Vì sao học sinh không yêu thích các môn xã hội?

Cập nhật: 01-11-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Thực trạng dạy học các môn xã hội

Có một thực tế trong các trường THCS, THPT hiện nay là phần lớn học sinh ngán ngại học những môn ngữ văn, lịch sử, địa lý. Bởi suy nghĩ phổ biến của học sinh đây chỉ là những môn học bài, ít phải động não, giáo viên lên lớp chỉ giảng suông dễ gây nhàm chán... Nhiều giải pháp được đưa ra để các môn học này trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu và làm như thế nào vẫn là những câu hỏi đầy băn khoăn. Đổi mới kiểm tra đánh giá và đổi mới phương pháp dạy học đồng bộ để tạo ra chuyển biến mới trong dạy học các môn ngữ văn, địa lý và lịch sử là yêu cầu bức thiết để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Thưa vắng ban C

Từ năm học 2006-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo Sở GD-ĐT các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện chương trình phân ban ở bậc THPT. Qua 5 năm triển khai thực hiện, các trường THPT trên cả nước, trong đó có Bình Dương vẫn đang gặp không ít khó khăn, bởi số học sinh (HS) chọn học ban C ngày càng ít.

 

Giáo viên cố gắng vận dụng nhiều biện pháp, giúp HS yêu thích các môn xã hội

Chương trình phân ban chia thành 3 ban: ban Cơ bản, ban Khoa học tự nhiên (KHTN) và ban Khoa học xã hội (KHXH), còn gọi là ban C. HS ban KHTN sẽ học 4 môn (toán, vật lý, hóa học, sinh học) theo chương trình nâng cao; với các môn còn lại, HS học theo chương trình chuẩn. Đối với ban C, HS học theo chương trình nâng cao 4 môn (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ); các môn còn lại, HS học theo chương trình chuẩn. Chương trình chuẩn là chương trình nhằm bảo đảm giáo dục mang tính phổ thông, cơ bản, toàn diện và hướng nghiệp cho tất cả HS. Ngoài ra, HS ban KHTN và ban C cũng được tự chọn học một số chủ đề để nắm chắc hơn các nội dung nâng cao. Riêng ban Cơ bản, HS học tất cả các môn theo chương trình chuẩn. Đồng thời, mỗi tuần, HS ban Cơ bản sẽ có thêm 4 tiết học tự chọn. Trong các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ, HS có thể chọn 3 môn để học theo chương trình và sách giáo khoa nâng cao.

Lý thuyết là thế, nhưng thực tế khi triển khai thì phần lớn HS chọn học ban Cơ bản hoặc ban KHTN. Còn với ban C, số lượng HS theo học chỉ “đếm trên đầu ngón tay”; thậm chí có rất nhiều trường THPT trong tỉnh không đủ số lượng HS đăng ký để mở lớp. Thầy Trần Đình Phú, Hiệu trưởng trường THPT Tây Sơn (Phú Giáo) cho biết: “Năm đầu tiên thực hiện phân ban, trường cũng mở 2 lớp ban C (chuyên văn và chuyên sử - địa). Song, những năm sau đó, số HS đăng ký học ban C ngày càng ít đi khiến không đủ HS để mở lớp, nhà trường phải xóa bỏ ban này”. Thầy Trần Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) cũng cho biết: “Nhiều năm nay, số HS đăng ký thi vào lớp 10 theo học ban C ngày càng thưa vắng. Do không đủ HS để mở lớp nên trường cũng đã bỏ hẳn ban này”.

Tại trường THPT chuyên Hùng Vương (TX.TDM), mấy năm nay, không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu HS vào các lớp chuyên sử, địa. Số HS đăng ký dự thi ít, số thi đậu cũng chỉ lèo tèo vài em, bắt buộc trường phải ghép lớp.

