Vinamilk: Chọn Bình Dương làm sức bật

Cập nhật: 02-11-2013 | 00:00:00

Chỉ 4 tháng sau khi khánh thành “siêu” nhà máy sữa bột tại KCN VSIP 1, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục khánh thành “siêu” nhà máy sữa nước với công suất 1 triệu lít/ngày tại KCN Mỹ Phước 2. Đây là một trong những dự án trọng điểm giúp Vinamilk tăng tốc trở thành một trong Top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới, với doanh số dự kiến 3 tỷ USD vào năm 2017.

Xây dựng mục tiêu dài hạn

Khánh thành 2 nhà máy sữa hiện đại theo đúng tiến độ đã hoạch định, một nhà máy sữa bột tại KCN VSIP 1 (TX.Thuận An) và nhà máy sữa nước được xây dựng trên diện tích 20 ha tại KCN Mỹ Phước 2 (Bến Cát) tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, có công suất hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn một (800 triệu lít sữa/ năm vào giai đoạn 2 trong vòng 5 năm tới). Nhà máy này đã hội tụ rất nhiều điểm nhất, dây chuyền tích hợp tự động mới nhất hiện nay trên thế giới, hệ thống kho thông minh cũng được tích hợp công nghệ mới nhất của Đức và ứng dụng công nghệ tự động hóa ở mức cao nhất trên thế giới… Công suất của nhà máy bằng 9 nhà máy của Vinamilk hiện nay cộng lại. Có thể nói, đây là một trong những nhà máy sản xuất sữa nước hiện đại nhất thế giới được Vinamilk đầu tư phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhà máy ra đời sẽ giúp cho người tiêu dùng trong nước được sử dụng những sản phẩm sữa tốt nhất, xuất khẩu những sản phẩm sữa chất lượng cao của Việt Nam và tăng tốc đưa Vinamilk trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.

Nhà máy sữa bột Vinamilk tại Bình Dương hiện đại bậc nhất châu Á

Hiện thị trường sữa Việt Nam đều đã hiện diện đầy đủ các tập đoàn đa quốc gia và cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, mỗi doanh nghiệp đều có một chiến lược riêng. Hiện nay, Vinamilk đã nắm thị phần tương đối và một số mặt hàng ở thế áp đảo như sữa chua, sữa đặc có đường, tuy vậy, ở một số phân khúc như sữa tươi và sữa bột cũng còn hạn chế. Do vậy, với mỗi phân khúc, Vinamilk đang có những chiến lược dài hơi để có sự tăng trưởng ổn định và ngày càng phát triển. Trong đó, ở phân khúc sữa bột, Vinamilk nhắm đến mục tiêu chiếm 50% thị phần, sữa nước là 60% thị phần… Đây là một mục tiêu khó nhưng Vinamilk đang nỗ lực hết mình mang lại nhiều lợi ích lớn hơn cho người tiêu dùng. Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết, trong định hướng chiến lược giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020, Vinamilk đặt mục tiêu trở thành tập đoàn sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam và khu vực. Với chủ trương đưa công nghệ mới nhất, hiện đại nhất và tiên tiến nhất vào quá trình sản xuất nhằm nâng tầm các sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, từ đó tạo cơ hội cho trẻ em Việt Nam được sử dụng sản phẩm dinh dưỡng không thua kém sản phẩm sữa nước ngoài với giá cả hợp lý.

Chủ động tạo nguồn nguyên liệu

Nhằm tạo thế chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, ngoài 5 trang trại bò sữa tại Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định và Lâm Đồng, trong năm 2014, Vinamilk sẽ khởi công xây dựng tiếp 2 dự án trang trại nuôi bò sữa tại Như Thanh (Thanh Hóa) và Hà Tĩnh, với quy mô chăn nuôi 3.000 con bò/trang trại… Bên cạnh đó, dự án trang trại tại Tây Ninh hiện đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục hành chính, khi đi vào hoạt động, đàn bò sữa của Vinamilk sẽ tăng thêm khoảng 10.000 con bò. Riêng dự án trang trại Thống Nhất (Thanh Hóa), có diện tích khoảng 2.600 ha, với quy mô chăn nuôi khoảng 20.000 con bò, dự kiến sẽ được cấp giấy phép kinh doanh trong nay mai sẽ giúp Vinamilk nâng tỷ lệ nguyên liệu nội địa từ 30% lên 40%.

Để đáp ứng nhu cầu sữa tươi ngày càng tăng của thị trường, đặc biệt là phân khúc khách hàng cao cấp và cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, dự kiến nhà máy sữa tươi Vinamilk tại New Zealand sẽ khánh thành vào tháng 9-2014, sản xuất và chuyển sản phẩm về Việt Nam dưới thương hiệu Vinamilk. Hiện Vinamilk có 9 nhà máy sản xuất sữa chua, nhưng mỗi nhà máy chỉ có 1 - 2 dây chuyền và công suất cũng đã hết nên công ty đang xem xét đầu tư mở rộng nhà máy chuyên sản xuất sữa chua tại quận 12 (TP. HCM), diện tích khoảng 4,5 ha. Dự kiến sẽ triển khai dự án vào năm 2016.

Thực tế cho thấy, xu hướng chọn lựa các sản phẩm sữa của Vinamilk tại các thị trường ngày càng tăng, giá trị xuất khẩu của Vinamilk cũng không ngừng tăng lên. Từ đầu năm đến nay, Vinamilk đã ký hợp đồng xuất khẩu sữa với giá trị 4.703 tỷ đồng, tương đương khoảng 230 triệu USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian tới, Vinamilk dự kiến tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10 - 15%/năm. Tuy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu thấp hơn giai đoạn trước nhưng mức tăng về giá trị xuất khẩu lại lớn hơn rất nhiều. Vừa qua, Vinamilk đã được Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp số đăng ký để được phép xuất khẩu hàng vào Mỹ. Đây là một thị trường đầy tiềm năng, nhưng đòi hỏi rất cao và nghiêm ngặt về hệ thống chất lượng và an toàn thực phẩm. Như vậy, việc được cấp số đăng ký để xuất khẩu hàng vào Mỹ cùng với việc đầu tư bài bản vào hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp và đầu tư hệ thống marketing một cách thông minh, chi phí ít nhưng hiệu quả cao sẽ giúp Vinamilk có mặt một cách đầy lạc quan ở các thị trường xuất khẩu lớn.

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên