Việt Nam yêu cầu Google sửa sai trên bản đồ

Cập nhật: 21-03-2010 | 00:00:00

Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu chỉnh sửa những sai sót trên bản đồ trực tuyến Google Maps mà trong đó mô tả sai lệch đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.  Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga hôm qua khẳng định: "Bản đồ trực tuyến Google Maps đã thể hiện sai lệch đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Google chỉnh sửa những sai sót này theo bản đồ chính thức hiện hành của Việt Nam".

Cũng theo bà Nga, với việc Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền (ngày 18/11/2009), đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã được mô tả rõ ràng, chi tiết bằng tọa độ cụ thể trên bản đồ. Hai bên đang làm các thủ tục để phê chuẩn theo quy định pháp luật của mỗi nước để đưa các văn kiện này vào cuộc sống.

Sau khi Hiệp ước biên giới trên đất liền được Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1999 và các văn kiện liên quan có hiệu lực, các văn bản này sẽ chính thức được lưu chiểu ở Liên Hợp quốc và được cung cấp cho các tổ chức, đơn vị phát hành, in ấn bản đồ trên thế giới.

Hiện, trên ứng dụng bản đồ trực tuyến miễn phí Google Maps tồn tại rất nhiều sai sót liên quan tới biên giới, lãnh thổ Việt Nam. Sự sai lệch này dễ dàng phát hiện bằng mắt thường tại tuyến biên giới phía Bắc từ Điện Biên cho đến thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Rõ nhất là tại 2 thành phố Lào Cai và Móng Cái, đường biên bị vẽ sai, lấn sâu vào địa phận Việt Nam...

Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng về những sai sót trong cách thể hiện bản đồ liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ. Trước đó là, ngày 13/3, Việt Nam đã yêu cầu Hội địa lý Mỹ sửa sai khi cung cấp bản đồ thế giới trực tuyến tại trang web http://www.natgeomaps.com, trong đó quần đảo Hoàng Sa (Paracel) có chữ "Xisha Qundao" (quần đảo Tây Sa) ở ngay bên trên và chữ "China" (Trung Quốc) màu đỏ bên dưới.(Theo VNE)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên