Việt Nam đảm bảo việc làm cho 50 triệu lao động
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt coi trọng vấn đề lao động, tạo việc làm và có chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2010 nhằm đảm bảo việc làm cho gần 50 triệu lao động, trong đó có 8 triệu lao động mới.
Tiếp ông Juan Somavia, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 26-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu của riêng năm 2010 là tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; tuyển mới và dạy nghề cho gần 1,75 triệu người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên khoảng trên 40%, trong đó có đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng giới.
Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật như xây dựng Chiến lược ngành lao động thương mại và xã hội, Đề án tổng thể về phát triển thị trường lao động đến năm 2020, Chiến lược việc làm, Chiến lược dạy nghề, Đề án phát triển hệ thống an sinh xã hội đến năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ILO tiếp tục tăng cường hợp tác trên cơ sở thỏa thuận đã được hai bên nhất trí là Khuôn khổ Hợp tác quốc gia về xúc tiến việc làm bền vững giai đoạn 2006-2010.
Ông Juan Somavia khẳng định ILO tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam thực hiện các dự án về thị trường lao động, dự án hỗ trợ sửa đổi Bộ luật Lao động và phát triển quan hệ lao động, Dự án thúc đẩy việc làm bền vững cho người khuyết tật, các chương trình chung của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và về chính sách xã hội.
Ông Juan Somavia mong muốn Việt Nam tham gia Hội đồng Quản trị ILO nhiệm kỳ 2011-2014, đại diện cho ASEAN. Đặc biệt là trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam thúc đẩy hợp tác ASEAN-ILO và đưa các nội dung của “Hiệp ước việc làm toàn cầu” vào khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN và Hội nghị phát triển nguồn nhân lực được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5-2010.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông William Lacy Swing, Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và ông Sergei Ordzhonikidze, Phó Tổng Thư ký kiêm Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hiệp quốc tại Geneva.
Tại các cuộc tiếp, Tổng Giám đốc IOM và Phó Tổng Thư ký kiêm Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hiệp quốc tại Geneva đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam đối với những vấn đề lớn mang tính toàn cầu và khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên trong thời gian tới.
Các nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong việc cải tổ hoạt động Liên hiệp quốc và triển khai sáng kiến “Một Liên hiệp quốc” ở Việt Nam, cho rằng đây là một mô hình thành công nhất mà Việt Nam đang triển khai.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing, khẳng định mối quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý di cư vì mục đích phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy di cư hợp pháp, nhất là di cư lao động; kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư bất hợp pháp, đặc biệt là nạn buôn bán người và tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này.
Đánh giá cao những nỗ lực cải cách của cá nhân ông William Lacy Swing, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn quan hệ giữa IOM và Việt Nam ngày càng phát triển, trong đó, Việt Nam tiếp tục nhận được sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật cho việc tăng cường quản lý di cư của Việt Nam như xây dựng và triển khai một chính sách quản lý di cư bền vững, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý di cư, đấu tranh phòng chống nạn buôn bán người…
Ông William Lacy Swing khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách quản lý di cư bền vững; đấu tranh phòng chống nạn buôn bán người; mở rộng thị trường lao động cũng như nâng cao trình độ, năng lực của người di cư lao động; hỗ trợ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế…, đặc biệt là tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư, nhất là những người lao động Việt Nam ở nước ngoài bị mất việc làm và bị hồi hương vì khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới gây ra.
Ông William Lacy Swing cũng khẳng định sự phối hợp và giúp đỡ của IOM trong việc đối phó với tình trạng nhập cư bất hợp pháp của công dân các nước đến Việt Nam.
Trong cuộc gặp ông Sergei Ordzhonikidze và thăm trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam coi trọng vai trò trung tâm của Liên hiệp quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ứng phó với các thách thức toàn cầu hiện nay như tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia tích cực các hoạt động của Liên hợp quốc với tinh thần chủ động, xây dựng, trách nhiệm và hợp tác.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò và đóng góp của Văn phòng Liên hiệp quốc tại Geneva là địa bàn đa phương lớn thứ hai của Liên hiệp quốc, trụ sở của nhiều tổ chức chuyên môn, nơi bàn thảo các vấn đề quốc tế quan trọng như môi trường, y tế, di cư, thương mại, giải trừ quân bị, nhân quyền, nhân đạo...
Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, ông Sergei Ordzhonikidze khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm thúc đẩy để các tổ chức Liên hiệp quốc hỗ trợ hiệu quả về tài lực, tri thức, kinh nghiệm cho Việt Nam trong giai đoạn mới của công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đồng thời hỗ trợ việc thực hiện Sáng kiến "Một Liên hiệp quốc" ở Việt Nam.
Nhân dịp tới thăm Trụ sở Liên hiệp quốc tại Geneva, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm phòng họp của Hội đồng, nơi trước đây cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định Geneva năm 1954.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự buổi thuyết trình về triển vọng Vòng đàm phán Doha và tác động của vòng đàm phán này đối với hệ thống thương mại toàn cầu do lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trình bày; thăm phái đoàn Việt Nam tại Geneva.
(Theo TTXVN)