Kỳ 1: Lặng lẽ nghề gác chắn tàu
Đêm cũng như ngày, họ luôn lặng lẽ để bảo đảm bình yên cho những chuyến tàu từ N am ra Bắc, từ Bắc vào Nam hay nhiều hơn thế chính là sự an toàn cho cả người đi đ ường. Ở đó, những người phụ nữ làm nghề gác chắn tàu (GCT) vẫn miệt mài, không quản nỗi vất vả của nghề để hoàn thành tốt công việc tưởng như nhẹ nhàng này.
Đồng hành cùng những chuyến tàu
Đến trạm GCT trên đường Nguyễn An Ninh, km 1706+534 (TX.Dĩ An) vào một buổi trưa nắng gay gắt của tháng 4 mới cảm thấy thương những người phụ nữ đang làm việc tại đây. Với gương mặt phờ phạc, đôi mắt mệt mỏi vì một đêm không ngủ canh ca trực của ngày hôm trước, cô Đinh Thị Linh (53 tuổi) mở đầu câu chuyện bằng câu nói: “Nghề này trách nhiệm nặng lắm cháu ơi!”. Và, trong suốt buổi trò chuyện không dưới 10 lần cô nhắc đến 2 từ “trách nhiệm” này.
Đều đặn mỗi ngày cô Linh, chị Hường đẩy gác chắn khi tàu sắp đến
Năm 42 tuổi cô Linh theo chồng từ Hà Nội vào miền Nam sinh sống, bắt đầu công việc gác chắn. Một ngày cô Linh đón hơn 40 chuyến tàu ngược xuôi và đẩy khoảng 80 lần hàng rào chắn nặng hàng trăm kg. Đối vời người phụ nữ ngoài ngũ tuần như cô Linh điều này thật không đơn giản chút nào, bởi vậy suốt quãng thời gian gắn bó với nghề giờ đây cô bị mắc chứng bệnh đau cột sống. Mỗi trạm gác chắn có 6 nhân viên, được bố trí luân phiên làm ca ngày và ca đêm, cứ 2 người trực 1 ngày. Mỗi ca làm 12 tiếng, từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng rồi được nghỉ 24 tiếng, có lúc thiếu người thì phải “gồng” cho nhau.
Buổi trò chuyện của chúng tôi liên tiếp bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại báo hiệu tàu sắp đến, cô Linh cùng người đồng nghiệp lại nhanh nhẹn chuẩn bị áo mũ hoàn thành việc đón tàu. Luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình, thế nhưng những nhân viên gác chắn như cô Linh luôn bị áp lực của người đi kiểm tra và trách nhiệm công việc. Cô Linh kể tiếp: “Ở đây hay có công an bên đường sắt đi tuần kiểm tra từng trạm chắn, nhất là công việc chắn tàu nếu có sai sót hay sự cố gì là dễ ăn cơm tù như chơi”.
Theo đúng quy định, mỗi chốt chắn nhân viên không được làm gì ngoài việc ngồi trực điện thoại từ tổng đài báo hiệu có tàu sắp đến, không tivi, không sách báo, không làm việc riêng và khi đã vào ca làm việc thì yêu cầu nhân viên không được rời khỏi vị trí. Làm ca đêm nên lúc nào cũng phải trong trạng thái tỉnh táo, tinh thần luôn ở mức cao độ để không xảy ra sai sót gì đáng tiếc, nhiều khi mệt và buồn ngủ lắm nhưng cô cũng không dám chợp mắt vì phải luôn túc trực điện thoại.
Với thâm niên 12 năm trong nghề nhưng tiền lương hàng tháng cô Linh nhận được chỉ 3,2 triệu đồng. Cô Linh cho biết: “Tiền lương không đủ tiền thuốc men, hàng tháng cô mất cả triệu tiền thuốc rồi, đủ các loại bệnh. 3 năm thì mới lên một bậc lương nhưng phải thi đậu thì mới được lên lương. 1 năm thi 2 lần, chẳng khác nào đi thi đại học vậy!”. Trong kỳ thi lên lương vừa rồi cô không đạt vì nói như cô “già rồi học gì nổi nữa”. Chị Nguyễn Thị Hường (32 tuổi) ngồi bên cạnh tiếp lời: “Chị làm từ năm 2005 đến nay lương vỏn vẹn 2,8 triệu đồng/tháng, không đủ tiền mua sữa cho 2 đứa con, chưa kể tiền học của tụi nó, lại còn tiền nhà trọ nữa”.
