Ngày 1-8, nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt áp dụng viện phí mới. Trải qua hơn nửa tháng thực hiện giá viện phí mới tại một số bệnh viện tuyến TƯ, nhiều người bệnh phàn nàn, tiền đóng thêm mà chất lượng vẫn như cũ.
Tiền đóng cao bệnh nhân vẫn phải nằm ghép
Dù việc tăng viện phí đã rục rịch trước đó cả năm, nhưng đến thời điểm này mới có chính thức 5 bệnh viện tuyến TƯ gồm BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Huyết học - Truyền máu TƯ, BV K (Hà Nội) và BV Việt Nam - Uông Bí (Quảng Ninh), một số bệnh viện tuyến tỉnh Bắc Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Ninh Thuận... đã phê duyệt và đi vào thực hiện.
Chờ đợi chen chúc đến lượt đăng kí khám bệnhTại Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện hạng 2 trực thuộc Bộ Y tế quản lý đã áp dụng giá viện phí mới cho 180 dịch vụ từ ngày 16-7. Theo đó, những bệnh nhân điều trị trước ngày 16-7 vẫn được thu giá cũ, còn nhập viện sau ngày này đã được áp dụng giá mới. Bệnh viện Bạch Mai thực hiện điều chỉnh giá 447 dịch vụ cũng từ ngày này, còn tại BV K, giá thu viện phí mới được triển khai muộn hơn 4 hôm (20-7).
Các bệnh viện này có mức thu viện phí mới chiếm khoảng 95% so với khung giá Bộ Y tế ban hành. Một số mức tăng thấy rõ như hiện tại giá khám bệnh có điều hòa và không có điều hòa lần lượt là 20.000 đồng và 18.000 đồng, trong khi giá khám cũ chỉ có 3.000 đồng. Tương tự giá một ngày nằm giường hồi sức cấp cứu, chống độc là 150.000 đồng có điều hòa và 145.000 đồng không có điều hòa (chưa tính chi phí máy thở) trong khi trước đây chỉ có tối đa là 12.000 đồng. Tiền giường nội khoa tăng từ 10.000 đồng lên 70.000 đồng…
Trước câu hỏi, đã thu giá viện phí mới với mức cao hơn, chất lượng dịch vụ có tăng lên? Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, khẳng định: “Khi viện phí được điều chỉnh thì các BV phải nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ ở đây không chỉ là thời gian chờ đợi ngồi khám (bởi các bệnh viện vẫn rất quá tải) mà là mang lại giá trị điều trị cho người bệnh khi một phần số tiền thu được từ viện phí này được tái đầu tư cho cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh của BV. Như vậy, chất lượng khám chữa bệnh chắc chắn là tốt lên”.
Ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Trong quý ba năm nay, hầu hết các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ đưa viện phí mới vào áp dụng.
Dự kiến sau khi thực hiện 6 tháng, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện. Nếu thấy khu vực khám bệnh nào chưa đạt yêu cầu thì khả năng sẽ phải hạ giá xuống.
Tại BV Bạch Mai, Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Giám đốc BV Bạch Mai khẳng định, để chuẩn bị cho việc thu giá viện phí mới, bệnh viện đã cố gắng để có chất lượng phục vụ, điều trị cho bệnh nhân có thể tốt nhất như nâng cấp cơ sở vật chất: chi 20 tỷ để sửa chữa khoa Khám bệnh, nâng số phòng khám lên gấp đôi thành 60 phòng, trang bị toàn bộ hệ thống điều hòa đến các buồng khám bệnh này, nơi ngồi chờ của bệnh nhân cũng được sửa chữa cho tươm tất…. Củng cố lại hệ thống công nghệ thông tin, trang bị tất cả phòng khám đều có máy tính, máy in, màn hình để thông báo số thứ tự của bệnh nhân, đặc biệt cải cách hành chính và quy trình khám chữa bệnh một chiều cho bệnh nhân. Tăng số kênh phục vụ lúc cao nhất lên 30 kênh (kênh tiếp đón) để giảm thời gian xếp hàng chờ đợi của bệnh nhân. Đầu tư gần 30 tỷ nâng cấp, sửa chữa buồng bệnh, lắp đặt hệ thống điều hòa, mua thêm máy thở… đều là những thứ thiết yếu cho người bệnh
Tuy nhiên, do vừa sửa vừa phục vụ khám chữa bệnh nên người bệnh sẽ phải gánh thêm một số bất tiện khi đi khám bệnh bởi khoa phòng bụi bặm, chỗ ngồi chờ đợi hiếm hoi… trong khoảng 1 tháng nữa. Về thời gian khám bệnh cũng chỉ giảm được vài tiếng (từ 7-8 tiếng xuống còn 4-6 tiếng) và không có người phải chờ khám đến hôm sau. Ngoài ra, số giường bệnh vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu, tại Viện Tim mạch, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu… người bệnh vẫn phải nằm ghép 2 - 3 người/giường.
