Vì sao phương Tây muốn chính phủ Libya bị lật đổ?

Cập nhật: 04-03-2011 | 00:00:00

Cuộc khủng hoảng tại Libya đang leo thang nghiêm trọng. Một số thế lực phương Tây đang khoét sâu thêm mâu thuẫn tại Libya bằng những cáo buộc nhằm vào nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và kêu gọi lật đổ chính phủ đương nhiệm.

 

  Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Trong bài viết đăng trên mạng tin Toàn cầu hóa ngày 24-2, tác giả Sara Flounders khẳng định một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến phương Tây muốn loại bỏ ông Gaddafi là bởi ông là đồng minh của các phong trào chống chủ nghĩa đế quốc.

 

Khi lên nắm quyền vào năm 1969 sau một cuộc đảo chính quân sự, ông đã quốc hữu hóa lĩnh vực dầu mỏ của Libya và sử dụng một phần lớn số tiền này để phát triển kinh tế đất nước. Điều kiện sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Vì lý do đó, đế quốc quyết tâm đè bẹp Libya. Phương Tây đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hòng làm “chảy máu” nền kinh tế Libya.

 

Sau cuộc chiến tranh do Mỹ phát động xâm lược Iraq năm 2003, ông Gaddafi đã cố gắng loại trừ các mối đe dọa chống lại Libya bằng việc đưa ra những nhượng bộ quan trọng về chính trị và kinh tế. Tổng thống Libya không chỉ mở cửa nền kinh tế cho các ngân hàng và các công ty nước ngoài mà còn đáp ứng những đòi hỏi "điều chỉnh cơ cấu" từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước, làm giảm đáng kể các khoản trợ cấp của nhà nước về thực phẩm và nhiên liệu. Chính mức giá cao và tình trạng thất nghiệp do các cuộc nổi loạn nổ ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến cuộc sống của người dân Libya gặp nhiều khó khăn.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng là nhiều nhân vật được phương Tây “tung hứng” với tư cách là các nhà lãnh đạo đối lập chính là các nhân viên “nằm vùng” của chủ nghĩa đế quốc. Các phương tiện truyền thông phương Tây hỗ trợ nhiều phóng sự về các sự kiện do các nhóm lưu vong của Mặt trận quốc gia vì sự bảo vệ Libya dựng lên. Những nhóm này được Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đào tạo và tài trợ.

 

Nhật báo phố Wall của Mỹ số ra ngày 23-2 cũng có bài xã luận cho rằng không khó khăn để xác định xem lợi ích của chủ nghĩa đế quốc nằm ở đâu tại Libya. Cùng về vấn đề này, mạng tin Bloomberg.com nói rằng: Là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba ở châu Phi, Libya cũng là nước có trữ lượng lớn nhất của châu lục với 44,3 tỷ thùng đã được kiểm chứng. Đây là một nước có dân số tương đối ít, nhưng có tiềm năng lớn đối với các công ty dầu khí khổng lồ để làm ra nhiều lợi nhuận. Đó là của cải to lớn nhìn thấy tại Libya và chính là nền tảng cho những mối quan tâm của chủ nghĩa đế quốc khi nói về dân chủ và nhân quyền của người dân Libya.

 

Có được những nhượng bộ từ Tổng thống Gaddafi vẫn là không đủ đối với các ông chủ đế quốc dầu mỏ. Họ muốn một chính phủ ở Libya có thể điều khiển trực tiếp, nắm giữ và thao túng.

 

Tại Mỹ, một số thế lực đang cố gắng phát động ở quy mô đường phố một chiến dịch ủng hộ sự can thiệp như thế của Mỹ. Tờ báo cho rằng cần phải chống lại chiến dịch đó và nhắc nhở tất cả những người có thiện chí rằng hàng triệu người đã chết và hàng triệu người phải tị nạn do sự can thiệp của Mỹ tại Iraq và Afghanistan.

 

Những người tiến bộ có thể cảm thông với những gì như một phong trào nhân dân đang diễn ra ở Libya và cần hỗ trợ những yêu sách chính đáng của họ trong khi từ chối bất kỳ sự can thiệp của đế quốc, dưới bất cứ hình thức nào. Chính người Libya sẽ quyết định tương lai của họ.

 

Theo mạng tin Eurasia Review ngày 1-3, hiện các phương tiện truyền thông lớn ở Mỹ đang thổi phồng khả năng Washington có thể can thiệp quân sự ở Libya. Tuy nhiên, dư luận nhiều nước trên thế giới đều không ủng hộ việc sử dụng hành động quân sự.

 

Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã kêu gọi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không can thiệp vào những gì đang diễn ra ở Libya. Theo ông, hãy để người dân Libya quyết định số phận của họ.

 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng lên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự nước ngoài vào Libya, cho rằng vấn đề của Libya cũng như của các quốc gia khác ở Bắc Phi và Trung Đông phải do chính dân tộc họ giải quyết thông qua các cuộc đối thoại trong nước và sự đồng thuận của cả xã hội mà không có sự ép buộc từ bên ngoài.

 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên