Vị tướng rừng xanh : Cuộc hội ngộ mang tính lịch sử

Cập nhật: 04-03-2014 | 00:00:00

>> Kỳ 1: Vị chỉ huy tài đức thống nhất lực lượng vũ trang kháng Pháp

>>Kỳ 2: Trận đánh La Ngà - Chiến công vang dội

Kỳ 3: Cuộc hội ngộ mang tính lịch sử

Cuộc đời hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc của vị tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ đã để lại những câu chuyện trở thành giai thoại về khả năng thu phục nhân tâm, sử dụng người tài, đặc biệt là khí phách hào sảng hơn người, tính gan dạ, trí dũng song toàn của ông Tám Nghệ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin gói gọn trong những mẩu chuyện đáng nhớ về thi tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ và những nhân vật lịch sử trong bối cảnh những năm tháng dầu sôi lửa bỏng của chiến trường Nam bộ trong giai đoạn 1945-1951.

 

Ông Huỳnh Văn Nghệ (bìa trái) cùng với tướng Nguyễn Bình (thứ hai, từ phải sang)

Thi tướng rừng xanh gặp đặc phái viên Nguyễn Bình

Nắng chiều xuân vào đầu tháng 3 như trải lối trên con đường dẫn vào nhà riêng của ông Mai Sơn Việt (tên thật là Mai Văn Song) hay còn gọi là Mai Thanh Chí, sinh năm 1922, ngụ trên đường Yersin, phường Phú Cường, TP.TDM, nguyên Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh (UBKCHC) huyện Đồng Nai thuộc chiến khu Đ (thời kỳ 1948), nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBKCHC huyện Tân Uyên (1949-1950), tiếp chúng tôi, đã 92 tuổi, nhưng người cán bộ lão thành cách mạng vẫn còn minh mẫn kể về thi tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ và những cuộc gặp mang tính lịch sử với tướng Nguyễn Bình cũng như thủ lĩnh quân đội Bình Xuyên là Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn). “Tôi vốn là người quê làng Thạnh Hội, Tân Uyên, dù nhỏ hơn anh Tám Nghệ 8 tuổi nhưng tôi biết khá rõ về cuộc đời cách mạng của anh ấy. Tôi biết anh Tám Nghệ vì anh ấy là bạn thân của ông Mai Ngọc Ánh - người anh, con của chú tôi và nhất là tôi từng là lính của anh Tám Nghệ ở Chi đội 10, có nhiều kỷ niệm gắn bó cùng vị tướng huyền thoại của nhân dân chiến khu Đ”.

Dừng lại đôi chút, nhấp ngụm nước lọc, ông Việt tiếp lời: “Cuộc Tổng khởi nghĩa vào tháng 8-1945 thành công đã khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, non sông thu về một mối. Tuy nhiên, nhân dân Việt Nam còn chưa vui trọn với niềm hạnh phúc chấm dứt 87 năm đô hộ, thì thực dân Pháp tiếp tục quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Hồ Chủ tịch, cả nước - trong đó có Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vào thời điểm này, tình hình nội bộ các lực lượng kháng chiến chống Pháp tại Nam bộ rất phức tạp, được nhiều nhà nghiên cứu xem như “thời kỳ thập nhị sứ quân”. Mỗi nhân vật lịch sử cát cứ một nơi, xây dựng lực lượng quân đội riêng, dù có chung lòng yêu nước và ý chí đánh Tây đuổi Nhật, nhưng lại có tâm thế, xu hướng khác nhau, đôi khi còn bị kẻ thù lợi dụng, chia rẽ, mâu thuẫn với nhau, không có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, các lực lượng kháng chiến tự phát lúc này vốn còn trong tình trạng nhen nhóm, gầy dựng đang đứng trước nguy cơ bị kẻ thù xé nhỏ, tiêu diệt dần dần.

Nhận biết được tình hình dầu sôi lửa bỏng đó, Hồ Chủ tịch và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cử Đặc phái viên Nguyễn Bình (tên thật là Nguyễn Phương Thảo, Tư lệnh chiến khu Duyên hải Bắc bộ - sau này gọi là Quân khu 3) vào Nam để thống nhất các lực lượng vũ trang kháng chiến, tập hợp dưới chung một ngọn cờ cách mạng, đi theo Đảng làm nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”.

Theo tài liệu lịch sử, địa phương mà đặc phái viên Nguyễn Bình (sau đó được phong hàm trung tướng vào năm 1949) chọn đặt chân đầu tiên để khảo sát tình hình chiến trường Nam bộ chính là Thủ Dầu Một và vị thủ lĩnh quân sự đầu tiên mà cựu Tư lệnh chiến khu Đông Triều tiếp xúc chính là Huỳnh Văn Nghệ - Chi đội trưởng Chi đội 10.

Theo tài liệu ghi chép của cố nhà báo, nhà văn Nguyên Hùng: “Đầu tháng 11-1945, Nguyễn Bình vào tới Nam bộ. Từ Thủ Dầu Một, đặc phái viên Trung ương qua Tân Uyên. Đây là một ngày lịch sử, Nguyễn Bình gặp Tám Nghệ. Đang cần gặp một chỉ huy địa phương để làm tham mưu thì gặp đúng Tám Nghệ. Qua phút trao đổi đầu tiên, hai bên đã hân hoan xem nhau như là “anh hùng tương ngộ”. Tám Nghệ trình bày tình hình Nam bộ từ khi Nhật đảo chánh Pháp cho đến lúc Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và ta cướp chính quyền đúng thời cơ. Sau đó, Tám Nghệ báo cáo với tướng Nguyễn Bình về tình hình thành lập căn cứ Tân Uyên với địa hình và vị trí chiến lược. Từ căn cứ đặt tại Lạc An chỉ cách Biên Hòa - Thủ Dầu Một và Sài Gòn - Gia Định trong vòng bán kính từ 30 - 40km với núi rừng trùng điệp ăn thông tới dãy Trường Sơn là một vị trí quân sự cực kỳ quan trọng, công thì tiến tới Sài Gòn, thủ thì lên tận cao nguyên Trung bộ, thật là căn cứ lý tưởng”. Nguyễn Bình đánh giá Tám Nghệ cao về khả năng quân sự, lại rất giỏi thơ phú, có tính cách mã thượng, khí phách của người chỉ huy. Ngược lại, với Tám Nghệ, Đặc phái viên Nguyễn Bình có tác phong chững chạc đường hoàng, có sức mạnh thuyết phục được người đối thoại, thể hiện uy dũng của một chủ tướng, lại rất yêu thích văn thơ, trọng nghĩa khí, đặc biệt cùng có chung tinh thần yêu nước mãnh liệt, nguyện cống hiến tất cả cho độc lập của Tổ quốc nên càng thấy hợp.

 

Tác giả đang trao đổi với ông Mai Sơn Việt, lão thành cách mạng từng là lính của ông Tám Nghệ

Cuộc thuyết khách ngàn cân treo sợi tóc

Cũng theo cố nhà báo Nguyên Hùng: “Sau hội nghị ở Bình Hòa, ngày 15-12-1945, Nguyễn Bình được chính thức giao chức tư lệnh Khu 7 và chuyển Bộ tư lệnh về Tân Uyên, mối giao du giữa hai ông Bình và Nghệ càng thêm khăng khít. Anh Tám Nghệ thường mời anh Ba về nhà mình ở Tân Tịch, kế bên cầu Rạch Rớ để bàn chuyện quân lẫn chuyện thơ. Cả hai đều say mê văn thơ nên đàm luận rất tâm đắc. Và chính tình đồng chí, tình bạn giữa hai nhân vật lừng danh của chiến trường Nam bộ này đã góp phần rất lớn trong việc giúp đặc phái viên nhanh chóng thống nhất các lực lượng vũ trang kháng chiến”.

Ông Mai Sơn Việt cho biết tiếp: “Tháng 7-1948, thi hành lệnh của UBKCHC Nam bộ, trong hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, Huỳnh Văn Nghệ một mình đến căn cứ Bình Xuyên, dùng lý lẽ và tình cảm thuyết phục được thủ lĩnh Bình Xuyên lúc bấy giờ là Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) về dự hội nghị, giúp Xứ ủy và UBKCHC Nam bộ giải quyết được “vấn đề Bình Xuyên”, rất gay go lúc bấy giờ. Thời điểm này, lực lượng Bình Xuyên rất mạnh, chiếm đến 5 chi đội (thời kháng Pháp được xem tương đương cấp trung đoàn), gồm: Chi đội 2, 3, 4, 7, 9, 21, 25 do Bảy Viễn chỉ huy, giữ chức Khu bộ phó thứ nhất. Tuy nhiên, do Bảy Viễn bị giật dây bởi hai tên thuộc hạ của phòng Nhì Pháp là Tư Sang và Năm Tài cùng các quan thầy của chúng là Maurice Thiên, Lâm Ngọc Đường, Savani nên sẽ rất nguy hiểm cho cách mạng.

Theo phân tích của ông Phạm Ngọc Thuần, Chủ tịch UBKCHC Nam bộ lúc bấy giờ, thì: “Lực lượng Bình Xuyên vốn thiện chiến, đang được Pháp biến thành chiến khu quốc gia ủng hộ Bảo Đại, là thành trì để chống lại Chính phủ của Hồ Chủ tịch”. Chính vì thế, lãnh đạo UBKCHC Nam bộ và tướng Nguyễn Bình (lúc này là Ủy viên Quân sự Nam bộ) đã quyết định sẽ tách Bảy Viễn ra khỏi chiến khu rừng Sác (Cần Giờ) bằng cách vinh thăng Lê Văn Viễn giữ chức Khu bộ trưởng Khu 7, yêu cầu phải về căn cứ Khu 7 (Đồng Tháp Mười) nhận chức. Tuy nhiên, Bảy Viễn đánh hơi được kế “điệu hổ ly sơn” này nên cương quyết không đi nhận chức khu trưởng, mà còn có biểu hiện xích lại gần hơn với Pháp. Mấy ngày trôi qua không thấy Bảy Viễn đánh điện trả lời, Nguyễn Bình đành cử Tám Nghệ vào hang ổ của Bảy Viễn thuyết khách.

Ông Huỳnh Kim Chung, cựu chiến sĩ Chi đội 10, nguyên là thư ký của ông Huỳnh Văn Nghệ, cho rằng: “Đây là chuyến đi thập tử nhất sinh, vì theo tài liệu lịch sử, Tư Sang và Năm Tài đã nhiều lần bố trí bẫy và 3 tay súng thiện nghệ bắn tỉa, “chăm sóc” Tám Nghệ suốt trên đoạn đường từ đầu căn cứ cho đến buổi diện kiến, nhiều lần manh động định bắn hạ “cánh tay phải của Nguyễn Bình”. Vậy mà với tài trí của mình, Tám Nghệ đã dũng cảm, khéo léo vượt qua các thách thức trên đường đi và cả 3 họng súng của kẻ thù để trổ tài thuyết khách, vận động Bảy Viễn đồng ý bỏ lại chiến khu rừng Sác, về Đồng Tháp Mười nhận chức Khu trưởng Khu 7. Nếu không có sự dũng cảm và tài trí của Tám Nghệ với chuyến đi thuyết khách “chín phần cầm chắc cái chết” đó thì cách mạng miền Nam sẽ phải hứng chịu nhiều tổn thất lớn khó tránh khỏi.

 Kỳ 4: Vị anh hùng trong lòng nhân dân Chiến khu Đ

 

 CHÍ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên