ngoại trưởng hơn vì bà Hillary Clinton sẽ rút lui vào cuối năm nay dù ông Obama có tái đắc cử hay không.

Bà Rice cũng không quan tâm mấy đến chuyện đứng đầu định chế tài chính chuyên cho vay phát triển kinh tế lớn nhất thế giới. Cũng giống như ông Kerry, bà thích làm ngoại trưởng.

Riêng ông Summers rất xứng đáng được tiến cử. Ông từng làm bộ trưởng tài chính dưới trào ông Bill Clinton và chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng. Hiện nay ông dạy môn kinh tế tại trường đại học danh giá Harvard. Tuy nhiên, ông này có chút vấn đề hồi làm trưởng Ban Kinh tế WB (1991-1993). Ông đã làm mất lòng các nước châu Phi.

Rapper Kim

Sinh ra ở Seoul - Hàn Quốc, năm 1959, theo cha mẹ di cư đến Mỹ từ bé, cũng giống như những người nhập cư châu Á khác, Jim Yong Kim thực hành “Giấc mơ Mỹ” theo kiểu truyền thống của người châu Á: Cố gắng học hành thật giỏi. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa trường y Đại học Harvard và tiến sĩ nhân loại học cũng tại trường này.

Trong 25 năm qua, bác sĩ Kim nổi tiếng là chiến lược gia thế giới về bệnh lao và HIV/AIDS trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một chuyên gia về y tế thế giới và y tế cộng đồng trong giới đại học. Ông cũng là người Mỹ gốc châu Á đầu tiên làm hiệu trưởng Đại học Darmouth, một trong 8 trường đại học tư danh giá nhất ở Mỹ suốt 9 năm nay.

Không phải vô cớ mà ông Kim được Quỹ Mac Arthur chu cấp mỗi năm một số tiền lớn gọi là trợ cấp “thiên tài” để ông muốn làm gì tùy thích. Cũng không phải vô cớ mà tuần báo US News and World Report tôn vinh ông là một trong “25 nhà lãnh đạo xuất sắc nhất” của Mỹ năm 2005. Tiếp theo đó, tuần báo Time xếp ông vào danh sách “100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới” năm 2006.

Về mặt con người, ông Kim cũng là một trường hợp rất thú vị. Ngay sau khi có tin bác sĩ Kim được tiến cử làm chủ tịch WB, trang web Allthings lập tức phát đi một clip ca nhạc chia sẻ trên mạng YouTube, qua đó cho thấy ông hiệu trưởng Kim ăn mặc như một rapper chính thống hát bài Time of My Life của ban nhạc Black Eyed Peas và nhảy nhót cùng các sinh viên Đại học Darmouth.

Ở Mỹ, chuyện xuất hiện trên YouTube của một nhân vật nổi tiếng đã trở thành chuyện “đương nhiên phải có”. Một số ý kiến cho rằng đó là điểm trừ cho ứng cử viên chủ tịch WB Jim Yong Kim nhưng dưới mắt ông Obama lại là một điểm cộng bởi tổng thống cũng khoái hát hò. Ông Obama từng song ca bài Sweet Home Chicago với ông vua nhạc Blue BB King tại Nhà Trắng. Đặc biệt, ông Kim lại chọn bài của ban nhạc Black Eyed Peas vốn là fan ruột của tổng thống.

Quyết định khôn ngoan

Nói như vậy, có phải Obama chọn bác sĩ Kim bởi những lý do gần gũi với ông? Theo nhận định của nhà báo Noam Scheiber trên tờ bán nguyệt san Mỹ The New Republic, đó là một lý do hợp lý. Ông Kim là tiến sĩ nhân loại học, chuyên gia về phát triển, rất giống mẹ ông Obama cũng là một nhà nhân loại học từng làm việc ở Indonesia 4 năm như một chuyên gia phát triển. Từ nhỏ, ông Obama rất ngưỡng mộ những người làm công tác phát triển cộng đồng ở hải ngoại.

Tuy vậy, đó là một nguyên nhân gần. Theo nhật báo Pháp Le Monde, nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ hai định chế tài chính thế giới WB và IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) đang bị các nền kinh tế mới nổi công kích dữ dội. Hiệp ước Bretton Woods năm 1944 cho phép Mỹ và châu Âu chia nhau làm chủ tịch WB và IMF. Trật tự này đã tồn tại 68 năm nay vì đó là hai thế lực tài chính mạnh nhất thế giới.

Giờ đây, thế giới đã thay đổi. Mỹ và châu Âu đang lâm vào thế nợ nần như chúa chổm trong khi các nước mới nổi, nhất là Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi (gọi tắt là BRIC) là thế lực tài chính đang lên. Các nước này quyết liệt đòi lại sự công bằng.

Trong bối cảnh đó, ông Obama chọn một người Mỹ được sinh ra ở Hàn Quốc (một con hổ kinh tế trong tương lai) lại không phải là chủ ngân hàng, chính khách hay người của chính phủ mà là một chuyên gia tầm cỡ thế giới về phát triển thật phù hợp với yêu cầu của các nước nổi loạn. Đây được coi là một quyết định rất khôn ngoan.

Bằng cách này, Mỹ hy vọng loại bỏ khá dễ dàng các ứng cử viên thế giới thứ ba. Cộng với quyền phủ quyết, chiếc ghế chủ tịch WB hầu như chắc chắn vẫn nằm trong tay người Mỹ mặc dù có thể đó là người Mỹ cuối cùng, theo Le Monde.

Kỳ tới : “Bà đầm thép” Ngozi Okonjo-Iweala

Theo NLDO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=385
Quay lên trên