Một đô thị chỉ thực sự văn minh khi cư dân biết ứng xử có văn hóa, biết bảo vệ và chăm lo cho môi trường sống, biết hy sinh vì lợi ích của cộng đồng...
Từ những hành động văn minh...
Những ngày cuối năm, nắng vàng đã bớt rực rỡ, nhường chỗ cho những cơn mưa phùn bay lất phất, cảm xúc nhẹ nhàng cứ thế trôi qua. Gác lại bao nỗi lo toan của cuộc sống đời thường, chúng ta cùng lắng nghe âm thanh nhộn nhịp của những ngày cuối năm với những vẻ đẹp bình dị quanh mình.
Dắt đứa con trai đi bộ trên phố đi bộ Bạch Đằng dạo chơi, em bé hơn 3 tuổi mới uống xong hộp sữa rồi tiện tay vứt xuống đường. Người mẹ trạc 30 tuổi vội nói: “Không được con ơi, mình phải bỏ rác vào thùng rác”. Vừa dứt lời, chị dắt đứa con trai đến lượm ngay vỏ hộp, tiến gần đến thùng rác gần đó để bỏ vào. Người mẹ mà chúng tôi chứng kiến đó là chị Nguyễn Thị Lợi, ngụ khu phố 5, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một.
Mô hình “đổi rác lấy quà tặng” của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một đã góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lợi nói: “Tôi muốn tập cho con thói quen vứt rác đúng nơi, đúng chỗ từ nhỏ. Những hành động thường ngày mà trẻ nhìn thấy có tác động rất lớn với nhận thức của trẻ con. Các em rất dễ bắt chước và hình thành nên nhận thức, thói quen. Rác thải luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Do đó, ngay từ nhỏ, tôi muốn giúp con nhận thức về điều này”.
Cũng từ những hành động nhỏ về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, bà Trần Thị Chung (khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) luôn giữ cho mình thói quen sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài ngõ. Dù bận công việc đi làm cho một quán ăn, nhưng sáng sớm, bà vẫn giữ được thói quen dậy từ 5 giờ sáng để dọn dẹp phần đường trước nhà và những khu vực lân cận; rác thải được bà phân loại và bỏ đúng nơi quy định. Những vỏ lon, chai nhựa được bà nhặt riêng. Với bà Chung, việc xây dựng nếp sống văn minh bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy.
Ông Dương Phước Trà, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp, cho biết: “Một điều dễ nhận thấy, đó là người dân nơi đây đã hình thành ý thức tự giác, tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh bằng những việc làm cụ thể như giao tiếp ứng xử lịch sự, văn minh trong gia đình, nơi công cộng; quan tâm, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau và tích cực giữ gìn nhà sạch, con hẻm sạch...”.
… đến những điển hình
Để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình, MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Từ đó, bộ mặt đô thị nhiều nơi đã thay đổi, ngày càng khang trang, nhiều điểm được cải tạo, xây dựng thành khu vui chơi, sân tập thể thao; nhiều công trình hẻm xanh - sạch - văn minh cũng được thực hiện, những con đường sỏi được bê tông hóa với hệ thống chiếu sáng... trên khắp các huyện, thị, thành phố.
Từ mô hình “sáng - xanh - sạch - đẹp”, người dân trên địa bàn thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên đã tự nguyện đóng góp để trang bị hệ thống chiếu sáng
Ông Trần Tá (khu phố 8, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một), thành viên trong mô hình Tổ xe ôm “Vì đô thị văn minh” của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh đòi hỏi phải xây dựng được những cư dân văn minh, những con người văn minh”. Từ quan điểm đó, dù chỉ là người hành nghề xe ôm, nhưng ông Trần Tá luôn có những hành động đẹp, cư xử văn minh nhằm xây dựng hình ảnh công dân gương mẫu.
Ông Tá tâm sự: “Là người có nhiều năm chở khách, trong đó có những phạm nhân ra tù, hoàn lương, nên tôi biết được nhiều câu chuyện lỡ lầm của những thanh niên do bồng bột. Trên những cuốc xe ôm hàng ngày, tôi thường tâm sự, kể lại những câu chuyện như thế với những khách hàng trẻ tuổi. Chắc những câu chuyện thế này, sẽ giúp họ rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình. Vừa đi, vừa nói chuyện trên chuyến xe là cách mà tôi muốn gửi gắm đến họ những thông điệp gần gũi”.
Là người tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường, ông Nguyễn Huỳnh Thanh (ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) được người dân trong vùng thường gọi là ông Tám Thanh. Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng và mở rộng đường giao thông nông thôn, ông Tám Thanh đã không ngần ngại bỏ 400 triệu đồng để làm một con đường có chiều dài 6km. Năm 2015 và 2018, ông tiếp tục bỏ hơn 500 triệu đồng để tu sửa, nạo vét các con đường liên ấp.
Ông Thanh cho biết: “Ngoài tự bỏ tiền để làm đường, gia đình tôi đã hiến hơn 1,3 mẫu đất vườn để làm đường giao thông nông thôn, phục vụ dân sinh. Việc tự nguyện đóng góp tiền của, đất đai cũng là một cách để cùng chính quyền địa phương chăm lo cho người dân. Cùng nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở vùng quê này...”.
Có thể nói, những việc làm, những cá nhân điển hình trên cho thấy, việc tạo lập, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh là việc không quá khó nếu biết làm cho mọi người dân đều hiểu rằng, nếp sống đẹp, văn minh phải được xây dựng từ thói quen nhỏ, từ những việc làm đúng của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trong khu dân cư. Một đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp dần định hình khi nếp sống văn minh trở thành ý thức thường trực trong mỗi người, trở thành việc làm thường xuyên, dù là nhỏ nhất.
Điều này cũng minh chứng rằng, hoạt động MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện vai trò nòng cốt tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy được các nguồn lực trong nhân dân, huy động sức dân nhằm thay đổi diện mạo nông thôn mới, đô thị ngày càng văn minh…
► Ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống MTTQ từ thành phố đến phường triển khai thực hiện tốt các nội dung của đề án nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” giai đoạn 2021- 2025; trong đó tập trung xây dựng thành phố “3 không”, “4 tốt”, “người công dân 5 gương mẫu”, con người đất Thủ “nhân ái, nghĩa tình, ứng xử văn minh”, xây dựng thành phố “xanh, sạch, đẹp, an toàn”… ► Theo bà Võ Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Tân Uyên, thực hiện đề án “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh”, MTTQ huyện đã chỉ đạo MTTQ cơ sở thực hiện giải pháp tuyên truyền cụ thể. Thời gian tới, MTTQ cấp cơ sở tiếp tục vận động bằng việc phát động các phong trào, các đợt thi đua cao điểm; tổ chức vận động, giao cho hộ dân, từng khu, ấp đảm nhận chăm sóc, bảo quản cây xanh trồng trước nhà, vỉa hè, hành lang đường bộ, kênh rạch; huy động xã hội hóa các công viên, vườn hoa, lắp đặt đèn chiếu sáng, camera an ninh trên một số tuyến đường chính... |
HUỲNH THỦY