Chân dung mẹ Việt Nam anh hùng

Viết về những người mẹ kiên trung

Cập nhật: 18-01-2016 | 08:17:48

Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và sự hy sinh vô bờ bến của các mẹ trong chiến tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Ghi nhận công lao đó, Bình Dương vừa có thêm 14 mẹ được phong tặng và 212 mẹ truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Kể từ số báo này, Báo Bình Dương khởi đăng chân dung các mẹ được phong tặng trong dịp này.

 

 Tấm lòng người mẹ

 Sự hy sinh của chồng và người con của mình để bảo vệ Tổ quốc là sự mất mát lớn lao của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Dù vậy, trong mọi hoàn cảnh, mẹ vẫn kiên cường bảo rằng: “Khi đất nước cần, mẹ sẵn sàng hy sinh”. Rồi từ đó động viên chồng, con lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình trở lại, mẹ tiếp tục kiên cường phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu lớn khôn. Trong số những bà mẹ ấy có mẹ Bùi Thị Lăng.


 Bà Lâm Thị Gái, cán bộ lao động - thương binh và xã hội phường Hiệp An được mẹ Lăng (phải) kể cho nghe về cuộc đời mẹ và sự hy sinh của chồng, con

 Cùng cán bộ lao động - thương binh và xã hội phường Hiệp An (TP.Thủ Dầu Một) đến thăm mẹ Lăng, chúng tôi nhận thấy niềm vui ánh lên trên khuôn mặt mẹ. Mẹ vinh dự vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Mẹ tâm sự: “Được Đảng và Nhà nước ghi nhận công ơn không chỉ mẹ mà các con, cháu trong gia đình đều cảm động và vinh dự lắm. Ở vào cái tuổi như mẹ thì chẳng còn mong muốn gì hơn là được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của các cấp chính quyền, bà con lối xóm. Chắc giờ này ở dưới suối vàng chồng, con mẹ cũng thấy ấm lòng…”.

Dù đã bước sang tuổi 90 nhưng mẹ vẫn tinh anh. Ký ức và những kỷ niệm về chồng, con của mẹ là liệt sĩ Trần Văn Thân và Trần Thanh Phong không hề phai nhạt. Mẹ kể, mẹ sinh năm 1926, quê ở xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ lúc trẻ, các anh chị em trong gia đình mẹ đã được tuyên truyền giác ngộ về tinh thần cách mạng. Bản thân mẹ là cán bộ phụ nữ xã Trung An, cùng chị em trong vùng gánh gạo nuôi quân, che giấu cán bộ và làm liên lạc. Trong quá trình hoạt động cách mạng mẹ đã gặp ông Trần Văn Thân, hai người đã bén duyên nên vợ nên chồng. Ông bà sinh được 6 người con.

Thời buổi chiến tranh anh em 2 bên nội ngoại và chồng đều đi tham gia hoạt động cách mạng, mẹ ở nhà làm ruộng và buôn bán chăm lo cho 6 người con, bố mẹ ruột và bố mẹ chồng. Có hậu phương vững chắc, ông Thân càng yên tâm hoạt động cách mạng. Chiến tranh ác liệt, ông bị bắt tù đày trong nhiều năm. Trong tù, chúng dùng lời ngon ngọt dụ ông khai căn cứ cách mạng nhưng chỉ nhận lại được những cái lắc đầu và sự im lặng. Không khai thác được, chúng chuyển sang tra tấn ông dã man đến kiệt sức. Sau đó, chúng thả ông về. Với suy nghĩ còn sống còn tham gia cách mạng, ông tiếp tục hoạt động đến năm 1960 thì chết do bị bắn trúng phổi, cộng những vết thương trong tù tái phát.

Nối gót cha, anh Trần Thanh Phong, con trai mẹ cũng thoát ly hoạt động cách mạng tại đơn vị C61, huyện Bến Cát. Nhắc đến anh Phong, mẹ nói: “Thằng Phong nó ngoan hiền và có hiếu với mẹ”. Là con lớn trong một gia đình đông anh em nên ngay từ bé anh đã phải giúp mẹ công việc nhà cửa, đồng áng, trông nom các em. Thế rồi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh tình nguyện viết đơn lên đường chiến đấu. Lúc ấy mẹ dằn lòng, gạt nước mắt động viên anh vững tâm, vững bước, cố gắng hết mình cho công cuộc giải phóng của dân tộc, mong ngày hòa bình trở lại cả gia đình sẽ được đoàn tụ. Thế nhưng, sự chờ đợi của mẹ dường như vô vọng khi nghe tin anh hy sinh vào năm 1971. Theo lời mẹ, đồng đội anh báo tin, trong lúc đi công tác, anh bị địch phục kích và bắn chết tại Lò Than, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng).

Nói về những ngày tháng vất vả năm xưa, bà Trần Thị Phỉ (con thứ 6 của mẹ) cho biết: “Những năm tháng vất vả trong và sau chiến tranh, mẹ là nguồn động viên lớn nhất, tần tảo sớm hôm để nuôi con khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay. Dù đã mất đi chồng, con nhưng mẹ vẫn động viên các anh tiếp tục nhập ngũ theo Lệnh tổng động viên năm 1979. Được mẹ động viên, 2 anh Trần Văn Phước Anh, Trần Văn Phước Em tham gia hải quân và Quân khu 7”.

Nghe câu chuyện của mẹ, chúng tôi thầm nhủ, những người trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong chiến tranh, nhưng chúng tôi luôn hiểu rằng, cái giá của cuộc sống hôm nay chính là sự hy sinh của thế hệ đi trước, trong đó có sự đóng góp thầm lặng nhưng vẻ vang của những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Lăng là một người như thế.

 

 T.LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=685
Quay lên trên