Vì sao các doanh nghiệp than ở Bình Thắng vẫn còn hoạt động?

Cập nhật: 19-05-2010 | 00:00:00

Bãi than hoạt động giữa khu dân cư nhưng không che chắnBiện giải rằng hàng đang tồn kho, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh than đá ở Bình Thắng (Dĩ An) xin gia hạn thời gian hoạt động. Thế nhưng ban ngày thì xuất than bán, ban đêm lại nhập than về nên các bãi than vẫn còn cao như núi. Trong khi đó, người dân Bình Thắng phải sống khốn khổ vì ô nhiễm bụi than!

Vẫn còn ô nhiễm nặng

Trở lại xã Bình Thắng, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì các DN than đá vẫn còn hoạt động gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tại nhà ông Nguyễn Văn Bê nằm đối diện bãi than Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ngân Đan, tuy lau dọn nhiều lần trong ngày nhưng lúc nào nhà ông Bê cũng lấm lem bụi than. Để thấy mức độ ô nhiễm như thế nào chúng tôi đã làm cuộc thử nghiệm bằng cách, lấy ca nước để trước nhà ông Nguyễn Văn Bê, khoảng 30 phút sau trên bề mặt ca nước nổi đầy bụi than kết thành màng. Gần nhà ông Bê, nhà ông Sỹ Tấn Xuân, chủ cơ sở câu cá giải trí ở ấp Ngãi Thắng nằm sát bên bãi than trên cũng khổ sở trong suốt nhiều năm qua. Ông Xuân cho biết “sự hiện diện của bãi than làm ông chẳng kinh doanh được gì, thả cá trong hồ thì cứ chết hoài do nước nhiễm bụi than, 2 năm qua riêng việc cá chết làm thiệt hại cả trăm triệu đồng. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần và chính quyền các cấp cũng hứa xử lý, nhưng hứa mãi cho đến nay mọi việc đâu vẫn còn đấy...!”.

Nằm sau bãi than của DN tư nhân thương mại - dịch vụ than Quảng Ninh, nhà ông Trần Đức Trí, tổ trưởng an ninh tự quản tổ 8, ấp Ngãi Thắng cùng nhiều hộ dân khác không chỉ hứng đầy bụi mà còn bị “tra tấn” bởi các phương tiện xay nghiền than chạy rần rần suốt đêm. Ông Trí bức xúc “trời oi bức nóng nực, đóng cửa thì nóng mà mở cửa thì bụi than và tiếng ồn không sao chịu được. Giữa khu dân cư mà cấp phép để các DN than hoạt động là không thể chấp nhận được, mỗi lần quét dọn cũng gom cả bịch bụi than thì thử hỏi phổi nào chịu cho nổi?!”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thắng Võ Trọng Tài, trước đây trên địa bàn Bình Thắng có 7 DN kinh doanh than đá được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép. Thời gian qua các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và đã xử phạt một số bãi than về việc chưa bảo đảm môi trường. Đến nay chỉ còn lại 3 DN than đá là Ngân Đan, Thịnh Huyền và Quảng Ninh hoạt động. Vừa qua các ngành chức năng đã thành lập đoàn cưỡng chế với quan điểm là giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên do khối lượng than tồn kho còn nhiều, các DN than đá xin gia hạn thời gian di dời. Trước khó khăn đó, huyện đã gia hạn đến ngày 15-6 là chấm dứt hoạt động.

Ban ngày xuất bán, ban đêm nhập về - Các bãi than ở Bình Thắng vẫn còn cao như núi!

Cần xử lý nghiêm

Gia hạn cho các bãi than ở Bình Thắng hoạt động liệu có thỏa đáng vì “sờ” đâu cũng thấy sai phạm? Liên quan đến các bãi than này, hơn một năm trước vào ngày 10-3-2009, UBND tỉnh Bình Dương đã triệu tập cuộc họp với đại diện các sở, ngành và huyện Dĩ An để xử lý việc ô nhiễm. Tại cuộc họp, Sở Tài nguyên - Môi trường báo cáo tất cả các DN than đá ở Bình Thắng đều có nhiều sai phạm và đề xuất hư??ng xử lý nghiêm khắc. Cụ thể, qua kiểm tra 7 DN than đều vi phạm pháp luật. Ở lĩnh vực đất đai, 7/7 DN đều sử dụng sai mục đích và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Về môi trường, 7/7 DN đều không đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định mà đã triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh. Về khoáng sản, các DN này đều không có giấy phép chế biến khoáng sản. Về đầu tư, đa số các DN không thực hiện việc công bố nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định, không thông báo địa điểm kinh doanh, thay đổi ngành nghề hoạt động mà không đăng ký với cơ quan quản lý kinh doanh, không thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính trong thời gian 15 ngày kể từ ngày được cấp chứng nhận. Về xây dựng, cả 7/7 DN than đều xây dựng không xin phép theo quy định! Từ những sai phạm này, đối chiếu với quy định về xử lý vi phạm hành chính, quyền xử phạt DN than đá nêu trên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện Dĩ An. Về hướng xử lý theo Sở Tài nguyên - Môi trường, cả 7/7 DN có ngành nghề hoạt động đều không phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng không bảo đảm khoảng cách an toàn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế. Do vậy buộc phải di dời 7 DN than nói trên.

Không chỉ với những sai phạm nêu trên, theo quan sát của chúng tôi trong những ngày qua, lẽ ra khi được gia hạn thêm thời gian thì DN than hoạt động cần che chắn cẩn thận, hạn chế thấp nhất việc phát sinh bụi để bảo đảm về môi trường cho khu dân cư. Tuy nhiên, quan sát dọc theo tuyến đường ĐT743 rất dễ dàng nhận thấy cả 3 DN than Quảng Ninh, Ngân Đan, Thịnh Huyền đều hoạt động lộ thiên, không che chắn gì cả bất chấp phản ứng của người dân. Mỗi lần DN dùng lưới sàng than để phân loại hay xúc đổ lên xe, bụi than bay mù trời trông phát khiếp! Bên cạnh đó, biện giải cho việc xin gia hạn thời gian hoạt động là để các DN than giải quyết lượng than tồn đọng trong kho. Song theo ý kiến nhiều người dân như ở ấp Ngãi Thắng thì “đây là cách ngụy biện của DN, vì ban ngày các DN này xuất bán than, ban đêm lại nhập về”. Điều này lý giải vì sao hơn một năm qua, các bãi than ở Bình Thắng vẫn còn cao như núi. Thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền huyện Dĩ An cần xử lý nghiêm khắc hơn các bãi than ở Bình Thắng nhằm trả lại môi trường trong sạch cho khu vực này!

TRỌNG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên