Vì sao Trung Quốc ngại Tòa án Liên hiệp quốc về Luật Biển?

Cập nhật: 16-05-2014 | 00:00:00

 Kinh nghiệm Philippines

Trường hợp kiện cấp chính phủ - chính phủ, có thể tham khảo trường hợp Philippines đã không kiện về tranh chấp, mà kiện về việc TQ cố tình hiểu sai, giải thích sai, áp dụng sai các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, từ đó dẫn đến việc TQ áp đặt đường lưỡi bò.    Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ăn tối nhân chuyến thăm kéo dài 2 ngày của ông ở Đức và hai người tặng quà cho nhau. Bà Merkel tặng ông Tập một tấm bản đồ vẽ lãnh thổ TQ thời Càn Long do nhà vẽ bản đồ người Pháp Jean - Baptiste Bourguignon d’Anville thực hiện và in tại Đức năm 1735. Trên tấm bản đồ vẽ lãnh thổ TQ đầu tiên được xuất bản tại Đức hoàn toàn không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Việc Philippines không kiện việc tranh chấp là để tránh TQ vận dụng điều 298 của Công ước Luật Biển 1982 nhằm phủ quyết thẩm quyền của tòa án. Cũng vì chọn vấn đề này nên TQ buộc phải giải thích (song thực tế là TQ đã không tham gia vì đuối lý!). Diễn biến phiên tòa này đang diễn ra và có thể kéo dài 3 - 5 năm nhưng giới luật sư có niềm tin là Philippines sẽ thắng. Theo trang tin Sankei (Nhật Bản) mới đây, TQ đang gây áp lực đối với các nước ASEAN, trong đó có Singapore và Malaysia nhằm thúc ép Philippines rút đơn kiện. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có ý đồ cô lập Philippines với sách lược phân hóa ASEAN; đồng thời răn đe khiến các nước khác trong khu vực không có cơ hội tận dụng vụ kiện của Philippines.

Trong khi đó, tờ The Philippine Star dẫn phân tích của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng: Giới lãnh đạo TQ có thể đàm phán ngầm với Philippines bởi nếu tiếp tục vụ kiện, Bắc Kinh sẽ rơi vào thế bất lợi do những tuyên bố chủ quyền của họ trên biển Đông hoàn toàn “thiếu cơ sở pháp lý quốc tế” .

Quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với tài nguyên biển

Luật Biển quốc tế “cũ” - được pháp điển hóa trong hai Hội nghị của Liên hiệp quốc về Luật Biển tại Geneva năm 1958 và 1960 - công nhận quyền tài phán của quốc gia ven biển rất giới hạn, phần lớn biển và đại dương được điều chỉnh bởi nguyên tắc tự do trên biển. Công ước mới của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, với sự đấu tranh không mệt mỏi của các quốc gia đang phát triển, đã quy định những nội dung thay đổi quan trọng sau đây:

Thứ nhất, công nhận lãnh hải thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển có chiều rộng tối đa là 12 hải lý. Với việc ghi nhận này đã chấm dứt sự tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ về chiều rộng của lãnh hải.

Thứ hai, công nhận thềm lục địa pháp lý của các quốc gia ven biển. Công ước quy định thềm lục địa của quốc gia ven biển kéo dài cho đến bờ ngoài của rìa lục địa. Nếu bờ ngoài của rìa lục địa chưa đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì được quyền lấy đến 200 hải lý, nếu bờ ngoài của rìa lục địa nằm ngoài giới hạn 200 hải lý thì được kéo dài hoặc tới 350 hải lý hoặc thêm 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m là đường nối các điểm có độ sâu 2.500 m.

Thứ ba, công nhận khái niệm vùng đặc quyền kinh tế. Trong phạm vi giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên sinh vật hay không sinh vật, của vùng nước phía trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì lợi ích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quốc gia ven biển còn có quyền tài phán liên quan đến (1) lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; (2) nghiên cứu khoa học về biển và (3) bảo vệ môi trường biển. Hơn nữa, quốc gia ven biển còn có các quyền khác do Công ước quy định.

Thứ tư, công nhận khái niệm vùng nước quần đảo và đường cơ sở quần đảo. Điều này có nghĩa là: Các quốc gia được cấu thành bởi một hoặc nhiều quần đảo có đầy đủ chủ quyền đối với vùng nước được bao bọc; bởi đường cơ sở quần đảo là đường nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc nổi lúc chìm của quần đảo với điều kiện tỷ lệ diện tích nước so với đất ở giữa 1/1 và 9/1. Chiều dài của đường cơ sở trong trường hợp này không được vượt quá 100 hải lý, ngoại trừ tối đa 3% của tổng số các đường cơ sở bao quanh một quần đảo nào đó có chiều dài lớn hơn nhưng cũng không quá 125 hải lý 10. Với quy định này, quốc gia quần đảo có chủ quyền đối với một khu vực biển rất lớn so với nguyên tắc tự do trên biển trước đây. Trong thực tế, ngoài một vài ngoại lệ thì tất cả các quốc gia quần đảo đều là các quốc gia đang phát triển. Indonesia và Philippines là những ví dụ rõ nhất.

Kết luận

Lập luận chính mà TQ viện dẫn trong vấn đề tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa là về mặt lịch sử khoảng 2000 năm trước đã có bản đồ định rõ ranh giới dưới thời triều đình nhà Hán; trong đó không chỉ có Trường Sa mà bao gồm cả vùng biển và Hoàng Sa mà ngày nay nhiều nước trong khu vực đều tuyên bố có chủ quyền.

Đây thật là điều lố bịch và hết sức vô lý. Nó cũng tương tự, nếu như Chính phủ Italia tuyên bố phần lớn lãnh thổ châu Âu, một phần lãnh thổ châu Á và châu Phi bây giờ là thuộc Italia vì những phần lãnh thổ này trước kia “thuộc đế chế La Mã”! Cho nên quay trở lại vấn đề TQ tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở khu vực tranh chấp dựa vào yếu tố lịch sử là rất vô lý, không thể thuyết phục được ai. Do đó, nếu như TQ mang vấn đề Trường Sa ra trước Liên hiệp quốc, lập luận của TQ sẽ thất bại. Do vậy, TQ sẽ không bao giờ muốn đưa vấn đề này ra giải quyết trước công luận quốc tế.

Luật gia MINH TÂM (Trung ương Hội Luật gia VN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên