Việt Nam bước đầu hình thành công nghiệp vi mạch

Cập nhật: 23-03-2015 | 08:09:38
Công nghệ phần cứng của Việt Nam cho thấy tín hiệu tích cực từ những đầu tư ban đầu, với sự xuất hiện của sản phẩm vi mạch do chính trong nước phát triển và sản xuất.

Mới đây, trung tâm thí nghiệm thiết kế vi mạch và tích hợp hệ thống (BKIC) thuộc Viện điện tử - viễn thông đại học Bách Khoa Hà Nội đã công bố những sản phẩm vi mạch được thiết kế và chế tạo thành công. Trong đó gây chú ý là vi mạch ổn áp BKIC01.LDO03 được ứng dụng cho thiết bị di động, camera số, điều khiển đèn LED... và vi mạch chỉnh lưu BKIC02.AC-DC013 hiệu suất cao tích hợp cho mạch sạc không dây trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, BKIC cũng cho biết đã chế tạo được các bộ vi mạch như RFID Tag hay NFC Tag và hiện đã được ứng dụng cho một số sản phẩm thương mại của Samsung.

V

Vi mạch ổn áp BKIC01.LDO03 do trung tâm thí nghiệm thiết kế vi mạch và tích hợp hệ thống (BKIC) thiết kế và sản xuất.

Trước đó cuối năm 2014, chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM sau 2 năm triển khai cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận khi thiết kế, sản xuất và thương mại hoá chip SG8V1. Sản phẩm đã được ứng dụng vào hơn 30 sản phẩm thương mại như thiết bị giám sát hành trình oto, xe máy, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM...

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân từng chia sẻ, chip là một phân tử quan trọng trong nền kinh tế, biểu tượng của năng suất lao động cao nhất. Vi mạch cộng với phần mềm nhúng sẽ thành bộ “não” trong tất cả trang thiết bị hiện đại. Vì thế, việc xây dựng ngành công nghiệp vi mạch sẽ tạo động lực để công nghiệp hóa đất nước. Sự quan trọng của công nghiệp vi mạch thể hiện khi mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 tỷ con chip các loại. Còn tổng giá trị nhập khẩu cho các linh kiện bán dẫn mỗi năm rơi vào khoảng 2 tỷ USD. Vi mạch bán dẫn hiện đã được đưa vào danh mục các sản phẩm quốc gia. 

Thực tế, Việt Nam đang bước đầu hình thành ngành công nghiệp vi mạch khi vừa có những kết quả đáng kể từ việc sản xuất và thương mại hoá chip, cũng như việc đào tạo nhân lực, xây dựng nguồn nhân lực nghiên cứu, thiết kế hay hợp tác quốc tế trong việc chế tạo vi mạch.

Công nghiệp vi mạch Việt Nam vẫn còn những thách thức.

Công nghiệp vi mạch Việt Nam vẫn còn những thách thức.

Thành lập từ năm 2010, BKIC hiện đang thu hút 30 nhà khoa học, bao gồm 9 PGS cùng với hơn 100 sinh viên, 25 nghiên cứu sinh tham gia. Phòng thiết kế của họ hiện đã có đủ năng lực để tham gia hợp tác nghiên cứu hiệu quả với các Viện nghiên cứu trình độ quốc tế, các tập đoàn toàn cầu trong các dự án hợp tác quốc tế. Một số dự án đang được tiến hành như dự án thiết kế vi mạch cảm biến hình ảnh tiết kiệm năng lượng (hợp tác với Trung tâm phát triển cảm biến thông minh tích hợp - CISS, Viện KAIST, Hàn Quốc), dự án thiết kế mạch giao tiếp tầm gần (NFC tag) ứng dụng cho cảm biến thông minh (hợp tác với phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch NICE, Viện KAIST, Hàn Quốc), dự án thiết kế vi mạch ADC (hợp tác với Telecom-Paristech, Công ty NXP Pháp).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Minh, trưởng phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch BKIC cho rằng vẫn còn không ít khó khăn đối với ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam. Các nhóm nghiên cứu mới và các nước đang phát triển khó tham gia vào chuỗi toàn cầu về nghiên cứu-thiết kế-sản xuất phát triển vi mạch ở trình độ cao này cũng như phát triển các sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vi mạch và nguồn nhân lực vi mạch của Việt Nam còn thiếu và yếu. Chuyên gia và kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực vi mạch còn rất ít. Điều đó gây khó khăn cho các công ty vi mạch nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam. Ngược lại, số lượng quá ít các công ty vi mạch làm giảm tính hấp dẫn sinh viên giỏi của chuyên ngành đào tạo vi mạch. 

Phát biểu ở Hội thảo thiết kế vi mạch tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 19/3, tiến sĩ Đỗ Văn Lộc, giám đốc cơ quan điều hành Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia nhận xét, dù bước đầu có những thành công với những sản phẩm tự sản xuất, nhưng công nghiệp vi mạch của Việt Nam còn rất nhiều thách thức, để có thể cạnh tranh với những quốc gia phát triển trên thế giới và thương mại hoá rộng rãi ở thị trường. Muốn đem đến lợi thế cho những sản phẩm vi mạch Việt, điều cần nhất chính là sự hỗ trợ từ chính những doanh nghiệp trong nước. Thay vì sử dụng vi mạch được nhập khẩu, họ có thể sử dụng các vi mạch Việt Nam, góp phần đầu tư cho sự phát triển, thiết kế từ các trung tâm, chương trình trong nước.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=921
Quay lên trên