Các trường nghề đã bước vào tuyển sinh cho năm học mới 2011-2012, nhiều trường vốn khó tuyển sinh, nay lại phải đối mặt và cạnh tranh với hàng loạt trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) có dạy nghề nên khó càng thêm khó. Để “lôi kéo” được học sinh, sinh viên (HS, SV) nhiều trường nghề đã chủ động định hướng nghề nghiệp, tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS cũng như nâng cao chất lượng đào tạo... tạo thế mạnh để thu hút người học. Phỏng vấn tại ngày hội tuyển dụng “Thiên Hòa chắp cánh ước mơ nghề nghiệp” ở Bình Dương
Những “chiêu” thu hút học sinh
Có thể nói trong những năm qua Bình Dương luôn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường nghề được xây mới khá khang trang bảo đảm cho nhu cầu ăn ở, học hành, vui chơi của HS, SV trong nhà trường. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm nay nhiều trường nghề đang phải đối mặt với khó khăn không tuyển đủ chỉ tiêu, trong khi thị trường đang thiếu rất nhiều những lao động có tay nghề. Thạc sĩ Kiều Giác Ngộ, Hiệu trưởng trường TC nghề Dĩ An, cho biết: Theo chỉ tiêu, trong năm học 2011-2012, trường tuyển 300 HS không thi đậu vào lớp 10 được “phân luồng” vào học TC nghề tại trường (đây là số dự báo mà ngành giáo dục đưa sang) với các ngành như: cơ khí, điện, kế toán, xây dựng, máy tính... Để thu hút HS, nhà trường có những chính sách như ưu tiên cho con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình khó khăn, cấp học bổng cho HS đạt loại khá trở lên, liên kết các đơn vị kinh tế cấp học bổng cho HS nghèo hiếu học... đồng thời BGH thường xuyên đến một số trường THPT, THCS để tư vấn, hướng nghiệp cho HS sắp ra trường. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng đến nay trường chỉ tuyển được chính thức 32 HS.
Tại trường CĐ nghề Việt Nam - Singapore, chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2011-2012 của trường là 1.400 HS, SV cho các bậc học; trong đó tuyển các ngành nghề: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Điện dân dụng, Công nghệ ô tô, Cơ khí chế tạo, Nguội sửa chữa máy công cụ, Sửa chữa máy tính, Quản trị mạng máy tính... Hiệu phó trường CĐ nghề Việt Nam - Singapore Nguyễn Thành Trí cũng cho biết thêm: Trong năm học 2011-2012, trường đã bổ sung thêm nghề mới là Bảo trì thiết bị cơ điện nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng kỹ thuật viên ngành bảo trì đang rất thiếu của các công ty. Để đạt được chỉ tiêu tuyển sinh đề ra, trường đã tiến hành phát hành tài liệu về thông tin tuyển sinh, giới thiệu ngành nghề, giới thiệu về trường... phát miễn phí cho HS các trường THPT, THCS, TTGDTX, Phòng LĐ-TB&XH... của tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Ngoài ra còn tổ chức cho các đơn vị phòng, khoa đi xuống tận các trường THPT để tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh. Mỗi năm học, trường tuyển sinh 2 đợt: đợt I vào tháng 9 (tuyển 1.000 - 1.100 chỉ tiêu); đợt II vào tháng 3 năm sau (tuyển 300 - 400 chỉ tiêu). Tính từ ngày bắt đầu tiếp nhận hồ sơ của đợt I (9-2011) đến nay trường đã tuyển được 800 HS, SV; đạt được khoảng 80% so với chỉ tiêu (hiện tại trường vẫn tiếp tục tuyển sinh cho đến giữa tháng 9-2011). Như vậy, so với cùng kỳ năm 2010, số lượng tuyển sinh năm nay của trường giảm khoảng 10%.
Liên thông cùng ngành nghề
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB &XH) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ký kết Thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp (TC) nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH. Việc ký kết này không chỉ tạo cơ hội cho người lao động được học suốt đời mà còn giúp các trường nghề “cởi trói” vào mùa tuyển sinh. Đối tượng được liên thông là những người có bằng tốt nghiệp TC nghề và CĐ nghề cùng ngành nghề đào tạo, được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ CĐ và ĐH theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT. Người đã tốt nghiệp TC nghề, nếu chỉ tốt nghiệp THCS phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Về phía các trường CĐ, ĐH được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ, ĐH phải bảo đảm các điều kiện: Đã có quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ CĐ, ĐH; đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo liên thông từ trình độ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ, ĐH theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT.
Tính đến nay, Bình Dương có 45 cơ sở dạy nghề, trong đó 5 cơ sở dạy nghề Trung ương, 40 cơ sở dạy nghề địa phương. Năm học 2010-2011, tổng số HS, SV đào tạo (đã tốt nghiệp) là 26.634 HS, SV, trong đó TC nghề 1.182 học sinh, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 25.452 học viên.
Gian nan tuyển sinh!
Phó Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nguyễn Quang Đức cho biết: Theo kế hoạch tuyển sinh, năm học 2011-2012, các cơ sở dạy nghề của tỉnh phấn đấu tuyển sinh 38.258 HS, SV, trong đó CĐ nghề 2.400 SV, TC nghề 5.205 HS, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 30.653 học viên. Tính đến ngày 30- 8-2011, các cơ sở đào tạo nghề đã tuyển được 34.869 HS, trong đó số hồ sơ CĐ nghề đã đăng ký là 2.199 người (chưa nhập học chính thức), TC nghề là 3.815 HS, 28.754 học viên (đạt 90% kế hoạch tuyển sinh). Các ngành nghề tập trung đào tạo thu hút được nhiều người học như: Kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, Quản trị mạng máy tính, Tin học văn phòng, Thiết kế đồ họa, Điện tử công nghiệp, Hàn, Cắt gọt kim loại, Lái xe ô tô, Kế toán doanh nghiệp... Ngoài những ngành nghề trên, còn xuất hiện thêm những ngành nghề mới như: Sinh vật cảnh, Hướng dẫn viên du lịch, Quản trị khách sạn, Kỹ thuật trồng nấm... cũng thu hút được rất nhiều người đăng ký theo học, nâng số lượng ngành nghề trên địa bàn tỉnh là 66 ngành nghề. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng HS bỏ học hệ TC nghề ở các trường tăng và các trường rất khó tuyển sinh. Nguyên nhân vì sao?
Ông Đức nhìn nhận: Do tâm lý của đa số các em đều hướng vào các trường ĐH nên nhận định đúng nghĩa việc học nghề tại các trường nghề chưa cao. HS dễ dàng bỏ học giữa chừng khi có cơ hội học tại các trường CĐ, ĐH. Thông tin tuyển sinh của các trường nghề chưa đến được các đối tượng ở các vùng nông thôn, vùng sâu. Trên địa bàn có nhiều trường nghề và đều dạy những ngành nghề tương đối giống nhau nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Một số trường còn thiếu các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy.
Theo Thạc sĩ Kiều Giác Ngộ, Hiệu trưởng trường TC nghề Dĩ An, thì: Trước hết đó là tâm lý của các bậc phụ huynh, ai cũng muốn con em mình làm “thầy” hơn làm thợ, cứ nghĩ rằng học nghề con em mình sẽ vất vả, khổ cực cả đời, không “ăn trơn mặc trắng” như con người khác. Một điều nữa, đó là chính sách của HS học nghề chưa rõ ràng so với HS các trường trung học chuyên nghiệp (tuy gần đây đã có những quy định khá cụ thể như được học liên thông lên CĐ, ĐH...). Nhiều phụ huynh nghĩ rằng vào học nghề là bít đường tương lai, không có cơ hội học lên ĐH và cao hơn. Trong khi một HS TC chuyên nghiệp rất có nhiều đường rộng mở. Riêng tại địa bàn Dĩ An, việc tuyển sinh lại càng khó khăn hơn bởi địa phương giáp ranh với 2 thành phố lớn là TP.HCM và TP.Biên Hòa nên cơ hội lựa chọn trường cho HS, SV là rất lớn. Theo Hiệu phó trường CĐ nghề Việt Nam - Singapore Nguyễn Thành Trí thì có một số nguyên nhân làm cho công tác tuyển sinh năm nay khó khăn hơn: Hiện nay ở Bình Dương những trường ĐH mới mở đều triển khai tuyển sinh. Tuyển sinh nguyện vọng 2 ở các trường ĐH kéo dài, các thí sinh vẫn còn chờ kết quả xét tuyển. Một số trường ĐH cũng đã ồ ạt tuyển sinh hệ TC và CĐ.
Phó Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH tỉnh NGUYỄN QUANG ĐỨC:
Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác hướng nghiệp HS
Để giải quyết vấn đề trên cần xây dựng kế hoạch thực hiện công tác hướng nghiệp HS phổ thông, THCS hiểu rõ hơn về nội dung đào tạo của các trường nghề. Tránh sự nhầm lẫn giữa nội dung đào tạo trường nghề và các trường chuyên nghiệp; có chính sách hỗ trợ người học và giải quyết việc làm, chế độ đãi ngộ sau học tập đối với học viên đăng ký vào học các ngành nghề. Không đặt quá nặng vấn nạn bằng cấp, đánh giá dựa vào năng lực thực sự của người lao động. Có định hướng sử dụng lao động qua đào tạo tại các doanh nghiệp để người học nghề có việc làm sau khi học nghề. Có chế độ hợp lý hơn cho giáo viên dạy nghề để thu hút giáo viên tham gia giảng dạy tại các trường nghề và giải quyết được vấn đề việc làm sau khi học nghề để thu hút được nhiều người vào học tại các trường nghề.
Thạc sĩ KIỀU GIÁC NGỘ, Hiệu trưởng trường TC nghề Dĩ An:
Học phí học nghề cũng khá cao
Các trường mới thành lập chưa có thương hiệu, khó cạnh tranh với các trường đã có bề dày lịch sử. Gần đây học phí học nghề cũng khá cao (290.000 đồng/tháng đối với HS TC các ngành như điện, cơ khí...) nên khó khăn cho những gia đình nghèo (mà phần lớn HS học nghề lại thuộc gia đình nghèo). Từ những nguyên nhân trên, trường TC nghề Dĩ An cũng như một số trường nghề khác khó tuyển sinh là điều tất yếu.
Hiệu phó trường CĐ nghề Việt Nam - Singapore NGUYỄN THÀNH TRÍ:
Cần có sự hỗ trợ các cơ quan quản lý
Để công tác tuyển sinh các trường nghề đạt được kết quả, ngoài việc các trường chủ động, tích cực trong việc tuyên truyền, tư vấn cho thí sinh thì cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, như: Định hướng thông tin trong dư luận xã hội, tư vấn để người dân không còn tâm lý phải cho con em vào học bậc ĐH bằng mọi giá, dù các em không có khả năng học. Đưa ra thông tin dự báo nhu cầu nguồn lao động kỹ thuật có kỹ năng nghề mà xã hội đang cần, để người dân nhận thức được tầm quan trọng của các bậc học khác như CĐ nghề, TC nghề... cũng như ý thức được đầu ra của các trường nghề có việc làm rất cao.
VĂN SƠN