Trước cuộc bầu cử Quốc hội tháng 4-2019, Thủ tưởng Israel Benjamin Netanyahu từng cam kết rằng nếu tái đắc cử ông sẽ bắt đầu mở rộng lãnh thổ Israel sang một số khu vực của Bờ Tây. Sau các cuộc đàm phán khó khăn, tháng 4-2020, một thỏa thuận khó khăn về chính phủ liên minh với lãnh đạo đảng Xanh - Trắng Benny Gantz được ký kết, tạo nên một hình thái hoạt động chính trị chưa từng có.
Và cũng theo thỏa thuận này, bắt đầu từ tháng 7-2020, Israel sẽ thúc đẩy việc thực thi chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái ở Thung lũng Jordan và Bờ Tây theo cái mà Mỹ gọi là Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới, với diện tích lãnh thổ có liên quan chiếm khoảng 30% khu vực Bờ Tây.
Tuy nhiên, mới đây, ông Netanayhu nói bóng gió rằng kế hoạch sát nhập này có thể không được thực hiện như dự kiến. Các nhà phân tích cho rằng trước sức ép từ bên trong và bên ngoài, Chính phủ Israel có thể tương đối thận trọng trong hành động nhưng kế hoạch sát nhập sẽ không thay đổi. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng thêm biến số cho tình hình bất ổn ở Trung Đông. Mâu thuẫn giữa Israel và các nước Arab cũng tăng lên.
Việc hoãn kế hoạch sát nhập này theo các nhà phân tích có một vài yếu tố, theo đó, điều đầu tiên đó là kế hoạch này không chỉ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine mà còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Liên đoàn Arab, các nước Arab, các nước Hồi giáo và sự tẩy chay của cộng đồng quốc tế. Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc vào ngày 23-6-2020, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Israel từ bỏ kế hoạch sát nhập một phần khu Bờ Tây.
Ông nói hành động này không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn phá hủy các cuộc đàm phán mới giữa Palestine với Israel và hy vọng cuối cùng để thực hiện "giải pháp hai nhà nước", là tai họa đối với người Palestine, người Israel và toàn khu vực.
Quốc vương Jordan Abdullah II cảnh báo rằng kế hoạch sát nhập một phần khu vực Bờ Tây của Israel sẽ tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của Trung Đông. Các hành động đơn phương của Israel là không thể chấp nhận và phá hỏng cơ hội để Trung Đông thực hiện hòa bình và ổn định.
Nga và Liên minh châu Âu cũng không ủng hộ kế hoạch sát nhập của ông Netanyahu. Sau cuộc điện đàm với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tái khẳng định lập trường chung của Nga và EU là không ủng hộ Israel sát nhập một phần khu vực Bờ Tây thuộc Palestine, nhấn mạnh quyết định của Israel đe dọa đến "giải pháp hai nhà nước". Các nước phương Tây như Đức, Pháp... cũng lên tiếng phản đối kế hoạch sát nhập này của Israel.
Binh lính Israel vấp phải sự phản đối mãnh liệt tại khu Bờ Tây.
Một vấn đề khác buộc chính quyền Israel phải xem lại việc thực hiện kế hoạch này, đó là ngay các chính dảng và người dân Mỹ cũng có quan điểm khác nhau đối với kế hoạch. Đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng này kiểm soát bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, trong khi dư luận Mỹ có quan điểm khác nhau, xuất phát từ những toan tính trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu ông Netanyahu tạm hoãn việc thúc đẩy kế hoạch sát nhập.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Mỹ chủ yếu do con rể ông Trump, Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner hoạch định nhưng theo một số nguồn tin, Thượng viện và Hạ viện Mỹ cũng như tầng lớp quyết sách của Nhà Trắng luôn có tranh cãi về lập trường của Mỹ đối với kế hoạch sát nhập này.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Mỹ được cho là bao hàm nhiều nội dung, đòi hỏi phải có các biện pháp bảo đảm đồng bộ mới có thể thúc đẩy. Ngoài ra, còn phải đàm phán với Palestine và các nước Arab có liên quan mới có thể thực thi. Kế hoạch này không chỉ cho phép Israel sát nhập khu Bờ Tây mà còn thực thi quyền tài phán đối với khu định cư Do Thái ở khu vực.
Sau khi kế hoạch này được đưa ra, trong nước Mỹ có nhiều tranh cãi và tiếng nói hoài nghi, nhiều người không chỉ bày tỏ sự phản đối từ lập trường chính trị mà còn cho rằng kế hoạch này có nhiều điểm không khả thi.
Đầu năm 2020, cố vấn Kushner chịu áp lực chính trị và dư luận đã nhiều lần ám chỉ Chính phủ Israel không nên có các hành động tùy tiện để phục vụ cho chiến dịch tranh cử. Mặc dù thế lực của người Do Thái ở Mỹ rất hùng mạnh nhưng tiếng nói phản đối chủ nghĩa phục quốc Do Thái cũng không thể xem thường. Nhà Trắng lo ngại hành động nóng vội của ông Netanyahu sẽ gây bất lợi cho việc tái tranh cử của ông Trump nên đã có những động thái cụ thể để hạn chế nó.
Sự phân cực xoay quanh kế hoạch sát nhập của Israel không chỉ dừng lại ở Quốc hội Mỹ mà còn lan rộng đến các cử tri. Cuộc thăm dò dư luận về vấn đề Trung Đông do Mỹ thực hiện vào tháng 5-2020 cho thấy dư luận có bất đồng lớn về lập trường đối với kế hoạch sát nhập của Israel, trong đó 37% số người được hỏi cho rằng Mỹ cần phải phản đối kế hoạch này.
Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên Joe Biden nói rằng ông không ủng hộ bất kỳ bên nào thực hiện các hành động đơn phương có thể làm suy yếu cơ hội thực hiện "giải pháp hai nhà nước" cho Palestine và Israel, bao gồm cả việc sát nhập lãnh thổ. Ông Biden tuyên bố rằng nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông sẽ tiếp tục phản đối các biện pháp liên quan.
Chủ tịch Quỹ Hòa bình ở Trung Đông có trụ sở tại Washington, Mỹ là Lara Friedman nói: "Bất đồng trong Quốc hội Mỹ là có thật và rất lớn. Hạ viện và Thượng viện đã có những bài phát biểu chưa từng có về kế hoạch sát nhập, mặc dù nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa có lập trường ủng hộ rõ ràng nhưng các nghị sĩ của đảng Dân chủ lại phản đối. Nếu Hạ viện nắm đa số giữ thái độ phản đối thì Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của ông Trump sẽ khó có thể thúc đẩy, chưa nói gì đến kế hoạch sát nhập của ông Netanyahu".
Và cuối cùng, chính trong nội bộ chính phủ liên minh mới được thành lập của Israel cũng có bất đồng về kế hoạch sát nhập "liều lĩnh" này của ông Netanyahu. Một bộ phận người dân Israel cũng phản đối kế hoạch sát nhập cứng rắn này, đặc biệt là một số nghị sĩ thuộc phe trung tả. Theo cuộc thăm dò do Viện Dân chủ Israel công bố vào tháng 6-2020, chỉ có một nửa dân số ủng hộ ông Netanyahu trong việc này.
Theo CAND