“Việt Nam vang khúc khải hoàn ca” chào mừng ngày thống nhất đất nước

Cập nhật: 29-04-2023 | 08:47:44

Ca khúc "Vững bền một cõi non sông" do Đào Mác và Duyên Huyền trình bày.

Tối 28/4, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Việt Nam vang khúc khải hoàn ca” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1).

Chương trình được tổ chức nhân Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023); 137 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886-1/5/2023) và kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943-2023).

Chương trình nghệ thuật đặc biệt được dàn dựng với ba chương “Miền Nam trong tim Tổ Quốc,” “Lửa sáng thành đồng” và “Thành phố ngời sáng tương lai.”

Điểm nhấn của chương trình là sắc màu ca kịch được dàn dựng công phu.

Nếu trước đây, các tiết mục được sắp xếp biểu diễn đơn thuần, phần nào giúp khán giả mường tượng được dòng chảy lịch sử đất nước qua những khúc ca hào hùng quen thuộc, trong chương trình này, việc lồng ghép hai thể loại ca và kịch không chỉ tạo nên phần biểu diễn mới lạ mà còn tái hiện sinh động nhiều sự kiện. Đây là cách giúp khán giả có thể hòa mình vào những tiết mục biểu diễn một cách trọn vẹn.

Nhiều ca khúc sẽ được thể hiện trong chương trình nhằm ngợi ca Thành phố Hồ Chí Minh như “Vững bền một cõi non sông,” “Bài ca thanh niên miền Nam thành đồng,” “Miền Nam đứng lên,” “Tổ quốc ơi ta đã nghe,” “Mãi mãi tuổi 20,” “Bước chân trên dãy Trường Sơn,” “Tự nguyện,” “Tiến về Sài Gòn,” “Đất nước trọn niềm vui,” “Người mẹ của tôi,” “Đất nước,” “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người,” “Thành phố trẻ;” kịch “Tiếng gọi non sông;” tân cổ giao duyên “Ngàn năm sen vẫn nở”...

Liên khúc "Bước chân trên dãy Trường Sơn" do tốp ca Thanh Sử, Phan Ngọc Luân, Võ Thành Tâm và Minh Sang thể hiện.

Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật khẳng định Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Đảng thông qua tháng 2/1943 đóng vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước suốt 80 năm qua.

Đây là một đề cương đường lối mang tính chiến lược nêu ra những nội dung cốt lõi của văn hóa như nguyên tắc “dân tộc hóa,” “đại chúng hóa,” “khoa học hóa;” văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)...

Chương trình với sự tham gia biểu diễn của các văn nghệ sỹ như Nghệ sỹ Nhân dân Minh Vương, Nghệ sỹ Ưu tú Quế Trân, Vân Khánh, ca sỹ Quang Linh, Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng, Nguyễn Phi Hùng, Hiền Thục, Đào Mác, Duyên Huyền, Thanh Sử, nhóm Nhật Nguyệt, 135, DJ Coby, nhóm kịch Ánh Dương, nhóm ca múa Mặt Trời Việt, MTV.SG, nhóm Thiếu nhi ABC Kids...

Cũng trong tối 28/4, Nhà hát Ca múa Nhạc Dân tộc Bông Sen sẽ thực hiện chương trình nghệ thuật phục vụ người dân tại sân khấu chính Quảng trường Đền Tưởng niệm các Vua Hùng; Rạp Xiếc Thành phố Hồ Chí Minh (tại Công viên Gia Định).

Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam ra mắt vở kịch xiếc “Cha Rồng mẹ Tiên.”

Với nội dung quen thuộc về câu chuyện của Lạc Long Quân (Cha Rồng) và mẹ Âu Cơ (Mẹ Tiên), vở kịch xiếc đưa người xem đi theo giai thoại lý giải về nguồn gốc của dân tộc Việt.

Tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, các đoàn nghệ thuật công lập tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả.

Vào tối 30/4 và 1/5, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ tổ chức diễn tại thành phố Thủ Đức và quận Tân Phú.

Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội phục vụ tại Quận 12. Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh sẽ phục vụ tại quận Gò Vấp và huyện Củ Chi.

Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam sẽ trình diễn tại huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.

Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen sẽ phục tại huyện Hóc Môn.

Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận phục vụ nhân dân huyện Cần Giờ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên