Viện nghiên cứu cao su Việt Nam: Cái nôi “luyện vàng trắng”

Cập nhật: 25-05-2013 | 00:00:00

Hiện tại, cả nước có 6 vùng chuyên canh cây cao su. Trong đó, ngoài vùng truyền thống (Đông Nam bộ) các khu vực như Tây nguyên, Trung bộ, Bắc bộ... cũng được thúc đẩy phát triển loại cây công nghiệp này. Để có được những cây giống có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nhiệt của các vùng khí hậu nói trên, cán bộ, nhân viên Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã ngày đêm miệt mài với công tác chọn tạo giống mới.

Gian nan con đường tìm giống...

Khởi đầu với 3.539 dòng vô tính (giống) - chủ yếu lấy từ quỹ gen nguyên thủy ở rừng Amazon mỗi năm, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam lai tạo, chọn lựa ra được từ 500 đến 1.000 giống mới. Tuy nhiên, để chọn lựa ra được những giống ưu việt, các nhà nghiên cứu đã phải bỏ ra không ít công sức, thời gian. Lạ thay, thời gian không những không làm sờn lòng những cán bộ, nhân viên ở đây, mà ngược lại, đó còn là động lực thúc đẩy họ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu lai tạo những giống cao su có khả năng chống chịu thời tiết, kháng bệnh và cho năng suất cao

Để lai tạo ra những cây giống có khả năng chịu đựng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của từng địa vùng canh tác, các nhóm nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu cao su đã không ít lần lặn lội đến các vùng trồng cao su lâu năm như Brazil, Malaysia, Ấn Độ... Tại đây, các nhà nghiên cứu Việt đã tìm được những quỹ gen ưu việt về các đặc tính kháng lạnh, kháng gió, kháng hạn và chống chịu bệnh tật tốt để đưa về nước thực hiện công tác lai tạo.

Theo tiến sĩ Trần Thanh, Phó Bộ môn Giống thuộc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, cao su là loài cây có tính đặc thù riêng nên quy trình phát triển lai tạo, trồng trọt và chăm sóc cũng không hề dễ. Theo ông Thanh, cứ mỗi 5 năm, theo sự biến đổi của thời tiết, năng suất và sức chống chọi của cây cao su có thể thay đổi. “Đó chính là lý do chúng tôi không bao giờ cho phép mình ngưng nghỉ. Một chút sơ suất, lơ là cũng có thể làm cho ngành cao su trong nước gặp phải khó khăn lớn”. Trong buổi tiếp xúc chiều ngày 21-5, chúng tôi được nghe vị tiến sĩ trẻ tuổi này chia sẻ khá nhiều kinh nghiệm về nghề nghiên cứu lai tạo giống cao su. Theo đó, để cho ra đời một cây giống, phải trải qua khá nhiều công đoạn như chọn giống bố mẹ, lai tạo thế hệ F1, tuyển non, sơ tuyển, chung tuyển, sản xuất thử... tất cả những công đoạn trên ngốn hết gần nửa đời người nhưng cũng chưa chắc đã có kết quả như ý.

Theo kết quả từ viện nghiên cứu cung cấp, mỗi năm, viện này nghiên cứu và lai tạo thành công từ 500 đến 1.000 dòng vô tính (giống mới). Tuy nhiên, trải qua các giai đoạn sàng lọc, số gen mới được tích lũy vào quỹ gen của viện chỉ là 5 - 10 dòng vô tính. “Có thể con số trên là quá ít, nhưng chúng tôi tin chắc rằng đó sẽ là những giống có sức đề kháng tốt và mang lại năng suất cao”, ông Trần Thanh khẳng định.

Nguồn thu chính của nhiều hộ nông dân ở Đông Nam bộ là “vàng trắng”

“Tổng đài” của người trồng cao su!

Trong năm 2012, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã cung cấp cho các vùng chuyên canh cao su trong nước, Lào và Campuchia hơn 2,1 triệu tum bầu (tên gọi cây giống cao su), trong đó, riêng vùng núi phía Bắc chiếm hơn 1,5 triệu cây giống. Ở vùng chuyên canh cao su truyền thống Đông Nam bộ, ngoài việc cung cấp cây giống cho các doanh nghiệp trong ngành, viện còn nhiệt tình cung ứng những chủng loại giống tốt cho tiểu điền. Theo thống kê, số lượng tiểu điền trồng cao su tìm đến nhờ tư vấn và mua giống trong 5 tháng đầu năm 2013 đã tăng vượt trội so với cùng kỳ năm trước. “Sự tin cậy của bà con là động lực giúp những người làm nghiên cứu như chúng tôi vững tâm hơn”, ông Trần Thanh nói

Đối với người trồng cao su ở Đông Nam bộ, đặc biệt là ở Bình Dương, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam từ lâu đã là nơi quen thuộc, mỗi khi cần giống hay nhu cầu tư vấn về các vấn đề kỹ thuật và bệnh lý của cây cao su, họ đều đến các cơ quan trực thuộc viện. Kể về những cán bộ, nhân viên ở Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quang (xã Trừ Văn Thố, Bến Cát) cho biết. Trước đây, ông thường chọn mua giống ở ngoài, nhưng thấy sức đề kháng yếu, sâu bệnh liên miên nên “đánh bạo” vô Trạm thực nghiệm cao su Lai Khê (cơ quan thuộc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam - PV) hỏi. “Vô đó, mấy anh chị hướng dẫn nhiệt tình lắm, họ còn tư vấn cho tui về cách nhận diện chủng loại cao su nữa”. Sau khi được các cán bộ, nhân viên Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam tư vấn, ông Quang trở về nhà tìm giống cao su phù hợp để trồng mới trên diện tích đất trống của nhà. Tuy nhiên, khi đến các vườn ươm tư nhân lại không tìm thấy giống tốt, nên ông Quang quay trở lại viện hỏi tiếp. “Đến mấy vườn ươm họ nói đó là giống RRIV 124 (giống cao su khuyến cáo trồng ở vùng Đông Nam bộ), nhưng theo nhận diện thì không phải. Để an toàn tôi vô trong viện mua giống luôn”, ông Quang nói tiếp.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày các cơ quan trực thuộc viện gồm Bộ môn Giống, Bộ môn Sinh lý Khai thác, Bộ môn Bảo vệ thực vật, tiếp hàng trăm lượt khách đến nhờ tư vấn về các vấn đề liên quan đến cây cao su. Được biết, những người dân đến đây thường thắc mắc về năng suất mủ, nấm bệnh và phương thức chăm sóc cây... Trở ra sau khi vào Trạm thực nghiệm Cao su Lai Khê “hỏi thăm” về vấn đề nấm hồng ký sinh trên cây cao su với khuôn mặt tươi tắn, ông Trần Văn Khương (xã Tân Long, Phú Giáo) khẳng định: “Có đến đây mới biết mình lạc hậu, khoa học phát triển vậy mà hồi đó giờ mình không biết ứng dụng”.

Tiếp xúc với một số hộ dân trồng cao su ở xã Minh Thạnh, Dầu Tiếng (địa phương có năng suất mủ cao) chúng tôi được biết, đa số giống cây trồng ở đây đều được sự tư vấn hoặc mua từ Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam. “Ngày đầu tôi thích trồng giống RRIM 600, nhưng các cán bộ ở đó bảo là nên trồng RRIW 124, ban đầu tôi còn cãi, nhưng sau khi nghe phân tích thấy hợp lý nên tôi về mua giống RRIW 124 trồng”, ông Danh Quang, một trong những chủ hộ cao su tiểu điền có tiếng ở đây kể lại chuyện đi tìm giống. “Cũng may lúc đó không mua giống RRIM 600 (giống khuyến cáo trồng ở vùng Tây nguyên 2 (độ cao từ 600 - 700m) chứ không thì giờ phải nhổ lên trồng lại hết”.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=658
Quay lên trên