Bài cuối: Cần hiểu đúng vấn đề
Bài 1: Bất chấp khuyến cáo, ào ạt xây dựng
Bài 2:Kiên quyết xử lý sai phạm
Sai phạm của các lò gạch Hoffman đã rõ ràng, tỉnh đã xử lý đúng pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có thông tin đăng trên một số báo phản ánh không đúng sự thật vấn đề.
Đóng cửa lò gạch Hoffman tại Bình Dương không ảnh hưởng tới thị trường vật liệu xây dựng Ảnh: T.BÌNH
Bảo đảm ổn định thị trường, lao động
Xâu chuỗi lại sự việc, điều dễ nhận thấy là chủ trương chấm dứt lò gạch Hoffman của tỉnh có đầy đủ cơ sở pháp lý, chấp hành nghiêm túc Quyết định số 567 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, Quyết định của Bộ Xây dựng về việc thực hiện lộ trình trong việc chấm dứt hoạt động các lò gạch, ngói thủ công, các lò Hoffman gây ô nhiễm trên địa bàn...
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, lộ trình chấm dứt các công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường được thực hiện xuyên suốt, nhất quán từ cấp tỉnh đến các huyện, thị, thành phố. “Bình Dương là tỉnh phát triển đô thị nhanh nên lộ trình không cho sản xuất gạch Hoffman đã có từ lâu và có kế hoạch rõ ràng. Trong quá trình thực hiện đô thị hóa, chế độ và chính sách đối với lộ trình này hiện nay không còn nữa. Hơn nữa, tất cả các lò gạch Hoffman đều vi phạm pháp luật nên những đòi hỏi về ưu đãi, về hỗ trợ từ nhà nước là không đúng với quy định”, ông Liêm khẳng định.
Về vấn đề lao động, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sở đã kết hợp với địa phương có các lò gạch mời các chủ cơ sở, doanh nghiệp, lao động đến trao đổi liên quan việc chuyển đổi ngành nghề cũng như giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó, nếu doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ được xem xét, hỗ trợ giải quyết theo chính sách. Về việc làm, hiện nhu cầu lao động khu vực nông thôn của tỉnh còn rất lớn, tỉnh có thể chuyển đổi 4.600 lao động đang làm việc từ các lò gạch để giúp giải quyết việc làm. Sở đã phối hợp với các địa phương để chuyển đổi ngành nghề cho người lao động thông qua việc dạy nghề cho lao động nông thôn, tổ chức các phiên giao dịch việc làm…
Lao động cực nhọc và thiếu bảo hộ an toàn tại một lò gạch trên địa bàn tỉnh Ảnh: T.BÌNH
Ông Trung cũng cho biết, đặc thù của các cơ sở lò gạch là làm theo tính chất gia đình, chủ cơ sở thuê mướn một số gia đình vào làm việc; khi kiểm tra, cha mẹ và chủ cơ sở đều nói không cho trẻ em tham gia, nhưng thực tế có trẻ em tham gia lao động tại lò gạch, ngành chức năng đã nhiều lần nhắc nhở. Với môi trường lao động độc hại, quả thật không thể để trẻ em và người lao động làm việc trong môi trường như vậy.
Đối với vấn đề thị trường gạch xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm nói hiện năng lực sản xuất gạch Tuynel tại tỉnh đủ cung ứng cho thị trường, vừa cung cấp đủ cho tỉnh và 70% nhu cầu cho cả TP.HCM. “Nói chung, việc dừng hoạt động các lò Hoffman trên địa bàn không có gì khó khăn đối với việc cung ứng nguyên liệu cho ngành xây dựng. Lộ trình thực hiện theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ là chuyển từ gạch nung sang gạch không nung, bước đầu các doanh nghiệp trong tỉnh đã sản xuất được, cộng với sản lượng gạch lớn được sản xuất từ các lò Tuynel thì số lượng gạch đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường, nên việc thiếu và sốt giá gạch sau khi ngưng hoạt động các lò Hoffman rất khó xảy ra”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm khẳng định.
Cần nhìn nhận đúng sự thật vấn đề
Có thể nói, việc xử lý đóng cửa các lò gạch Hoffman xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh thể hiện rõ quyết tâm của UBND tỉnh. Trong thực hiện, tỉnh đã xử lý có lý, có tình. Điều này có thể thấy qua cách xử lý “dù sai phạm nhưng tỉnh gia hạn đến 4 năm nhằm tạo thuận lợi để cơ sở gạch Hoffman sản xuất hết nguyên liệu và thu hồi vốn”. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, tỉnh luôn tạo thuận lợi và công bằng cho các thành phần kinh tế đầu tư; tuy nhiên các thành phần kinh tế cần chấp hành đúng chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Ở đây, các cơ sở sản xuất gạch Hoffman, cố tình vi phạm các quy định Trung ương và của tỉnh…
Nhìn lại từ năm 2005, tỉnh đã triển khai di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, khu đô thị. Đến nay, kiên quyết đóng cửa toàn bộ lò gạch công nghệ lạc hậu, từng bước chuyển đổi đưa vật liệu xây dựng công nghệ không nung chiếm 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ. Lộ trình cụ thể như vậy là hợp lý, vậy nhưng vẫn có thông tin không đúng sự thật về hướng xử lý của tỉnh và trái với bản chất của vấn đề. Dưới góc độ pháp luật, không thể viện dẫn không có cơ sở để biện minh, tiếp tay cho sai phạm của các lò gạch Hoffman mà đưa ra những thông tin sai lệch, suy luận võ đoán để phủ nhận sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương trên bước đường chung sức xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm:
Bình Dương xử lý đúng luật
Chủ trương của tỉnh là di dời các cơ sở sản xuất gạch, gốm ra khỏi thành phố, huyện, thị xã, đô thị với chính sách rất cụ thể cho từng loại. Theo đó, với lò Hoffman có công nghệ và hiệu suất đầu tư thấp phù hợp các tỉnh vùng sâu, vùng xa, còn Bình Dương là tỉnh phát triển đô thị nhanh nên việc không cho sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh có lộ trình rõ ràng và kế hoạch triển khai theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Xây dựng.
Trong quá trình thực hiện lộ trình, tỉnh làm rất cụ thể và minh bạch, thông báo trước từ năm 2010. Năm 2012 kiểm tra lại thì thấy nguyên liệu vẫn còn nhiều, trên cơ sở đó tỉnh gia hạn thêm cho 2 năm nữa. Như vậy, tính từ năm 2010 đến nay, các cơ sở sản xuất gạch đủ khả năng thu hồi vốn và đủ khả năng chuyển đổi công nghệ. Điều này cũng cho thấy, hướng xử lý của tỉnh là đúng luật, có lý và có tình.
VỆ GIANG