Vì sao học sinh không yêu thích môn lịch sử?

Cập nhật: 21-03-2014 | 00:00:00

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trong số 4 môn thi học sinh (HS) được quyền tự chọn 2 môn. Chủ trương này nhận được sự đồng tình cao của HS, giúp các em giảm được áp lực thi cử do được chọn môn học yêu thích và chọn môn trùng với những môn của khối thi đại học. Những năm gần đây HS có xu hướng chọn khối thi đại học là A, B, khối C rất ít em lựa chọn. Và từ việc chọn môn thi tốt nghiệp trong kỳ thi năm nay đã cho thấy, các môn xã hội, nhất là môn lịch sử rất ít HS lựa chọn.

 

Giờ học môn lịch sử của học sinh trường THPT An Mỹ (TP.TDM)

Trước khi lên kế hoạch ôn tập cho HS, các trường đã cho HS đăng ký môn tự chọn. Qua thống kê cho thấy, trong số 6.612 HS lớp 12 chỉ có 527 em chọn thi môn lịch sử. Trong số 36 trường THPT có 3 trường không có HS chọn môn lịch sử. Kết quả này không làm cho những người làm công tác giáo dục bất ngờ, bởi thực tế nhiều năm nay HS không mặn mà với môn học này. HS quay lưng với môn lịch sử, trước tiên là do chương trình còn nặng nề, nhiều sự kiện. Một giáo viên dạy sử cho biết, HS lớp 12 chỉ có 1,5 tiết sử/ tuần, nhưng các em phải học chương trình lịch sử thế giới từ năm 1945 đến nay, chương trình lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay. Hơn nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quan điểm học gì thi đó nên HS phải học tất cả các bài trong chương trình. Với lượng kiến thức lớn, nhiều sự kiện, ngày tháng khiến cho HS bị choáng và cảm thấy sợ môn sử.

Do chương trình nặng, số tiết ít, giáo viên gần như phải chạy đua để kịp chương trình. Bên cạnh đó, cách dạy của giáo viên cũng là vấn đề đáng bàn. Thực tế vẫn còn giáo viên chưa thực sự đổi mới phương pháp dạy, chưa giúp HS phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong học tập. Thầy Nguyễn Văn Cứu, Hiệu trưởng trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM), cho biết trường có 94 HS chọn thi môn sử, tỷ lệ 22,8%, cao nhất trong tất cả các trường. HS chọn thi môn này nhiều vì ngoài môn học sở trường, còn do giáo viên dạy hấp dẫn, tạo niềm đam mê cho các em.

Nhiều HS không chọn môn sử là môn thi tốt nghiệp còn do môn này không trùng với môn thi đại học. Thực tế những năm gần đây đa số HS chọn khối thi đại học là A, B, khối C rất ít HS lựa chọn. Có thể do các em bị ảnh hưởng bởi kinh tế thị trường nên chọn những nghề được cho là có thu nhập cao. Trong khi đó khối C ít ngành hơn, chỉ tiêu ít hơn và người làm công việc thuộc khối ngành xã hội cũng có mức thu nhập thấp hơn những ngành khác.

Một giáo viên dạy sử ngậm ngùi nói, giáo viên dốc hết tâm huyết truyền đạt kiến thức cho HS, nhưng các em không chọn sử là môn thi khiến cho người thầy cảm thấy chạnh lòng. Mong rằng ở những kỳ thi sau Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán lại, đưa môn sử là một trong những môn bắt buộc thi tốt nghiệp. Có như vậy HS mới học nghiêm túc, đồng thời giáo dục cho HS truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc qua những bài học lịch sử.

 

* Cô NGUYỄN THỊ SÁU, cựu giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương (TP.TDM):

Một bộ phận giáo viên thiếu tâm huyết

HS ngày nay “sợ” học môn lịch sử trước hết là do chương trình sách giáo khoa. Chương trình trước đây đâu ra đó, còn sau khi cải cách, đọc sách giáo khoa HS khó tiếp thu hết kiến thức đã học. Thêm nữa, nhiều HS không yêu thích môn học trước tiên người thầy nên nhìn lại mình. Dĩ nhiên cũng có HS lười biếng, nhưng cách dạy của một số giáo viên cũng là một trong những nguyên nhân không lôi cuốn HS, trong khi HS rất muốn học, nhưng giáo viên không hướng dẫn được học trò cách học. Qua những lần dự giờ tôi thấy đôi khi giáo viên dạy như cái máy, có những tiết học giáo viên dạy như phi ngựa. Hàng năm tôi có bồi dưỡng HS đi thi đại học, các em nhận xét, trong lớp HS không được nghe những lời giảng thuyết phục. Hiện vẫn còn tình trạng giáo viên dạy theo kiểu đọc - chép, khiến cho tiết học nhàm chán, HS không hứng thú trong học tập.

* Thầy VŨ VĂN QUYẾT, giáo viên dạy sử trường THPT An Mỹ (TP.TDM):

Đề thi còn nặng tính học thuộc lòng

Khi nghe tin năm nay Bộ GD-ĐT cho phép HS được chọn môn thi tốt nghiệp tôi đoán tỷ lệ HS chọn môn sử sẽ thấp. Lý do đầu tiên là chương trình học nặng, lượng kiến thức quá nhiều, gần như quá tải đối với HS. Hơn nữa, các em phải chịu áp lực nhiều môn học nên không thích học sử.

Theo tôi, để HS ham mê học sử, ngành phải thực sự thay đổi cách kiểm tra đánh giá. Bộ GD-ĐT từng có chủ trương đề thi có 50% kiến thức học thuộc và 50% kiến thức vận dụng, giáo viên dạy theo kiểu giúp HS hiểu và vận dụng, nhưng đề thi thì hoàn toàn khác. Đề thi đại học năm 2013 có đến 80% kiến thức HS phải học thuộc, chỉ có 20% là vận dụng. Đây là một trong những lý do HS cảm thấy ngán ngại khi chọn môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp, cũng như thi đại học.

 

 A.SÁNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=765
Quay lên trên
X