Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Bình Dương có 14 nhà giáo (NG) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT).
Để có được danh hiệu cao quý này, các NG đã cống hiến sức lực, trí tuệ cho nền giáo dục tỉnh nhà. Dịp này, chúng tôi xin giới thiệu 3 trong số những NG tiêu biểu ấy.
NGƯT Lê Thị Hải: Nghiệp đang mang đó là nghiệp hạnh phúc
Trong số những cán bộ quản lý được phong tặng danh hiệu NGƯT trong năm nay, chúng tôi quan tâm nhiều đến cô Lê Thị Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên). Tuy ở địa bàn vùng xa, nhưng đây là ngôi trường có nhiều thành tích về phong trào thi đua dạy tốt - học tốt. Kết quả này có công đóng góp rất lớn của cô Hải, người đã “lèo lái” trường Tiểu học Bình Mỹ có được kết quả như ngày hôm nay.
Cô tâm sự, sau 10 năm là giáo viên đứng lớp, năm 1993 cô bắt đầu làm công tác quản lý. Trong quản lý luôn có những khó khăn buộc cô phải khéo léo giải quyết. Để giải quyết những vấn đề phát sinh, đồng thời cũng để từng bước củng cố và đưa nhà trường đi lên, bản thân cô luôn trăn trở suy nghĩ để tìm biện pháp giải quyết và cũng chính từ trong công tác quản lý đã giúp cô ngày một trưởng thành hơn. Xác định phong trào thi đua dạy tốt - học tốt là nền tảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi hoạt động của nhà trường, cô đã đẩy mạnh phong trào thi đua trong đơn vị. Mục tiêu đưa ra là xây dựng trường Tiểu học Bình Mỹ mạnh và vững về chất lượng. Cô đã cùng tập thể nhà trường chung tay nhau đưa trường đi lên. Từ sự đồng thuận của cả tập thể, sự phối hợp của cha mẹ HS, trường TH Bình Mỹ từng bước chuyển mình, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, năm học 2010-2011 trường đạt cấp độ 3 kiểm định chất lượng giáo dục. Đặc biệt trong 3 năm liên tục từ năm học 2011-2012, trường đạt danh hiệu đơn vị Lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng cờ thi đua là trường tiểu học tiêu biểu của 4 huyện phía bắc và bằng khen thực hiện phong trào: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008- 2013…
“Điều tôi hạnh phúc nhất đó là tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường tích cực, chủ động tự giác trong công tác thi đua, cùng góp phần cùng nhau xây dựng để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường, tạo sự tin tưởng đối với cha mẹ HS. Về bản thân, tôi đã cảm nhận, “nghiệp” mình đang mang đó là nghiệp hạnh phúc”, cô Hải tâm sự.
NGƯT Bùi Thị Bích Phượng: Hạnh phúc khi được làm nghề giáo
Sinh năm 1970 tại xã Bình Chuẩn, Thuận An (này là phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An), ngay từ khi còn rất nhỏ, cô giáo Bùi Thị Bích Phượng đã có một tình yêu đặc biệt với nghề dạy học. Để thực hiện ước mơ ấy, cô Phượng đã quyết định thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, cô Phượng được điều về giảng dạy tại trường Tiểu học Dĩ An và công tác tại đó cho đến nay đã được hơn 24 năm. Dù cuộc sống cũng gặp không ít khó khăn nhưng cô vẫn bám trụ với nghề và dạy thật tốt. Là giáo viên dạy lớp 4 nhiều năm liền, cô Phượng luôn ý thức tìm tòi, sáng tạo để mang lại những giờ học thật lý thú, sinh động và bổ ích trong mỗi tiết học.
Tình yêu nghề, yêu học trò của cô được thể hiện qua những nỗ lực không ngừng nghỉ. Sự hiền lành, chịu thương chịu khó, tận tụy với nghề nên cô luôn được phụ huynh và học sinh (HS) tin yêu, quý mến. Từ nhà cô đến trường học khoảng hơn 16km, nhưng trong suốt 20 năm, mỗi ngày cô Phượng vẫn chịu khó đi về trên chiếc xe đạp cọc cạch để dạy dỗ cho các em HS thân yêu. Đánh dấu cho những cố gắng đó, cô đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh nhiều năm liền; vinh dự và tự hào hơn là nhân dịp Ngày Nhà giáo VN 20-11 năm nay, cô Bùi Thị Bích Phượng được phong tặng danh hiệu NGƯT.
“Thời mình đi học, hình ảnh người thầy luôn để lại trong tâm khảm những ấn tượng vô cùng đẹp. Lớn lên, tôi đã không ngần ngại mà chọn nghề giáo. Càng dạy, tôi càng thấy yêu nghề, mến trẻ và hạnh phúc khi được sống với nghề mình đã chọn. Với tình thương yêu của phụ huynh và HS, với sự đồng cảm và giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp… tất cả bồi đắp trong tôi tình yêu nghề không gì thay thế được. Hơn 24 năm qua, lúc nào tôi cũng tự nhủ mình hãy cố gắng vượt qua mọi trở ngại để làm tốt nhất công việc được giao, để tạo nên một môi trường giáo dục hiệu quả cao. Tôi cũng mong xã hội tạo mọi điều kiện cần thiết để các thầy, cô giáo có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp “trồng người”, để nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý nhất”, cô Phượng tâm sự.
NGƯT Nguyễn Thành Phương: Dạy học là một nghệ thuật
Từ lâu, chúng tôi đã biết đến thầy Nguyễn Thành Phương, giáo viên trường THCS Nguyễn Viết Xuân (TP.TDM). Bởi thầy có lối giảng dạy riêng, thu hút học sinh (HS) yêu thích môn mỹ thuật. Không những vậy, thầy còn kịp thời phát hiện những HS có năng khiếu để bồi dưỡng các em dự thi các cuộc thi về mỹ thuật, nhiều năm học trò của thầy đoạt giải cấp tỉnh, quốc gia.
Mới đây nhất, chúng tôi đã được xem tiết dạy vẽ của thầy, chủ đề là cái chén và tách trà. Đâu chỉ đơn giản đưa đồ vật mẫu cho HS vẽ là đủ, thầy còn giáo dục các em biết bảo quản, giữ gìn đồ vật. Với lối dẫn dắt các em vào bài học một cách nhẹ nhàng, giúp HS cảm thấy thích thú và nhận ra môn học nào cũng quan trọng. Cách dạy của thầy Phương là vậy, thông qua vẽ tranh, thầy giáo dục HS về mọi mặt. Thầy quan niệm, người có tri thức phải biết cảm thụ cái đẹp, phải có lời nói đẹp, hành động đẹp, ứng xử với nhau đẹp. Thông qua môn học mỹ thuật, thầy mong muốn học trò của mình hội tụ những yếu tố ấy. Vốn có tâm và yêu nghề, thầy đầu tư công sức và tìm ra phương pháp giảng dạy riêng để thu hút HS.
Yêu nghề, thầy Phương say mê viết sáng kiến kinh nghiệm, đến nay thầy có 13 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Sáng kiến thầy tâm đắc nhất là: “Giáo dục tập tục, truyền thống tốt đẹp thông qua tiết vẽ tranh”. Thầy đã đưa HS đi thực tế ở đình Bà Lụa, HS thể hiện cảm nhận qua bức tranh vẽ những gì đã thấy tận mắt. Qua đây, thầy còn giáo dục HS về truyền thống, hiểu biết thêm về các di tích đình, chùa.
Nhận xét về thầy Phương, cô Trương Thị Hải, Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Viết Xuân nói, ngoài vai trò giáo viên dạy lớp, thầy còn là tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn, tổ trưởng tổ mạng lưới bộ môn mỹ thuật cấp thành phố và của sở. Ở vị trí nào thầy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng năm, thầy làm tốt công tác bồi dưỡng HS giỏi, hầu như năm nào cũng có HS đoạt giải cuộc thi “Nhành cọ non” cấp TP và cấp tỉnh. Ngoài ra, thầy Phương còn hỗ trợ bồi dưỡng HS cấp tiểu học. Từ sự nhiệt tình của thầy, từ năm 2009 đến nay HS đã đoạt được 2 giải nhất, 2 giải nhì về cuộc thi vẽ tranh “An toàn giao thông” cấp quốc gia.
H.THÁI - N.THANH