VietGAP … dẫn đường, nông dân vươn tới

Cập nhật: 17-05-2022 | 08:46:16

Từ mảnh đất vườn trồng rau, sau bao ngày trăn trở, nghĩ suy bởi tư duy cũ đè nặng bằng lối canh tác truyền thống bấy lâu, nhiều hộ nông dân ở Bình Dương đã mạnh dạn áp dụng mô hình trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Dù chưa trở thành những nông dân giàu có, nhưng tư duy mới, cách làm mới đã mang lại thu nhập ổn định, ổn định kinh tế gia đình và phần nào đó đã có đóng góp cho quê hương.


Sự hỗ trợ của chính quyền, ban ngành, đoàn thể góp phần quan trọng trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong ảnh: Ông Trần Quang Sĩ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố bên gian hàng của tổ hợp tác rau an toàn địa phương tại hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản năm 2021

Thay đổi tư duy canh tác

Đến thăm vườn gia đình anh Bùi Văn Toản, ấp 2, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng dễ dàng nhận thấy những luống cải xanh, mồng tơi, cà tím, xà lách, muống, mướp, bầu... xanh mơn mởn đang đợi tay người thu hoạch.

Anh Toản cho biết, ban đầu anh tự trồng rau phục vụ nhu cầu gia đình và một phần để vợ anh buôn bán thêm ngoài chợ. Dù tần tảo bao năm nhưng thu nhập cũng chỉ đủ sống. Trong một lần được Hội Nông dân xã mời tham gia lớp tập huấn trồng rau sạch và tham quan mô hình trồng rau trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao VietGAP, anh Toản đã học hỏi kinh nghiệm từ trang trại này và quyết tâm đầu tư trang trại trồng rau để cải thiện, nâng cao cuộc sống cho gia đình.

Được sự ủng hộ, động viên của vợ, năm 2016 anh mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng để xây dựng trang trại nhà lưới với hệ thống tưới phun nước tự động trên diện tích 900m2 đất, bắt đầu chặng đường canh tác mới. Để bảo đảm thị trường đầu ra, anh Toản thuê ki-ốt tại chợ Lai Uyên cho vợ bán, anh đảm trách b ỏmối cho các chủ sạp tại khu vực chợ TX.Bến Cát. Để lúc nào cũng đủ các loại rau cung cấp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, anh Toản đã tính toán trồng theo mùa vụ. Do giá cả phải chăng lại biết tiếng trồng rau sạch, sản phẩm của của gia đình anh Toản luôn đắt hàng.

Trời không phụ người chịu khó, vợ chồng đồng lòng cố gắng, hiện nay với 900m2 rau, mỗi ngày trừ hết chi phí gia đình anh Toản thu lãi về từ 600.000 - 800.000 đồng, nguồn thu nhập trong mơ với gia đình anh so với thời gian canh tác theo lối cũ. Sau khi thành công với mô hình trồng rau màu tiêu chuẩn VietGAP, anh không ngần ngại giúp đỡ, hướng dẫn các hộ nông dân cùng chíhướng vươn lên phát triển mô hình này.

Ông Trần Quang Sĩ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố: “Để hỗ trợ nông dân trồng rau sạch và trồng nấm kim chi, nấm bào ngư an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố đã thành lập tổ hợp tác rau, hỗ trợ nông dân tạo thương hiệu, giới thiệu sản phẩm rau sạch ra thị trường. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, những hộ trồng rau an toàn sẵn sàng bán hàng bình ổn giá, phục vụ bà con, chung tay cùng địa phương ổn định cuộc sống người dân trong thời điểm khó khăn”.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Bỉnh ở ấp 2, xã Trừ Văn Thố nhờ đầu tư xây dựng trang trại trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp vợ chồng anh đổi đời, từ hai bàn tay trắng phải làm đủ nghề để kiếm sống đến nay kinh tế gia đình ổn định. Từ trồng rau với vài m2 đất quanh nhà, đầu năm 2016 anh Bỉnh đã bàn bạc với gia đình quyết định chuyển đổi hơn 1.600m2 đất trồng cao su và cây ăn trái quanh nhà để đầu tư trồng rau sạch theo công nghệ VietGAP. Với số vốn hơn 100 triệu đồng sau nhiều năm tích cóp, anh Bỉnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới và hệ thống ống tưới phun sương tự động, đồng thời anh tìm kiếm thị trường tiêu thụ rau sạch để bảo đảm đầu ra ổn định.

