Vị tướng rừng xanh : Vị anh hùng trong lòng quân dân Chiến khu Đ

Cập nhật: 05-03-2014 | 00:00:00
Kỳ 1: Vị chỉ huy tài đức thống nhất lực lượng vũ trang kháng Pháp

Kỳ 2: Trận đánh La Ngà - Chiến công vang dội

Kỳ 3: Cuộc hội ngộ mang tính lịch sử

Kỳ cuối: Vị anh hùng trong lòng quân dân Chiến khu Đ

 37 năm kể từ ngày chiến sĩ - nhà thơ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Huỳnh Văn Nghệ không còn trên cõi đời, nhưng hình ảnh, câu chuyện đã trở thành giai thoại, nhất là phẩm chất đạo đức, phong thái của bậc chỉ huy lớn và những chiến công vang dội của ông vẫn sẽ tồn tại mãi theo năm tháng, giữ mãi trong lòng nhân dân Chiến khu Đ…

   Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (thứ hai từ trái qua) và các sĩ quan CHDC Đức

Ông Mai Sơn Việt, nguyên chiến sĩ Chi đội 10, nguyên Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh (UBKCHC) huyện Đồng Nai thuộc Chiến khu Đ (thời kỳ 1948), nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBKCHC huyện Tân Uyên (1949-1950) thuật lại: “Nói về anh Tám Nghệ thì hầu hết các thành viên của chiến sĩ Chi đội 10, nhất là những ai từng sống, chiến đấu và làm việc chung đều có thể kể cả ngày không hết về những chiến công, tinh thần hiệp nghĩa, ý chí cách mạng, tinh thần yêu nước của anh Tám. Chúng ta đã biết đến sự gan dạ, mưu trí, dũng cảm hơn người của anh Tám Nghệ qua 2 lần đến Rừng Sác - sào huyệt của lực lượng Bình Xuyên - để thuyết khách thủ lĩnh giang hồ Bảy Viễn, đang bị “bịt mắt, giật dây” bởi tay chân của phòng Nhì Pháp. Ngoài ra, còn phải kể đến khả năng thu phục nhân tâm và sử dụng nhân tài, vận động quần chúng rất tài tình, đối đãi với cấp dưới, cộng sự như người nhà của anh Tám Nghệ.

Khi giặc Pháp tái chiếm Nam bộ, tấn công vào Tân Uyên thì UBKCHC Nam bộ vận động nhân dân thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống” hay còn gọi là “tiêu thổ kháng chiến” với mục đích vừa ít tổn hao sinh mạng nhân dân, vừa không tạo điều kiện cho giặc cướp phá, trú đóng lại trên địa bàn. Để thực hiện chủ trương này thì nhân dân phải bỏ nhà, làng mạc rút về những địa điểm an toàn trước khi giặc Pháp càn quét đến. Nhưng với người dân luôn quan niệm “sống có nhà, thác có mồ”, căn nhà là cả tài sản, là nơi chôn giấu kỷ niệm với gia đình nên không dễ để người dân chấp nhận tiêu hủy nơi trú ngụ của mình để tuân thủ chủ trương kháng chiến. Muốn người dân nghiêm chỉnh chấp hành thì mình là lãnh đạo phải gương mẫu đi đầu. Chính tay anh Tám Nghệ đã nén lòng châm lửa đốt ngôi nhà của mình, đưa mẹ già, vợ và các con về nơi trú ẩn. Thế là bà con trong vùng cũng nhanh chóng làm theo mệnh lệnh của UBKCHC Nam bộ.

Theo câu chuyện của các đồng đội, chiến sĩ của ông Huỳnh Văn Nghệ kể lại: Vào một buổi trưa năm 1946, ông Tám Nghệ đang nằm trên võng tại một góc rừng Chiến khu Đ. Nhà thơ không ngủ được vì nhớ mãi Tiếng hát Quốc ca của người thương binh trưa ngày hôm trước đi ngựa công tác qua trạm quân y. Trong trạm có treo ảnh Bác, ảnh của một họa sĩ Nam bộ cắn ngón tay lấy máu mình vẽ hình Bác. Ảnh Bác mà người chiến sĩ thương binh nhìn lên để hát lúc chân đang bị cưa bằng cưa thợ mộc. Nhà thơ cả ngày như không yên được. Hôm ấy về, nhà thơ viết liền một mạch bài thơ vào cuốn Nhật ký chiến đấu để kịp chiều cùng đồng đội xuất kích. Một tháng sau Tiếng hát Quốc ca đăng ở Tạp chí Tiếng rừng và bộ đội rừng miền Đông đều chuyền tay nhau đọc thuộc. Một trưa trên đường miền Đông hành quân, bất ngờ trong trạm giao liên, một đồng chí thương binh đi chiếc chân giả đến ôm cứng nhà thơ, miệng lắp bắp không nói nên lời, hai mắt ướt long lanh. Nhà thơ biết đó chính là người chiến sĩ thương binh hát Quốc ca. Sau này, khi tập kết ra Bắc, ông Huỳnh Văn Nghệ đã nói với các đồng chí tại Đại hội Văn công toàn quân vào tháng 10-1954 tại thị xã Hà Đông, rằng: “Văn học nào mà không bắt nguồn từ nguyên mẫu của cuộc đời. Người chiến sĩ thương binh ấy là cái nguyên mẫu của bài thơ. Hồi ấy chuyện cưa chân, cắt tay bằng dao kéo thô sơ ở chiến trường Nam bộ nơi nào mà không có. Nhưng lại rất anh hùng, anh hùng đối với tôi”.    Đoàn viên, thanh niên thắp hương, viếng mộ thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Hiếm có nhà thơ - vị chỉ huy quân đội nào lại được nhân dân kính trọng như với thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết: “Hàng năm, vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, tại xã Thường Lang, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, luôn có hàng trăm đồng bào, chiến sĩ ở miền Đông tụ hội về để đốt nén nhang thơm tưởng nhớ đến Huỳnh Văn Nghệ - người anh hùng của quê hương, đất nước, Thi tướng của Chiến khu xanh. Ở miền Nam, không như miền Bắc, có rất ít lễ hội. Đám giỗ của một anh hùng, một nhà thơ đã trở thành lễ hội. Một lễ hội của nhân dân, của những người lính cũ ở Chi đội 10, của những bà con nông dân Tân Tịch, Mỹ Lộc (Tân Uyên), Biên Hòa, Vĩnh Cửu...

Năm nay, lễ hội này đông đảo bội phần, vì cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Huỳnh Văn Nghệ. Ba mươi sáu lễ giỗ đã qua, lần nào cũng vậy, đông đảo người đến thắp nhang viếng ông. Khi gia đình tổ chức giỗ nhà thơ ở căn nhà nhỏ nằm trên đường Hai Bà Trưng, TP.HCM, số người đến viếng đã lên đến vài chục. Hàng chục năm nay, lễ giỗ được tổ chức tại chính nơi ông ra đời và cũng là nơi yên nghỉ, số người về dự ngót nghét cả ngàn. Đám giỗ trở thành lễ hội, thật là hiếm có. Ngoài những bậc cán bộ lão thành hay đương chức cấp cao, còn có hàng trăm người là những cư dân bình thường của Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh… Họ không là thân thích nhưng từ lâu xem ông là ruột thịt. Họ đua nhau kể những huyền thoại, huyền tích về ông. Huyền thoại nào cũng đẹp, huyền tích nào cũng hấp dẫn, như thể họ là người trong cuộc. Anh Nguyễn Thành Được, Phó Bí thư Đoàn xã Thường Tân bộc bạch: Được sinh ra và lớn lên ở xã Thường Tân, quê hương của vị tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Nghệ, chúng tôi rất tự hào và cảm phục về tài năng quân sự, tài năng thi ca và công đức của ông. Với vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, noi theo con đường của các vị cách mạng tiền bối, trong đó có thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai: Tướng quân Huỳnh Văn Nghệ là nhà thơ - chiến sĩ cách mạng, AHLLVTND và là thi tướng kết tinh nhiều giá trị văn hóa, lịch sử trong lòng nhân dân, luôn được nhân dân tôn kính. Việc dựng tượng đá phù điêu nghệ thuật thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (tại Văn miếu Trấn Biên) có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của thi tướng, người con, người anh hùng của mảnh đất miền Đông và cả dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Dương Huỳnh Văn Nhị: Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là bạn chiến đấu cùng thời với thân phụ tôi. Tướng Huỳnh Văn Nghệ được Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu giao lập khu nghĩa quân Đất Cuốc tại quê hương Tân Uyên, Biên Hòa (nay là Bình Dương). Ông còn được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng Giải phóng quân Biên Hòa, cố vấn cho Ủy ban Kháng chiến miền Đông và nhiều trọng trách khác cho đến ngày mất. Là người Bình Dương, tôi luôn tự hào về vị tướng vừa giỏi sáng tác thơ văn, vừa chiến đấu anh dũng như thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó ban Liên lạc kháng chiến Thủ Biên: Anh Tám Nghệ là một chỉ huy mưu lược, tài giỏi rất mực thương yêu chiến sĩ. Những lúc đói cơm, thiếu gạo anh đều đồng cam cộng khổ như người lính, chia sẻ khẩu phần của mình cho người bị thương, chiến sĩ bị bệnh. Tôi luôn nhớ về anh Tám Nghệ- một vị chỉ huy tài đức, gương mẫu, dũng cảm; nhớ về một thủ trưởng luôn thương yêu, nâng đỡ đồng chí, cấp dưới như tình anh em.

 CHÍ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1146
Quay lên trên