Sáng 27-10, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã công bố chip vi xử lý 32-bit VN1632. Đây là bước tiến mới của Việt Nam trong việc thiết kế thành công chip vi xử lý với công nghệ IBM 0.13 um.
Chip VN1632 là một trong những sản phẩm thuộc đề tài “Nghiên cứu, phát triển phương pháp thiết kế và chế tạo chip vi xử lý kiểu RISC” được thực hiện trong 30 tháng từ 1-12-2007 đến 31-5-2010
Tìm hiểu về chip vi xử lý 32-bit VN1632.
Trước đây nhóm nghiên cứu đã thành công với sản phẩm chip 8-bit VN8-01 ứng dụng trong các hệ thống mạch dân dụng, chuyên biệt thì với sự ra đời của 32-bit VN1632 sẽ đáp ứng yêu cầu của các hệ thống điều khiển phức tạp, đòi hỏi tốc độ cao như trong điện thoại di động, mã hóa/giải mã dữ liệu, thiết bị truyền thông, xử lý ảnh…
Thạc sĩ Ngô Đức Hòa, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Sau khi nhận được chip từ nhà máy, chúng tôi đã tích hợp chip VN1632 trong sản phẩm mẫu khung ảnh điện tử. Bên cạnh đó còn đưa vào thiết kế sản phẩm KIT thí nghiệm DE VN1632 nhằm phục vụ nghiên cứu, giáo dục.
Tuy nhiên nếu so giữa chip VN1632 với chip VXL 32-bit của Toshiba thì ngoài những ưu điểm vẫn còn một số nhược điểm như thiếu phần tiết kiệm năng lượng, vòng khóa pha, đơn vị quản lý bộ nhớ. Thời gian tới cần cố gắng nghiên cứu hơn để làm sao ngày càng có nhiều sản phẩm chip do chính Việt Nam sản xuất, ông Hòa nhấn mạnh.
Được biết bên cạnh các dự án sản xuất chip, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đang hướng đến phát triển thư viện lõi IP để chào bán trên các sàn giao dịch quốc tế theo xu hướng kinh doanh công nghệ vi mạch của thế giới, đồng thời tích hợp các lõi IP này vào trong các hệ thống lớn hơn.
Theo Dân Trí