Vị tướng rừng xanh : Vị chỉ huy tài đức thống nhất lực lượng vũ trang kháng Pháp

Cập nhật: 01-03-2014 | 00:00:00
Kỳ 1: Vị chỉ huy tài đức thống nhất lực lượng vũ trang kháng Pháp

 “Huỳnh Văn Nghệ vang danh một thủa/ Sả thân mình cứu nước non sông/ Không màng danh lợi tranh công/ Những người còn sống bây giờ nghĩ sao?”. Đây là những câu thơ của người dân tặng ông được viết lại tại khu đền thờ Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Ông là một nhà hoạt động cách mạng và là một chỉ huy quân sự nổi tiếng về tài thi ca. Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những đóng góp trong thời kỳ chống Pháp và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

   Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở chiến khu Đ

 Ông Huỳnh Hữu Phước (SN 1930), đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam nghỉ hưu được giao nhiệm vụ “ông từ giữ đền”, cho biết ông là con nuôi của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, đồng thời cũng là cháu gọi ông bằng chú ruột, vì cảm cái công người anh cả nuôi mình ăn học thành tài mất sớm, ông nhận con anh trai là ông Phước làm con nuôi. Ông từng nghe bà nội kể, ngày xưa mặc dù nhà nghèo, nhưng ông bà luôn cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn. “Ba Nghệ được cho đi học bậc tiểu học tại làng Mỹ Lộc, quận Tân Uyên và học rất giỏi. Nhờ đó, năm 1928, sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học, ba Nghệ giành học bổng bậc trung học của trường Petrus Ký. Sau khi ba lên Sài Gòn học ít lâu, ông nội tôi qua đời. Toàn bộ gia đình tôi trông nhờ vào bà nội buôn bán nhỏ và người anh làm thầy giáo ở quê nhà”, ông Phước nhớ lại.

“Gần đèn thì sáng”, sống với một người hết lòng vì cách mạng, bản thân ông Phước được ba nuôi Tám Nghệ truyền tinh thần yêu nước và dẫn theo từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Ông Phước kể lại, một lần ông cùng ba nuôi từ Nam ra Bắc hoạt động cách mạng, trên đường di chuyển bằng xe đạp, ông hay hét lớn lên để mọi người tránh đường. Ông Tám đã nhắc nhở, các con đường đều do dân làm, mình là người đi phải biết tôn trọng không nên hét lên như vậy. Một lần khác, đi cùng ba thăm các chiến sĩ hoạt động tại Chiến khu Đ, thấy anh em thiếu ăn, thiếu mặc, ba rơi nước mắt và động viên anh em cố gắng vượt qua khó khăn để đánh giặc, giành hòa bình cho đất nước.

Bà Hồ Thị Hoa, cán bộ lão thành cách mạng (xã Tân Mỹ, Tân Uyên) cho biết: Trong quá trình tham gia cách mạng, tôi từng nghe đồng đội kể lại, ông Tám Nghệ là người rất gần gũi với dân. Mặc dù, hoạt động cách mạng, giữ trọng trách lớn nhưng gặp ai ông đều chào hỏi rất vui vẻ. Ông rất mê sáng tác thơ, nên ông làm thơ, viết văn trên chiến hào, trong lễ truy điệu liệt sĩ, trong đám tang người nghèo… Ông là một trong những người con điển hình của dân tộc ở mảnh đất phương Nam. Ông không chỉ đi chiến đấu mà bằng năng lực bẩm sinh dùng văn thơ của mình biểu hiện tấm lòng, ý chí tình cảm của người phương Nam với nguồn cội”.

Ông Tám Nghệ chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước của gia đình, nên từ thời đi học ông thường có thái độ bài Pháp. Năm 1932, ông bắt đầu làm thơ, viết báo (tiếng Việt, tiếng Pháp) đăng trên các báo ở Sài Gòn với bút danh Hoàng Hồ. Năm 1937, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất. Năm 1940, khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra và bị chính quyền thực dân đàn áp khốc liệt. Vì là một đảng viên bí mật nên ông không bị bại lộ. Nhưng do việc thường xuyên tiếp tế cho một bộ phận nghĩa quân rút về lập căn cứ ở Tân Uyên, năm 1942, ông bị phát hiện và bị truy bắt. May mắn là ông kịp đào thoát sang Thái Lan. Tại đây, ông hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, tổ chức xuất bản tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi kiều bào hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng. Năm 1944, ông trở về nước bắt liên lạc với Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và được giao lập khu nghĩa quân Đất Cuốc tại quê hương Tân Uyên, Biên Hòa.    Ông Huỳnh Văn Nghệ bên nền nhà cũ ở Tân Tịch, nơi tập kết đầu tiên của Vệ quốc đoàn Biên Hòa tháng 10-1945

Tháng 7-1945, lần thứ hai ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, thủ lĩnh thanh niên tiền phong tại Biên Hòa. Với cương vị mới, tháng 5-1946, ông triệu tập hội nghị quân sự tỉnh Biên Hòa tại Xóm Đèn (xã Tân Hòa, Tân Uyên, Biên Hòa). Hội nghị đã đề ra 2 vấn đề thể hiện được tư tưởng và tầm nhìn của ông: Nhập Vệ quốc đoàn Châu Thành với Vệ quốc đoàn Biên Hòa thành một đơn vị vũ trang thống nhất của tỉnh, lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hòa; xây dựng căn cứ kháng chiến lấy tên Chiến khu Đ trên cơ sở 5 xã Mỹ Lộc, Tân Hòa, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An. Tháng 6-1946, Bộ chỉ huy Khu 7 quyết định thành lập Chi đội 10 Biên Hòa trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị Vệ quốc đoàn Châu Thành với Vệ quốc đoàn Biên Hòa. Huỳnh Văn Nghệ trở thành Chi đội trưởng đầu tiên của đơn vị. Chiến khu Đ chính thức thành căn cứ kháng chiến.

Ông Lê Văn An (SN 1937, xã Thường Tân, Tân Uyên), nói: “Tôi nghe anh trai Lê Văn Trà (SN 1924), lính theo chân ông Tám kể lại, để tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang, ông Tám Nghệ rất quan tâm đến công tác chỉ huy, tổ chức, huấn luyện quân đội. Thông qua nghiên cứu, học tập và trải nghiệm trong chỉ huy và chiến đấu, ông Tám chính là người soạn các giáo trình giảng dạy, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ Chi đội 10. Trong đó, có những bài huấn luyện về hành quân, hành quân đêm, giữ bí mật hành quân, phục kích, giao thông chiến…”.

Theo phân tích của thạc sĩ Trần Quang Toại, Tổng Thư ký Hội Sử học Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai trong tham luận khoa học “Vai trò Huỳnh Văn Nghệ trong việc thống nhất lực lượng vũ trang ở Biên Hòa và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam bộ (1945-1954)”: Trong tình hình chính quyền cơ sở chưa mạnh, để tạo điều kiện cho bộ đội hoạt động có hiệu quả, chính Huỳnh Văn Nghệ là người có sáng kiến thành lập các quận quân sự, sau đó chuyển thành các ban công tác liên thôn. Chính những ban công tác liên thôn giữ vai trò rất lớn trong các hoạt động tác chiến của Chi đội 10 Biên Hòa, bảo đảm công tác trinh sát, giao liên, hậu cần, chuẩn bị địa bàn tác chiến cho lực lượng, diệt tề trừ gian, nâng thế làm chủ của quần chúng nhân dân.

 Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2-2-1914, tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, Bình Dương), trong một gia đình nghèo. Thân phụ của ông là ông Huỳnh Văn Tờn. Ông Tờn là người khẳng khái, mặc dù chính quyền thực dân cấm, ông vẫn lén lút dạy võ cho thanh niên trong làng và từng được hương chức làng mời ra làm hương tuần nhưng ông không nhận. Thân mẫu ông là bà Đoàn Thị Hiển, làm nghề gánh hàng bán cau khô, vải, nước mắm, thường đi chợ Tân Uyên để mua hàng về bán cho các làng lân cận như Tân Hòa, Mỹ Lộc... Ông Huỳnh Văn Nghệ là con thứ 7 trong gia đình nên còn gọi là Tám Nghệ.

Những sáng tạo của Huỳnh Văn Nghệ trong tổ chức và xây dựng 3 lực lượng tạo tiền đề hình thành 3 thứ quân (chủ lực, địa phương, dân quân du kích) ở Biên Hòa từ cuối năm 1947 khi hệ thống Tỉnh đội dân quân được thành lập. Về tác chiến, chỉ đạo tác chiến, ông là người nắm bắt được chủ trương chiến lược của Trung ương, đồng thời vạch ra được kế hoạch cho tác chiến vũ trang ở địa phương góp phần to lớn thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng.

Hiện nay, để tưởng nhớ đến Thi tướng, không chỉ đường phố, trường học của tỉnh Bình Dương mang tên ông mà Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức đúc tượng đồng và trân trọng làm lễ đặt tượng tại quê hương ông. Tại TP.Biên Hòa cũng có con đương mang tên ông. Tỉnh Bình Dương đã quyết định thành lập giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ. Còn tại TP.Hồ Chí Minh có con đường mang tên ông ở phường 15, quận Tân Bình. Cuộc đời ông cũng được hãng TFS dựng thành phim truyền hình 37 tập “Vó ngựa trời Nam”…  

 Kỳ 2: Trận đánh La Ngà - chiến công vang dội

 TỐ TÂM
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1013
Quay lên trên