Hay tin mẹ Trần Thị Tư ở ấp An Mỹ, xã An Sơn, TX.Thuận An vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong đợt này, chúng tôi tìm về thăm mẹ. Bước sang tuổi 76 trông mẹ vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, đi đây đó thăm người thân. Đó là cái phúc của con cháu khi có được người mẹ, người bà mẫu mực như vậy.
Ngày chúng tôi đến thăm, mẹ vừa đi đám cưới của người cháu ở TP.HCM trở về. Mẹ nói, còn sức khỏe thì mẹ không bỏ đứa nào, đến để chúc phúc cho con cháu. Từ năm 1994 trở lại đây mẹ mới mạnh khỏe, còn trước đó mẹ bệnh đau liên miên, do hậu quả những trận đòn roi của giặc trong những năm tháng ở trong lao tù.
Mẹ VNAH Trần Thị Tư bên di ảnh của chồng là liệt sĩ Lê Văn Trung
Ngược dòng thời gian, trở về những năm tháng đất nước còn bị giặc xâm lược. Như các xã khác, quê hương của mẹ cũng bị bom cày, đạn xới. Khi lập gia đình về phường Phú Thọ, TP.TDM, vui duyên mới, nhưng thấy đất nước bị lâm nguy, cả mẹ và chồng là liệt sĩ Lê Văn Trung không thể làm ngơ. Bởi cả hai đều tâm niệm: Đất nước có tự do thì mọi người mới được hạnh phúc. Năm 1963, chồng mẹ tham gia cách mạng, làm cán bộ kinh tài. Ông đã cùng đồng đội đoàn kết, vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ của ngành kinh tài rất quan trọng và cũng không ít hiểm nguy, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng, không ít lần vượt qua đồn bót, ổ phục kích của giặc. Ông hy sinh vào mùa xuân 1968, trong một trận bố càn của giặc. Sự hy sinh của liệt sĩ Lê Văn Trung đã góp phần cho đất nước mãi mãi mùa xuân. Tổ quốc luôn ghi nhớ công lao đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ông.
Riêng mẹ trong lòng cũng nung nấu lòng căm thù giặc. Noi gương chị Út Tịch: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, mẹ cũng tham gia cách mạng. Mẹ được tổ chức giao nhiệm vụ lo ăn uống, thuốc men cho bộ đội. Với tính lanh lợi, thông minh, mẹ làm tròn nhiệm vụ nuôi quân. Ngày đó, giặc khám xét rất gắt gao, vậy mà mẹ vận chuyển, cất giấu trót lọt lương thực, thuốc men cho cách mạng. Mẹ còn nhớ, ngày ấy để dân không chu cấp cho bộ đội, bọn chúng không cho người dân mua nhiều gạo cùng lúc. Để qua mắt được bọn giặc, hễ ở đâu có đám tang là mẹ tìm đến và “tháp tùng” vô xay lúa để dự trữ. Nhờ vậy mà bộ đội không thiếu gạo ăn. Ngay cả việc cất giấu thuốc men, thư từ liên lạc cũng là cả nghệ thuật. Mẹ giấu trong dép, rau muống, chổi… mỗi khi gặp giặc khám xét là mẹ tìm cách lừa được bọn chúng.
Với mẹ, dù không trực tiếp cầm súng đánh giặc, nhưng nhiệm vụ của mẹ cũng rất nguy hiểm, nếu để xảy ra sơ sót là ảnh hưởng đến tính mạng, đặc biệt là ảnh hưởng đến cách mạng. Nhưng với mẹ, một người mẹ yêu nước thì mẹ không chùn bước trước họng súng của kẻ thù. Mẹ còn nhớ, lúc ấy các con còn nhỏ, nhiều lần mẹ gửi con cho mẹ chồng để hoạt động. Thấy mẹ Tư đi đứng thất thường, có lúc bà cũng thắc mắc, gặng hỏi, nhưng để giữ bí mật cho cách mạng mẹ không dám hé lời. Nhưng linh cảm đã mách bảo cho bà biết con dâu cũng làm việc nghĩa. Bởi bà cũng có chồng và 2 con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Chiến tranh vốn rất ác nghiệt, cuộc chiến nào cũng có hy sinh, mất mát. Bản thân mẹ đã 3 lần vào tù, ra khám, mẹ đã nếm đủ mùi đòn roi của giặc. Dù bị giặc tra khảo dã man, mẹ vẫn không khai nửa lời, không để tổn hại cho cách mạng. Mỗi lần ra tù, do bị di chứng của các trận đòn, mẹ đau bệnh liên tục, vậy mà mẹ vẫn tiếp tục hoạt động. Chính lòng yêu nước nồng nàn, cùng với sự hy sinh của chồng, mẹ càng nuôi ý chí trả thù giặc. Mẹ chính là hình ảnh hiện thực của người phụ nữ Việt Nam: Kiên trung, bất khuất. Cuộc chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam đi đến thống nhất, non sông liền một dải như ngày nay là nhờ công sức đóng góp của những người như mẹ Tư.
Đất nước thống nhất, mẹ vui sống với những người con hiếu thảo. Nhưng rồi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, những người con yêu nước lại tiếp tục lên đường giữ yên bờ cõi quê hương. Trong số những người con ưu tú đó có con mẹ, anh Trần Văn Thảnh. Năm 1982, anh thẳng tiến về miền Tây Nam, tham gia trong đội trinh sát. Năm 1984, trong một trận chiến đấu truy quét tàn quân Pon Pốt, anh đã anh dũng hy sinh.
Với mẹ Tư, dù 2 người thân yêu đã vĩnh viễn ra đi nhưng mẹ không đau buồn, mà luôn tự hào, bởi mẹ luôn tâm niệm: Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Tìm hiểu về gia đình mẹ, chúng tôi càng tự hào hơn khi mẹ chồng của mẹ là bà Từ Thị Tạ cũng được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Giờ đây, khi tuổi đã về chiều, mẹ sống an nhàn, hạnh phúc bên vợ chồng người con út. Nhà nhà có được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày nay là nhờ công sức đóng góp cho cách mạng của những người như chồng, con và cả bản thân như mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tư.
A.SÁNG