Vì sao hổ lại được gọi là Ông Ba Mươi?

Cập nhật: 28-01-2022 | 17:07:43

Con hổ theo cách gọi của người Việt có nhiều tên khác nhau, như: Cọp, hùm, khái... Có nơi vì kiêng dè người ta còn gọi hổ là ông kễnh, ông ngài, ông thầy, ông cả. Riêng cái tên Ông Ba Mươi thì hiện có nhiều cách giải thích, nhưng chúng tôi chú ý nhiều đến cách giải thích của tác giả Đặng Tiến và Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.


Ngoài các tên cọp, hùm, khái, kễnh, ông ngài, ông thầy, ông cả, hổ còn được biết đến với cái tên Ông Ba Mươi

Theo giải thích của tác giả Đặng Tiến (http://nguoihieuco. blogspot.com) trong bài “Vì sao hổ lại được gọi là Ông Ba Mươi? nguyên văn như sau: “Tên này là do tục lệ tế thần Xương Cuồng hàng năm vào ngày ba mươi tết, có từ thời Văn Lang, theo sách Lĩnh Nam Chích Quái, trong truyện Mộc Tinh. Người Văn Lang gọi Mộc Tinh, thần Cây Cối là Xương Cuồng, như một ẩn dụ, ám chỉ loài thú dữ là cọp. Đây chỉ là giả thuyết, chúng tôi coi như một phát hiện, đưa ra để được trao đổi.

Lĩnh Nam Chích Quái là sưu tập những truyền thuyết dân gian có từ thời Lý Trần được Vũ Quỳnh và Kiều Phú san định vào thời Hồng Đức, cốt lõi gồm 23 truyện. Trong bốn truyện cơ bản gắn liền với nguồn gốc dân tộc, có truyện Mộc Tinh. Vũ Quỳnh, trong bài viết (1492), minh định Xương Cuồng là thần cây chiên đàn. Chiên đàn trong tiếng Hán Việt là một loài gỗ thơm. Theo điển tích, chiên đàn trồng nơi trường học, tượng trưng ông thầy dạy học, như trong truyện Phan Trần: “Chiên đàn còn thoảng mùi hương lạ đời”.

Theo Lĩnh Nam Chích Quái thì chiên đàn lại là một cây vĩ đại, “trải qua hàng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật (…), biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người”. Lời mô tả gợi ý: Mộc Tinh có thể là thú dữ, chủ yếu là hổ. “Dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30 tháng chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là thần Xương Cuồng”. Người dịch chú thích: Xương Cuồng có nghĩa là hành động một cách bạo ngược, tàn ác, không thể trấn áp được. “Kịp tới khi Tần Thủy Hoàng bổ Nhâm Hiêu (còn gọi là Nhâm Ngao) làm huyện lệnh, muốn bỏ tệ ấy đi. Thần Xương Cuồng tức giận vật chết Nhâm Ngao, vì thế về sau lại phải phụng thờ cẩn thận”.

Đến đời Đinh Tiên Hoàng mới có pháp sư diệt được yêu quái. Nhưng có nơi vẫn còn giữ cổ tục, như Phạm Đình Hổ kể lại trong bài Thần Hổ: “Làng Ngọc Cục ở huyện ta (Đường An, Hải Dương) khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu hổ phải bắt người làm việc hy sinh để cúng… Đó cũng như cái tục Nhâm Ngao tế thần Xương Cuồng vậy. Từ năm Canh Thân 1800 trở về sau thói ấy mới bỏ”.

Nhân cái tên lạ, Ông Ba Mươi để gọi cọp, khi so sánh hai văn bản, ta có cơ sở để đặt giả thuyết: Xương Cuồng là Thần Hổ và Mộc Tinh là hình ảnh cọp, tai họa của rừng núi, cũng như Ngư Tinh là tai họa của sông biển và Hồ Tinh (chồn cáo) là tai họa của đồng bằng. Đây là một cách “đọc” truyền thuyết, cũng như ngày nay chúng ta hiểu truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh không phải là việc cưới hỏi, mà là việc chống nạn lũ lụt hàng năm và xa hơn nữa việc trị thủy nói chung.

Việc đồng hóa cọp với cây cối cũng dễ hiểu: Cọp là hình ảnh bí hiểm của rừng núi, hòa mình với cỏ cây, xuất hiện bất thường về đêm, có nhiều linh khiếu, khiến con người đồng hóa rừng thiêng với hùm thiêng. Mộc Tinh là ẩn dụ chỉ thiên nhiên chưa được chế ngự. Và vào thời Hồng Bàng người Văn Lang đã biết tránh cọp bằng cách dựng nhà sàn, “bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói” (chuyện Họ Hồng Bàng, tr.24).

Bên cạnh truyện Mộc Tinh là cổ tích cơ bản, tiếp theo người đời sau, cuối đời Lê, còn thêm truyện Trành quỷ hiển linh, là chuyện Ma Trành: Linh hồn người bị hổ ăn thịt biến thành tinh của hổ, thường dẫn đường cho hổ đi bắt người, khi có dịp lại hiện ra thành hình người (Ma Trành. tr.125). Chuyện Ma Trành đã gợi ý cho người đời sau viết những tiểu thuyết đường rừng...

