Viện sĩ - Tiến sĩ Cao Văn Phường: Người gieo hạt... tương lai

Cập nhật: 09-08-2010 | 00:00:00

Ở Bình Dương, trường Đại học Bình Dương và trường Đại học Mở bán công TP.HCM là hai trong những trường đại học xuất hiện đầu tiên trên địa bàn. Sự xuất hiện cả hai ngôi trường trên đều có công đóng góp rất lớn của một người có nhiều tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục ở bậc đại học nói riêng. Đó là  Viện sĩ - Tiến sĩ Cao Văn Phường, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mở - bán công TP.HCM, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Hiệu trưởng trường Đại học Bình Dương. Với những cống hiến không mệt mỏi, ngày 26-7 vừa qua, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Trước đó, ông đã được Viện Hàn lâm khoa học Nga A.M Prokhorov kết nạp và phong tặng chức danh Viện sĩ.

Từ Đại học Mở bán công TP.HCM...

Xin mở đầu bằng lời nhận định của TS Vũ Cao Phan, nguyên Trợ lý Bộ trưởng, Chủ nhiệm chương trình giáo dục từ xa, Bộ GD-ĐT về trường Đại học Mở - bán công TP.HCM: “Đại học Mở - bán công TP.HCM là cơ sở đào tạo đi đầu trong phương thức tự hạch toán, không dựa vào ngân sách Nhà nước và đã thành công. Là cơ sở đào tạo đi đầu trong việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, và thành công. Là cơ sở đào tạo đi đầu trong việc mở ra những ngành học mới lần đầu tiên ở Việt Nam như quản trị kinh doanh, phụ nữ học, Đông Nam Á học và thành công...”. Những từ “đã thành công” được lặp đi lặp lại nhiều lần càng thêm chứng tỏ tài năng của người sáng lập và đã đưa trường Đại học Mở - bán công TP.HCM phát triển, gây tiếng vang lớn trong hệ thống các trường đại học giai đoạn từ năm 1990 đến 1995.

  Năm 2009, TS Cao Văn Phường (đứng, bên phải) vinh dự được Viện Hàn lâm khoa học liên bang Nga phong hàm Viện sĩ

Năm 1975, ông nhận học vị tiến sĩ từ nước ngoài trở về và được điều thẳng về công tác ở trường Đại học Cần Thơ. Đến năm 1987 ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Khoa học ở Ba Lan sau đó quay về công tác ở Đại học Cần Thơ. Đến năm 1990, ông được tín nhiệm điều động về TP.HCM xây dựng trường Đại học Nhân dân. Đại học Nhân dân nghĩa là cơ sở đào tạo đại học không chính quy, tại chức, hàm thụ, đào tạo bồi dưỡng các lớp ngắn hạn... Ông nhớ lại: Lúc đó, khi nghe Thứ trưởng Trần Chí Đáo và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Đình Chân cho biết tin, quả thật nếu có một đại học như vậy thì đáng mừng. Nó gần với mục đích tôi hằng theo đuổi: mở và tạo cơ hội học tập cho mọi người”. Sau khi tính toán lại, để phù hợp với tình hình, Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập Viện Đào tạo mở rộng trực thuộc trường Cán bộ quản lý.

Nhớ lại những ngày đầu xây dựng cơ ngơi mà gần như chỉ bằng hai bàn tay trắng và phải đối mặt với biết bao khó khăn ở phía trước. Nhưng với con người có tâm huyết với giáo dục, dám nghĩ, dám làm, ông và các cộng sự đã đưa Viện Đào tạo mở rộng (sau này đổi tên là trường Đại học Mở - bán công TP.HCM) tiếng tăm vang khắp cả nước. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn (1990-1995), Đại học Mở - bán công TP.HCM trở thành một trường đại học đa lĩnh vực, có nhiều ngành nghề chưa từng có trong chương trình đào tạo đại học ở nước ta lúc bấy giờ với nhiều cấp học khác nhau và nhiều hình thức đào tạo: đào tạo mở, từ xa, vừa làm vừa học... thu hút 38.000 sinh viên theo học.

Đến dấu ấn ở Đại học Bình Dương

Cuộc đời của ông cũng lắm thăng trầm, có thời gian ông về “ở ẩn”. Không lâu sau đó, ông quay lại với giáo dục như cái nghiệp đã đeo đuổi mà không thể nào dứt ra được. Có lẽ do có duyên nợ với Bình Dương, năm 2001, Hiệu Trưởng trường Đại học Bình Dương lúc bấy giờ cùng với nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã đích thân đến gặp và mời ông về “cứu” trường đang đứng trên bờ vực. Thế là ông nhận lời dù biết khó khăn chồng chất đang chờ ở phía trước.

Ông về trường Đại học Bình Dương trong tình hình khá bi đát: không tuyển sinh được, nội bộ mất đoàn kết, giảng viên ra đi, thêm vào đó là khoản nợ 12 tỷ đồng. Biết là khó khăn, nhưng ông vẫn dấn thân! Cái khác ở con người ông là ở chỗ đó. Đam mê làm giáo dục như ông mới có những quyết định táo bạo. Chưa biết tương lai trường đi đến đâu, thế mà ông đã dám bán nhà và đi vay để trả bớt khoản nợ khổng lồ. Rồi cũng bằng tài năng, ông đã giải quyết mọi việc có tình có lý.

Vượt qua biết bao thăng trầm, được sự ủng hộ từ Trung ương đến tỉnh và hơn hết là sự đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng của tập thể Ban Quản trị, Ban giám hiệu, trường Đại học Bình Dương dần dần lớn mạnh về mọi mặt. Nhà trường đã đầu tư xây dựng trên 27.000m2 các phòng học, phòng thí nghiệm, giảng đường, thư viện; xây dựng 25 phòng thí nghiệm; xây dựng các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao cho sinh viên tổng trị giá trên 50 tỷ đồng. Với cơ sở vật chất khang trang như thế, Đại học Bình Dương không phải thuê mướn cơ sở giảng dạy như những trường đại học ngoài công lập khác. Đến hôm nay, sau hơn 10 năm, trường đã hòa nhập vào hệ thống đại học quốc gia, trở thành trường đại học đa lĩnh vực, đa cấp, đa hệ. Đặc biệt, Đại học Bình Dương là trường ngoài công lập duy nhất hiện nay được đào tạo sau đại học, đây là một minh chứng để tôn thêm uy tín của trường đối với xã hội. Hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo cũng như hòa nhập với thế giới, trường Đại học Bình Dương đã ký kết hợp tác đào tạo với nhiều nước như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... đặc biệt với các Đại học Liên bang Nga, Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Ông thường tâm sự: “giáo dục là của mọi người, cho mọi người, mọi người có quyền bình đẳng trong học tập”. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, trường đã phối hợp với nhiều đài phát thanh truyền hình mở chương trình đào tạo từ xa. Thông qua chương trình này, mọi người đều có cơ hội học đại học khi họ không có điều kiện theo học tại trường. Đến nay đã thu hút hơn 15.000 học viên theo học hệ đào tạo từ xa của trường. Năm 2009, trường đã trao bằng tốt nghiệp cho 123 cử nhân khóa đầu tiên hệ đào tạo từ xa.

Ông là người luôn có những suy nghĩ và việc làm theo kiểu “đón đầu”. Chính vì thế, vào cuối tháng 2-2009, trường Đại học Bình Dương cùng Công ty VASC thuộc Tập đoàn VNPT đã ký kết hơp tác đào tạo trực tuyến (U-online) trên mạng internet đầu tiên của Việt Nam. Sự “bứt phá” này một lần nữa khẳng định sự nhạy bén của trường Đại học Bình Dương trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tạo ra phương tiện học mới, môi trường học tập mới cho mọi người có nhu cầu học tập nâng cao trình độ. Học U-online người học có thể học bất cứ nơi đâu, thời gian nào, một người có thể học nhiều bằng khác nhau, thời gian học có thể rút ngắn. Hiện nay đội ngũ cán bộ khoa học đang làm việc thường xuyên với trường có trên 550 người, trong đó 170 cán bộ cơ hữu. Hội đồng khoa học và đào tạo trường có 39 GS-TS, TSKH, phó GS.TS, ThS, có một số viện sĩ nước ngoài, có nhiều người có trình độ chuyên môn cao nhưng vì nhiều lý do họ chưa có học hàm học vị cũng được nhà trường mời làm cố vấn. Mỗi trường đại học đều có quan điểm, triết lý giáo dục riêng, nhưng ở Đại học Bình Dương triết lý giáo dục rất ấn tượng, gói gọn trong 4 chữ “H” nhưng vô cùng ý nghĩa và người đưa ra triết lý này không ai khác hơn là ông. 4 chữ H đó là: Học - hỏi - hiểu - hành. nghĩa là: học để biết cách học như thế nào; học để biết cách hỏi; hỏi để học; hỏi để hiểu (để tập hợp, xử lý, khai thác thông tin); hiểu phải hiểu đúng; hiểu đúng thì hành mới đúng; hành đúng mới có hiệu quả. Ông Lê Ái Phú, Phó phòng Công tác Sinh viên trường Đại học Bình Dương ví Tiến sĩ Cao Văn Phường như “đóa mai mùa hạ”. Giờ đây ở tuổi 70 nhưng trông thầy vẫn còn xuân cả vẻ bề ngoài và những suy nghĩ, việc làm.

Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin mượn lời của ông Đỗ Quốc Anh, Giám đốc Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT đã nhận xét trong ngày ông đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì, do Chủ tịch nước trao tặng: “với tâm huyết, tài năng và kinh nghiệm của mình trong giai đoạn sáng lập và xây dựng Đại học Mở  - bán công TP.HCM, từ năm 2001, TS Cao Văn Phường cùng tập thể các thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên đã xây dựng nên trường Đại học Bình Dương... có những bước tiến nhanh, vững chắc, trở thành một thương hiệu đại học sáng giá của khu vực phía Nam và trong cả nước. Đây cũng là một sự nối dài truyền thống xây dựng một nền giáo dục đại học mở cho tất cả mọi người”.

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X