Hội nghị CG giữa kỳ 2011 ghi nhận những tác động tích cực từ Nghị quyết 11 của Chính phủ. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện quyết liệt, nhất quán các giải pháp theo Nghị quyết này.
Ngày 9-6, tại TP Hà Tĩnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhầ tài trợ cho Việt Nam năm 2011 (CG giữa kỳ 2011).
Tới dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng; Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa và các đại biểu, nhà tài trợ trong nước, quốc tế.
Kết quả tốt từ Nghị quyết 11 và nỗ lực phòng chống tham nhũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, CG giữa kỳ năm nay tập trung thảo luận 4 chủ đề chính, mà trước hết là tái lập và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô với các nội dung cụ thể là cập nhật tình hình thực hiện Nghị quyết 11, nội dung về lĩnh vực tài chính tiền tệ, minh bạch trong tài khóa và ngân sách, hiệu quả đầu tư công và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp tục các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Chủ đề thứ hai là tập trung vào các chính sách bảo vệ người nghèo trước bất ổn của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là nội dung ảnh hưởng xã hội đối với người nghèo, bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các chủ đề tiếp theo là nội dung chống tham nhũng trong công nghiệp khai khoáng và nghe Báo cáo của Diễn đàn hiệu quả viện trợ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã ghi nhận những tác động tích cực từ việc thực hiện các gói giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ; đồng thời cho rằng cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả các nhóm giải pháp này.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược toàn diện, tạo khuôn khổ, nền tảng tin cậy cho các nỗ lực chống tham nhũng và đã đạt nhiều kết quả tốt trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, cần cân đối tất cả các khía cạnh và phương diện khác nhau, như quy định về khung hình phạt, tính minh bạch trong quản lý đầu tư công,... thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm các hành vi tham nhũng khó xảy ra hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao các nhà tài trợ không chỉ hỗ trợ nguồn vốn ODA mà còn có nhiều ý kiến tư vấn và ủng hộ những chính sách của Việt Nam trong thời gian qua; mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục có tiếng nói tích cực, xây dựng và khách quan trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng khẳng định, nguồn vốn hỗ trợ từ các nhà trợ đang được Việt Nam sử dụng có hiệu quả và Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, đối thoại với các nhà tài trợ để hoàn thiện hơn nữa các chính sách.
Đặc biệt quan tâm an sinh xã hội
Phó Thủ tướng nhấn mạnh những nhiệm vụ mà Việt Nam cần làm trong thời gian tới. Trước hết, cần kiên trì thực hiện quyết liệt, nhất quán các giải pháp theo Nghị quyết 11, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá để tạo cơ sở cho kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Đồng thời, tiếp tục đầu tư công có hiệu quả, giảm bội chi ngân sách nhà nước, hỗ trợ sản xuất.
Bên cạnh đó, cần áp dụng cơ chế điều hành lãi suất linh hoạt, cân nhắc các phương án về trần lãi suất, vừa đảm bảo duy trì ổn định vĩ mô vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất hợp lý. Tiếp tục mua ngoại tệ cho dự trữ và đáp ứng nhu cầu mua và bán của các ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp tục các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Tập trung phát triển sản xuất, tạo thu nhập và việc làm, đặc biệt là cho đối tượng nghèo.
Phó Thủ tướng nêu rõ, để khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại đang có xu hướng tăng mạnh, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ.
Về chi tiêu ngân sách và tài chính công, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tính toán chặt chẽ hơn, đánh giá đầy đủ thông tin để đảm bảo đầu tư công của nhà nước có hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tính toán dành nguồn ngân sách đầu tư tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết sẽ thực hiện hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các nhà tài trợ và có nhiều chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá…
Phó Thủ tướng đề nghị các nhà tài trợ cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu, xác định kịch bản, biện pháp kỹ thuật, phạm vi tác động của tình hình nước biển dâng.
Bên cạnh đó, Việt Nam và các nhà tài trợ cần đánh giá lại những hoạt động hợp tác trong thời gian vừa qua để tìm ra những giải pháp sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Theo Chinhphu.vn