Lĩnh Nam Chích Quái thuật chuyện Nhâm Ngao bị thần Xương Cuồng tức giận vật chết. So với chính sử, Đại Việt sử ký toàn thư, phần ngoại kỷ, kỷ nhà Thục, kể lại rằng Nhâm Ngao, tướng nhà Tần, cùng với Triệu Đà đem quân tấn công nước Âu Lạc của An Dương Vương. Năm 210 trước Tây Lịch, Triệu Đà xâm lấn bằng đường bộ, bị thua. Nhâm Ngao đem thủy quân đóng ở sông Tiểu Giang, tức sông Thiên Đức (sông Đuống) “phạm thổ thần, bị bệnh phải rút về”, hai năm sau bệnh nặng, giao quyền lại cho Triệu Đà và khuyên Đà tự lập, rồi chết.

Toàn thư cho rằng Nhâm Ngao phạm thổ thần còn Lĩnh Nam Chích Quái cho rằng bị thần Xương Cuồng tức giận vật chết. Lời lẽ xê xích, nhưng nội dung chính yếu thì giống nhau. Dĩ nhiên đây là chuyện người xưa mê tín theo con mắt ngày nay. Điều cần ghi nhận là người xưa tin rằng thần Xương Cuồng là thổ thần có nhiều quyền năng, có thể vật chết người, kể cả một ông đại tướng nguyên soái. Và chúng ta có lý do để đặt câu hỏi: Thần Xương Cuồng phải chăng là Thần Hổ mà người Văn Lang sợ hãi và trọng vọng, làm lễ bái tế hàng năm vào ngày ba mươi tết? Rồi phải chăng từ phong tục cổ sơ này, đã có vào thời các vua Hùng, mà con hổ, con cọp được gọi là Ông Ba Mươi cho đến ngày nay?”.

Còn theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trong bài “Ông Ba Mươi và chuyện tế lễ đêm ba mươi” đăng trên Kinh tế & Đô thị, ông “hoàn toàn đồng thuận” với tác giả Đặng Tiến về cách giải thích tên gọi Ông Ba Mươi, như sau:

“Chúng tôi, bắt đầu từ năm 1978, khi được giao dạy phần Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bài đầu tiên là về tác phẩm “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, đã tiến hành so sánh tác phẩm này với truyền thuyết dựng nước của người Việt. Qua so sánh, chúng tôi bước đầu nhận ra sự tương hợp giữa các typ, motip khởi nguyên giữa chúng, trong đó có sự tương đồng nhiều mặt giữa truyện Mộc Tinh trong Lĩnh Nam Chích Quái với chương Chặt cây Chu trong sử thi thần thoại Mường và đặc biệt nhận ra rằng chi tiết đánh quỷ Xương Cuồng chính là mô típ săn Moong Lồ (săn hổ lớn) được kể ở đây. Từ đó, trong bài giảng của mình, tôi luôn luôn dùng dẫn chứng này khi nói về mối quan hệ Mường - Việt trong văn học dân gian.

Năm 2006, khi tiếp cận tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái với tư cách là một kiểu tự sự trầm tích, trong bài Lĩnh Nam Chích Quái - Từ điểm nhìn văn hóa (Tạp chí Nghiên cứu Văn học - 2006), chúng tôi có dịp trình bày một số mối tương quan này giữa Mường và Việt, có nhắc tới Mộc Tinh (nhưng vì bài dài, chúng tôi phân tích những ví dụ khác điển hình hơn). Năm 2010, khi đọc bài “Vì sao hổ lại được gọi là Ông Ba Mươi” của Đặng Tiến in trên trang mạng Người hiếu cổ thì chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với ông và coi đó như là những ý kiến tri âm. Chúng tôi viết bài này “trao đổi” trên tinh thần đồng thuận với tác giả dựa trên những tra cứu của chính mình và góp phần khẳng định giả thuyết trên của tác giả Đặng Tiến.

Cuối đời Lê, có chuyện Ma Trành (Trành cũng có âm là Xương như đã nói) do Phạm Đình Hổ chép lại (Trành quỷ hiển linh) cũng nói Trành là tinh của người chết vì hổ, biến thành hổ về bắt người ăn thịt cũng đúng như chú giải của Thiều Chửu trong từ điển. Hơn nữa, Phạm Đình Hổ còn nhắc lại ở đây, việc Ma Trành vật chết Nhâm Ngao. Lĩnh Nam Chích Quái chép rằng “dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống đến nộp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là Xương Cuồng” thì rõ ràng đây là tục cúng hổ vào ba mươi tết. Và vì thế hổ, cọp, khái, hùm… được gọi là Ông Ba Mươi".

Tuy nhiên, mọi tục lệ, mọi truyền thuyết đều là những tích hợp. Tục thờ hổ, tục thờ cây, thờ thần rừng có thể có từ thời xa xưa, cái thời mà các sử gia trung đại vẫn xếp chung là thời Hùng Vương. Những lễ mở cửa rừng của người Thái, người Mường và cả người Kinh… thường kèm việc săn thú, lấy thành quả tế lễ và thụ hưởng chung, thường diễn ra vào mùa xuân. Sau khi tiếp biến văn hóa Trung Hoa, với tục “khu na” (xua trừ ma quỷ) vào đêm trừ tịch ba mươi tết, thì đêm ba mươi, dân đồng rừng, ven núi có thêm tục đốt pháo, khua phèng la, chũm chọe, vung đồng đuổi cọp về. Cái cũ và cái mới hòa đồng trong thời lịch hội nhập để tạo nên phong tục dân gian.

Vậy Ông Ba Mươi với tên gọi trại do tín ngưỡng để gọi hổ, cọp, khái, hùm… có chứng tích ghi chép sớm nhất là từ Lĩnh Nam Chích Quái, một tác phẩm khởi thảo từ thời Trần, biên soạn lại từ thời Lê và tu bổ san định cho đến thời Nguyễn. Đến nay, đây là ý kiến khả tin nhất.

SONG LÊ (tổng hợp) 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên