Vì sao bóng đá Việt khủng hoảng?

Cập nhật: 10-10-2012 | 00:00:00

Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc như hiện nay khi hàng loạt CLB đứng trước nguy cơ giải tán, nhiều ông bầu rút vốn khỏi các CLB bóng đá. Đâu là nguyên nhân của tình trạng trên và bóng đá chuyên nghiệp Việt sẽ đi về đâu trong tương lai?

 Sau Navibank Sài Gòn sẽ còn nhiều CLB xin giải thể?

CLB đầu tiên “nghỉ chơi” bóng đá chuyên nghiệp không phải là Navibank Sài Gòn mà chính là CLB Hòa Phát Hà Nội của bầu Long. Kết thúc mùa giải 2011, CLB HPHN trụ hạng thành công, nhưng bầu Long đã gây bất ngờ lớn khi tuyên bố giải thể đội bóng, bán suất dự giải V-League lại cho HNACB của bầu Kiên. Lúc đó, nhiều người vẫn nghĩ bầu Long bỏ bóng đá chuyên nghiệp là do nguội lạnh tâm huyết với “bóng bánh” và đó chỉ là chuyện hiếm, không quá quan trọng bởi vẫn còn rất nhiều ông bầu hăm hở nhảy vào V-League. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì bóng đá Việt đang rúng động, chao đảo thật sự. Navibank Sài Gòn đã gửi đơn xin tự giải thể. Đáng lo ngại hơn là số phận của 2 đội bóng CLB Hà Nội (V-League) và đội Hà Nội chưa biết có tồn tại hay không sau khi bầu Kiên bị bắt.

Tiếp theo bầu Hiển tuyên bố rút vốn khỏi 2 đội bóng Hà Nội T&T và Đà Nẵng, Chủ tịch CLB Sài Gòn Xuân Thành cũng cho hay sẽ nghỉ tham gia V-League nếu VPF và VFF không giải quyết triệt để những bất cập hiện nay. Ngoài ra, hàng loạt các đội bóng khác cũng chưa biết có tiếp tục tồn tại hay không khi phải đối mặt với bài toán kinh phí quá lớn để duy trì.

Vậy khó khăn về kinh tế có phải là nguyên nhân chính khiến bóng đá Việt lâm vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay? Theo chúng tôi, đây chỉ là nguyên nhân trực tiếp, chứ còn nguyên nhân sâu xa thì không phải ai cũng biết. Muốn hiểu về điều này thì cần phải xem lại vì sao các ông bầu đến với bóng đá chuyên nghiệp. Ngoài tình yêu bóng đá (số này rất ít) và mục đích quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp của mình qua việc ghép tên chung với đội bóng dự V-League hay giải hạng Nhất thì một số ông bầu còn có mục tiêu khác mang tính quyết định. Đó chính là dùng hoạt động tài trợ bóng đá thi đấu ở V-League, hay hạng Nhất để “câu” những khu đất vàng hoặc dự án từ các địa phương mà đội bóng đó đại diện.

Chính vì nguyên nhân sâu xa này mà bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ quay về thời kỳ bao cấp (sống nhờ kinh phí từ ngân sách Nhà nước do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý) bởi hàng loạt doanh nghiệp rút chạy khỏi bóng đá. Một khi các ông bầu đến với bóng đá V-League không bằng tình yêu và tâm huyết giúp phát triển nền bóng đá nước nhà mà bằng mục đích vụ lợi, kiếm chác thì khi gặp khó khăn hoặc không đạt được điều mình muốn thì việc họ “bỏ chạy” cũng là việc hết sức bình thường. Chỉ tội cho nền bóng đá Việt sẽ lại thêm một phen oằn mình vì sự phát triển thiếu bền vững, không chuyên nghiệp cho dù đã mang danh chuyên nghiệp từ hơn 1 thập niên qua!

Chí Thanh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=254
Quay lên trên