Việt Nam thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử

Cập nhật: 04-06-2024 | 18:27:57

Chiều 4/6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Bộ trưởng cũng trả lời về việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, nguồn cung suy giảm toàn cầu do dịch bệnh, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, nhiều tồn tại lũy kế của ngành chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là liên tục thiếu lãnh đạo Bộ và nhân lực có kinh nghiệm của ngành, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giúp đỡ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Nổi bật là sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi, phát triển, có sự bứt phá từ quý III năm trước đến nay, duy trì vai trò, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Thương mại trong nước tăng trưởng khá mạnh, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức. Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, xuất nhập khẩu 8 năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại, đặc biệt năm 2023 đạt mức xuất siêu 28 tỷ đô-la, cao gấp 3 lần so với năm trước.

5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước, thặng dư thương mại đạt trên 8,1 tỷ đô-la, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong một số lĩnh vực, như thương mại điện tử, phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20 - 25%, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng. Quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỷ đô-la/năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước.

Để bảo đảm hoạt động thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, như rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách. Bộ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong thương mại điện tử, thiết lập cơ chế tiếp nhận kiến nghị và phản hồi trực tuyến với người tiêu dùng để hỗ trợ xử lý, gỡ bỏ nội dung bán hàng trái pháp luật trên các nền tảng số.

Theo Bộ trưởng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử vẫn còn các tồn tại, hạn chế và thách thức rất lớn. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công Thương, các ngành, các địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc đàm phán, ký kết và khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Đến nay, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác (hầu hết là các nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu), đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu. Để đạt kết quả đó, ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết quốc tế trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất tập trung khai thác các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa và phát huy vai trò của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, các quy định, chính sách mới của nước sở tại, giúp doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước có những phản ứng chính sách phù hợp.

Việc khai thác hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng, xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là những vấn đề mà Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm, tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí phục vụ nông nghiệp, theo người đứng đầu ngành Công Thương, những năm qua, ngành đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành công nghiệp này theo quy định của Nhà nước, kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, tích cực kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí của nước ta đã có bước phát triển đáng kể, tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, giữ vị trí dẫn dắt, đầu tàu tăng trưởng của ngành công nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nước, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thặng dư thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân và tăng trưởng chung của đất nước.

(Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết
Tags
việt nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=988
Quay lên trên