Thời gian qua, Bình Dương đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đến nay, mặc dù không phải là ngành kinh tế chủ lực, nhưng nông nghiệp vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh. Để công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn rất cần đội ngũ kế thừa có kiến thức, có khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại và bền vững.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật đòi hỏi phải có kiến thức mới đem lại hiệu quảVì mục tiêu phát triển thanh niên nông thôn (TNNT) trong thời kỳ công nghiệp hóa, từ năm 2007, Đoàn thanh niên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện một số chương trình hỗ trợ, giúp đỡ TNNT thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Qua đó đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức về sự phát triển nông nghiệp có quy trình bài bản trong TNNT. Một số TN thông qua các buổi tập huấn, đã nảy sinh ý tưởng phù hợp với điều kiện và lợi thế sẵn có của gia đình để phát triển kinh tế. Điển hình là những mô hình trồng nấm, trồng hoa, làm chậu kiểng, chăn nuôi heo, thỏ, nhím... mang lại giá trị cao, giúp TN hăng say với công việc làm nông, ổn định cuộc sống.
Tiếp tục phát huy những hiệu ứng tích cực đó, Đoàn TN cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên chương trình phối hợp để hỗ trợ TNNT bằng một chương trình cao hơn từ nay đến năm 2012. Theo đó, TNNT sẽ được cập nhật những kiến thức về chủ trương, chính sách pháp luật về phát triển NT, những tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật trong ngành nghề sản xuất; động viên TNNT tận dụng ưu thế sẵn có, vươn lên làm giàu chính đáng, hình thành một tầng lớp nông dân mới có kiến thức, tay nghề và năng lực quản lý, thích nghi kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, còn thực hiện hiệu quả khả năng đoàn kết tập hợp TN trên địa bàn NT, xây dựng một lực lượng TNNT vững mạnh, tiến bộ, không thua kém so với TN thành thị.
Để thực hiện được điều đó, hàng loạt chương trình cụ thể đã được xây dựng như thực hiện thành công ít nhất 1 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí NT mới tại địa phương; bổ sung, cập nhật kịp thời sách, tài liệu cho các tủ sách khoa học kỹ thuật đã xây dựng, phát triển thêm hàng năm ít nhất 20% tủ sách mới cho các cơ sở Đoàn ở khu vực NT, mở rộng đến đối tượng chi đoàn ấp; điều tra, khảo sát để có các biện pháp hỗ trợ giúp các hộ TNNT nghèo vươn lên ổn định cuộc sống; đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp về tận cơ sở... Đây sẽ là những định hướng về các mô hình sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó nhấn mạnh để chuyển dịch cơ cấu tăng chăn nuôi heo, bò, gà, phát triển cây dài ngày (cao su, ăn trái...), nuôi trồng thủy sản đối với các địa bàn ven sông; trồng rau an toàn, trồng nấm, rau mầm, nuôi cá kiểng, cây cảnh, phong lan... tại các vùng ven đô thị; nuôi nhím, heo rừng lai, thỏ, dê; nuôi cá sấu, lươn, rắn... tại các hộ TN.
Tại các địa bàn huyện, thị dần hình thành các mô hình điểm trình diễn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn mô hình, phương thức sản xuất - kinh doanh mới, tư vấn sản xuất nông nghiệp cho TNNT và cho các hoạt động tư vấn hỗ trợ TNNT làm kinh tế. Sau khi hình thành điểm sẽ gắn với tư vấn, giới thiệu, chuyển giao cho TN trong huyện đi học tập. Những TNNT sản xuất giỏi, các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác hỗ trợ chăm lo cho TNNT, công nghiệp hóa - hiện đại hóa NT sẽ được tuyên dương, khen thưởng cấp tỉnh vào dịp cuối năm, nhằm nêu gương và tạo môi trường học tập sôi nổi và hiệu quả lẫn nhau giữa những TNNT.
Với những động thái tích cực như vậy, tin rằng trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều những nông dân thời đại @... trên những vùng NT Bình Dương.
NGỌC TRINH