Thiếu nhân lực ngành xã hội

Từ việc HS không mặn mà với ban C nên những năm gần đây, nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) ngày càng hiếm người học. Để có được thí sinh, các trường phải tuyển đến NV2, NV3, thậm chí có trường không mở được lớp và bỏ ngành. Trong kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua, số thí sinh đăng ký thi khối C thấp kỷ lục, chỉ có 125.264/1.471.808 hồ sơ thi ĐH (chiếm 6,4%). Càng đáng buồn hơn khi các trường ĐH, CĐ công bố hàng ngàn điểm 0 môn sử. Nguồn tuyển sinh thiếu khiến nhiều trường dần đóng cửa hàng loạt ngành xã hội. Như vậy, vòng luẩn quẩn “thưa vắng HS ban KHXH - chất lượng tuyển sinh thấp - đóng cửa ngành ĐH - thiếu nhân lực ngành xã hội” sẽ lại tiếp diễn trong năm nay và khó để nói là sẽ không “phá sản” ban KHXH.

Thống kê từ các trường ĐH cho thấy, mỗi năm số lượng thí sinh đăng ký thi vào nhóm ngành KHXHNV giảm dần. Trong mỗi kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ, nhóm ngành KHXHNV của các trường ĐH, CĐ tại Bình Dương cũng luôn trong tình trạng khủng hoảng vì khó tuyển sinh. Theo thống kê của Sở GD-ĐT thì trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua sở chỉ nhận được duy nhất 1 hồ sơ dự thi khối C vào trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Tại trường ĐH Thủ Dầu Một, Thạc sĩ Trương Thị Linh cũng cho biết: năm đầu tiên khoa Xã hội - Nhân văn của trường chỉ tuyển được 50 sinh viên cho 2 lớp (trong khi chỉ tiêu mỗi ngành là 100). Khóa ngữ văn đầu tiên trường tuyển được trên 300 sinh viên nhưng đến khóa thứ năm (năm 2010) chỉ tuyển được có... 30 sinh viên.

Ngay như ĐH KHXHNV TP.HCM là trường thuộc top trên cũng không ngoại lệ. Trong mấy năm qua, có những ngành không tuyển đủ phải lấy NV2 với điểm trúng tuyển chỉ hơn điểm sàn 0,5 điểm. Từ năm 2006 đến nay, ngành Triết học trường chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu. Năm 2010 trường có tới 15 ngành học có điểm chuẩn thấp hơn năm 2005.

Cần sự thay đổi mạnh mẽ

Theo các nhà quản lý giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS không chọn học ban C. Bởi lẽ, khi HS học ban C, đầu vào đại học “hẹp” hơn so với các ban khác. Việc chọn nghề sau khi tốt nghiệp ở khối KHXH cũng không nhiều. Trong khi đó, phần lớn HS giỏi ban KHTN có xu hướng học lệch. Chẳng hạn như, nếu HS học giỏi môn toán thì lại không thích học môn sử, địa, giáo dục công dân...; còn môn văn, chỉ cần thi 5 điểm là đạt yêu cầu. Ngoài ra, qua các kỳ thi tuyển đầu vào lớp 10, điểm thi môn văn của HS rất thấp, chứng tỏ HS, phụ huynh HS không đầu tư nhiều cho môn học này.

Mặc dù gần đây, Bộ GD-ĐT đã có chỉ thị yêu cầu giảm tải chương trình giáo dục phổ thông, nhưng nhìn chung, chương trình học THPT vẫn còn nặng, nhất là ban C - khiến học sinh ít vào. Thầy Trần Văn Sơn, nói: “Những môn học ở ban C kém hấp dẫn so với các môn ban KHTN, bởi chương trình giảng dạy, cách đánh giá thi cử... còn khá nặng, chưa phù hợp. Đa phần HS học môn sử, địa phải nhớ các sự kiện, số liệu, khiến các em rất nặng nề”. Theo thầy Trần Đình Phú thì: “Cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn để thu hút HS học ban C. Để làm được điều này, đầu tiên cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy đối với các môn học này. Các giáo viên dạy văn, sử, địa không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải truyền đạt niềm say mê đến HS”.

Mục tiêu của việc phân ban nhằm phát huy sở trường, năng khiếu của HS và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Để ban C và những môn học ở khối C như văn, sử, địa thu hút HS say mê học tập cần có sự thay đổi mạnh mẽ của toàn xã hội, trong đó có sự yêu thích của HS, sự truyền đạt của giáo viên và sự định hướng đúng đắn của các bậc phụ huynh.

N.THANH - H.THÁI

Kỳ 2: Đổi mới phương pháp dạy và học các môn xã hội

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=940
Quay lên trên
X