Vậy nên vẫn có cảnh tại khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai) sáng ngày 1/8, một số người bệnh rất bức xúc vì chờ đợi mãi không đến lượt khám, lấy máu làm xét nghiệm đã bỏ khám dù đã đóng tiền để ra phòng khám tư khám cho nhanh.
Lý giải cho việc dù tăng cường nâng cấp nhưng chất lượng không được cải thiện nhiều, “Bệnh viện rất cố gắng, nhưng uy tín của bệnh viện ngày càng tăng nên số lượng bệnh nhân đổ về ngày càng nhiều. Năm 2010 đón 61 vạn bệnh nhân đến năm 2011 đã tăng 90 vạn và ước tính năm 2012 là trên một triệu bệnh nhân”, ông Hiền nói.
Bảng giá dịch vụ y tế: Nơi có nơi không
Sáng 1-8, tại BV Bạch Mai, nhiều người bệnh bất ngờ khi biết giá 447 dịch vụ y tế đã được điều chỉnh. “Tôi đưa bố lên đây khám ung thư, chen chân ở khoa Khám bệnh hàng tiếng đồng hồ chưa nộp được tiền khám, bố mệt quá, ngồi bệt ngay ở hành lang. Sau khi lấy số, đi khắp các khoa phòng, phải xét nghiệm gì đóng tiền đó, nhưng cũng không biết liệu các xét nghiệm, chiếu chụp đó có tăng giá vì ở bệnh viện không dán bảng giá dịch vụ”, chị Lê Thị Vương (Hưng Yên) cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định, khi bệnh nhân ra viện đều biết bởi được thông báo chi tiết bảng chi phí. Trước khi vào viện, được nhân viên y tế giải thích. Còn hiện tại, do các phòng khám của viện đều có máy tính nên hệ thống bảng giá đã nhập vào máy. Viện đang có kế hoạch công khai ở khoa khám bệnh, trong tuần sau là xong.
Tại Bệnh viện K, khu vực thanh toán viện phí, bảng giá dịch vụ y tế được dán ngay cạnh cửa, người bệnh có thể nhìn dễ dàng. Tuy nhiên, đây vẫn là bảng giá viện phí cũ dù thực tế bệnh viện này đã áp dụng khung giá mới từ 20-7.
Tại Bệnh viện Việt Đức, khu vực thanh toán viện phí tại Khoa khám bệnh đều được niêm yết bảng giá mới nhưng đặt ở vị trí cao “chót vót”. Khi gặp một người bệnh đang đóng viện phí, hỏi về giá viện phí tăng, người nhà bệnh nhân này không biết gì. Chỉ khi được chỉ cho bảng giá ở ngay trên đầu, anh này mới cố ngước lên nhìn nhưng… mỏi cổ đành lắc đầu, không xem tiếp.
Trong đợt điều chỉnh giá viện phí này, nhiều dịch vụ bệnh viện đòi thu cao nhưng Bộ Y tế lại hạ xuống. BV Bạch Mai từng đề nghị như chạy thận ở mức giá 800.000 đã bị hạ xuống 460 ngàn. Ngày điều trị chăm sóc tích cực cũng tiền triệu nhưng Bộ Y tế hạ xuống 345 ngàn. “Giá dịch vụ Bộ Y tế phê duyệt có xu hướng thấp hơn giá thực tế BV phải chi trả cho dịch vụ. Nhưng chúng tôi khẳng định, vẫn thu đúng giá của Bộ Y tế và không gây ảnh hưởng tới chất lượng điều trị. Người bệnh cũng không phải đóng thêm bất cứ khoản thu này đã được BHYT chi trả”, ông Hiền nói.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Việt Đức, hơn 300 dịch vụ còn lại của bệnh viện chưa tăng giá chủ yếu là các phẫu thuật, chi phí lớn. Vì thế, đợt điều chỉnh lần này tỷ trọng thay đổi không nhiều. Trong khi đó, bệnh nhân được hưởng nhiều lợi ích. Ví dụ với dịch vụ nắn bó bột, trước đây chỉ quy định bó bột cán, chất lượng không tốt nên bệnh nhân thường thỏa thuận với bệnh viện mua bột liền để bó và tự bỏ tiền túi ra trang trải. Trong khi đó hiện nay, trong giá viện phí mới đã đưa bột liền vào dịch vụ nắn bó bột, bảo hiểm y tế sẽ chi trả từ 80 đến 95%, vì thế bệnh nhân sẽ mất ít tiền hơn.
Vì thế, với người có BHYT, sự tác động của tăng viện phí không nhiều nhưng với người không có BHYT, sự tác động rất lớn. Ví dụ, bệnh nhân sinh mổ trước kia chỉ thu 390.000 đồng nhưng theo khung giá mới sẽ lên đến 1,5 triệu đồng.
Theo Dân Trí