Hiện nay, trên diện tích đất trang trại mở rộng, anh Bỉnh trồng luân phiên các loại cà chua, cải ngọt, rau ngót, đậu cô ve, xà lách, bí, cà, mồng tơi, rau đay… Bình quân mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường mang về doanh thu hơn 200 triệu đồng. Rau của gia đình chủ yếu là tiểu thương đến tận trang trại thu mua, ngoài ra gia đình anh Bỉnh còn mua lại một sạp để bán rau sạch tại chợ Tân Long thuộc xã Tân Long, huyện Phú Giáo. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Bỉnh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng rau với bà con ở địa phương.

Để các hộ trồng rau trên địa bàn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tiêu thụ, xã Trừ Văn Thố đã thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn với 4 thành viên. Không chỉ riêng xã Trừ Văn Thố, nhiều mô hình tổ liên kết trồng rau màu trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã và đang hoạt động rất hiệu quả, đem lại nguồn thu ổn định cho thành viên. Điển hình như tổ liên kết trồng rau màu ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo được thành lập từ năm 2015 với 3 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, tổ liên kết duy trì hoạt động với doanh thu bình quân đạt trên 60 triệu đồng/năm, mang lại thu nhập bình quân cho các thành viên 5 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy, sự liên kết bao giờ cũng là giải pháp quan trọng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của các mô hình sản xuất.

Khoa học kỹ thuật dẫn dắt

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất với quy mô lớn, chất lượng cao, người nông dân ở các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau màu. Anh Toản chia sẻ: “Để vườn rau sạch và đạt năng suất cần phải nắm bắt các kỹ thuật trồng rau, phải biết xử lý các khâu trong quá trình trồng từ khâu làm đất, bón phân hữu cơ, phân ủ oai, các loại phân vô cơ cũng có thể được sử dụng trong quá trình phát triển của rau để bảo đảm dinh dưỡng. Khâu tưới nước có vai trò rất quan trọng để rau sinh trưởng, phát triển tốt và tất cả các quy trình trồng rau phải được ghi chép vào sổ sách để dễ theo dõi”. Cũng theo lời anh Toản, để bảo đảm các tiêu chí về rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu quý II-2022 Hội Nông dân xã đã hỗ trợ vốn vay 100 triệu đồng đồng sửa chữa lại hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới phun sương.

Rất nhiều hộ nông dân chưa có điều kiện về vốn, sự hỗ trợ từ thủ tục vay vốn ưu đãi đến kỹ thuật canh tác là hết sức ý nghĩa. Anh Bỉnh tâm sự: “Để có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự hỗ trợ từ các cấp Hội Nông dân về kỹ thuật, phân bón, màn lưới cũng như nguồn vốn ưu đãi. Với số vốn 100 triệu đồng gia đình mới đủ để đầu tư vào trang trại rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”. Vườn rau của gia đình anh được đầu tư hệ thống công nghệ tưới mới, không chỉ tiết kiệm được nguồn nước tưới, nhân công lao động mà còn hạn chế được số cây rau bị dập, hao hụt khi tưới nước bằng biện pháp thủ công...

Với việc áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, công nghệ mới, những vườn rau xanh mơn mởn tại các hộ gia đình báo hiệu những vụ mùa bội thu là hiện thực trong tầm tay. Điều này cho thấy, người nông dân với niềm đam mê, kinh nghiệm sẵn có, quyết tâm đầu tư, học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chắc chắn sẽ gặt hái thành quả. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các sở, ban ngành, đoàn thể sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng cao, thị trường ổn định. Những mô hình rau an toàn được nhân rộng trên địa bàn sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp các địa phương đã và đang tiếp tục quan tâm, tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phát triển nhiều mô hình khác nhau nhằm phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ nông dân liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với thực hiện sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, được cấp giấy chứng nhận để thuận lợi kết nối với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp và hội nông dân các cấp giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thiết bị máy móc, công nghệ mới vào sản xuất, phát triển các mô hình chuyên canh theo hướng an toàn, hiệu quả.

TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=702
Quay lên trên