Những hy sinh với nghề
Là người phụ nữ - người “giữ lửa” trong gia đình, một khi đã gắn bó với nghề GCT thì họ phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Họ hầu như không có thời gian chăm lo cho bản thân, nhất là tổ ấm riêng của mình. Những bữa cơm quây quần bên gia đình dường như là điều hiếm hoi. “Nhiều khi không có thời gian nấu cho con bữa cơm đàng hoàng nữa, sáng ra toàn phải cho con tiền đến trưa ăn cơm bụi. Không có nhiều thì giờ bên con bảo ban, dạy dỗ cho tử tế”, cô Linh xót xa tâm sự. Càng thiệt thòi hơn khi ngày lễ, tết ai ai cũng nô nức trở về nhà sum họp, đoàn tụ, trang hoàng lại tổ ấm thì những phụ nữ GCT như cô Linh, chị Hường vẫn âm thầm với công việc, mọi việc trong nhà phó mặc hết cho người chồng . Lễ, tết với họ cũng chỉ là những ngày như bao ngày bình thường khác, vẫn làm việc đều đặn theo ca trực.
Chứng kiến ca trực của cô Linh và chị Hường, chúng tôi mới phần nào cảm nhận rõ nỗi vất vả, cơ cực cũng như tinh thần trách nhiệm của họ và càng chua xót hơn khi nghe cô Linh cười nói về khó khăn trong nghề: “Công việc này vất vả quen rồi cháu ạ!”. Thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, khói bụi của các phương tiện giao thông là điều bình thường. Dù trời mưa xối xả hay nắng như thiêu với họ cũng chẳng nệ hà. Có lẽ điều e ngại nhất với nhân viên GCT chính là ý thức chấp hành luật lệ giao thông cũng như thái độ của người đi đường. Cô Linh cũng cho hay việc bị dọa đánh xảy ra như cơm bữa, chỉ vì nhiều lúc người dân muốn vượt qua hàng rào chắn khi tàu chuẩn bị đến nhưng cô kiên quyết không cho. Vì cái tâm của con người và trách nhiệm với nghề nên dù có bị chửi cô cũng không thể làm ngơ để mặc cho mọi người muốn vượt thì vượt.
Ngày hôm đó, chúng tôi đã được chứng kiến một trường hợp tương tự. Dù hàng rào chắn đã được kéo qua, thấy tàu vẫn chưa đến, người phụ nữ đi trên chiếc xe máy sang trọng định rồ ga băng qua rào chắn giống người đàn ông phía trước nhưng bị cô Linh ra sức ngăn lại bèn buông lời lăng mạ: “Mày già rồi mà còn mê trai, cho thằng đấy đi qua còn tao thì không. Để cho người trẻ chửi cho không biết nhục…”. Người trẻ! Trẻ bằng con cô Linh nhưng lại có thể thốt ra những lời lẽ xúc phạm đến người khác đáng tuổi mẹ mình, chỉ vì phải chờ vài phút ngắn ngủi lúc tàu đi qua!
Ngồi trong trạm gác chắn cô Linh chìa cho tôi xem bàn tay trầy đỏ của mình vì cố ngăn người đàn ông vượt qua nhưng không được. Như còn đang hậm hực, người phụ nữ lúc nãy quay lại tiếp tục chửi và đe dọa. Gương mặt cô Linh vẫn bình thản vì đây không phải lần đầu tiên cô gặp chuyện như thế này, chỉ có tôi bâng khuâng nghĩ mãi về chuyện vừa rồi. Họ chỉ là những người phụ nữ cố gắng làm tròn công việc của mình!
Kỳ 2: Chuyện về người tuần đường
LAN HƯƠNG