Vĩnh biệt một soạn giả tài hoa !

Cập nhật: 06-11-2010 | 00:00:00

Hôm qua (5-11), nữ soạn giả (NSG) tài hoa Nhị Kiều, tên thật là Quản Thị Minh Nguyệt (SN 1921, tại làng An Thạnh, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre) đã được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Công viên Bình Dương, về nơi chín suối cùng với chồng mình là nghệ sĩ Tám Vân vang bóng một thời trong giới sân khấu cải lương như lời than vãn của bà khi chồng mất đầu năm 2009 “Ngồi bên mồ tôi gọi mãi tên anh. Tám Vân ơi! Hãy theo em về nơi tổ ấm. Người và ma sẽ cùng nhau chung sống. Sẽ cùng nhau viết trọn bản tình ca”.

Sự nghiệp nhiều cái nhất

Khi hay tin NSG tài hoa Nhị Kiều qua đời, chúng tôi len lỏi qua những con đường mòn nhỏ đến với nhà bà nằm lọt thỏm trong những vườn cây ăn trái ở ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An. Căn nhà để linh cữu của bà thật đơn sơ, bình dị. Thế nhưng trong căn nhà ấy, lại có đến 2 tài năng trong giới sân khấu cải lương đã ra đi thầm lặng như chính cuộc đời của họ đã sống và cống hiến cho đời.

  Soạn giả Nhị Kiều (thứ 3 từ phải sang) tham gia đoàn hát trước năm 1975Anh Dương Quốc Khánh, cháu ngoại của NSG Nhị Kiều nén những dòng nước mắt tiếc thương, kể cho chúng tôi nghe những cái nhất về ngoại mình một cách bình dị lạ thường. Theo anh Khánh, cách đây khoảng hơn 5 tháng thôi, ngoại anh vẫn còn ngồi viết kịch bản tuồng trích đoạn “Tôi được làm ca sĩ” theo đơn đặt hàng của nghệ sĩ Hồng Nga. Và kịch bản cuối cùng ngoại viết theo đơn đặt hàng cho đạo diễn Phượng Hoàng (TP.HCM) có nhan đề “Lối sống sai lầm”. Qua lời kể của anh Khánh thì gần 90 tuổi, soạn giả Nhị Kiều vẫn còn ngồi viết, đúng như những gì bà trả lời phỏng vấn báo chí cách đây mấy năm trước “Tôi sẽ viết tuồng cho đến lúc tàn hơi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, NSG Nhị Kiều không chỉ là một trong hai soạn giả nữ nổi tiếng của Việt Nam mà bà còn là NSG viết tuồng nhiều nhất Việt Nam với hơn 100 kịch bản tuồng trong hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong đó, có nhiều kịch bản tuồng nổi tiếng một thời như: Mùa thu lá bay, Truyền thuyết tình yêu, Dương Quý Phi, Vợ tạm chồng hờ... Các kịch bản này của bà đã đưa tên tuổi của nhiều nghệ sĩ lên đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu cải lương. Cảm nhận về sự tài hòa của bà, NSƯT Phương Hồng Thủy, nói: “Má ơi, cả đời má đã cho chúng con biết bao tác phẩm hay để thả hồn vui cười, khổ đau. Má mất đi là một đau thương quá lớn đối với giới sân khấu điện ảnh”. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, nếu NSND Bảy Nam được xem là NSG đầu tiên của sân khấu Việt Nam thì soạn giả Nhị Kiều được xem là NSG sáng tác nhiều kịch bản nhất. Bà sáng tác nhanh với cách viết rất nữ tính và nhẹ nhàng. Những đề tài của bà chú trọng đến mảng tâm lý xã hội. Theo anh Khánh, có lần ngoại anh nhìn thấy cảnh người đi đường bị tai nạn giao thông, ngoại quan sát và sau đó về viết ngay một kịch bản trong đêm có nhan đề “Vết thương kỷ niệm”. “Qua cách viết hay và nhanh với ngôn ngữ sắc sảo, có hồn nói lên được cảm xúc nhân vật, tôi cảm thấy rất tự hào về ngoại mình - một con người cả đời đam mê và gắn bó với sự nghiệp sân khấu cải lương” - anh Khánh nghẹn ngào.

Anh Khánh kể, có nhiều chi tiết trước đây, tôi chưa biết hết về ông ngoại, bà ngoại mình nhưng qua những tài liệu do các đồng nghiệp sưu tầm lại thì ngoại tôi đúng là một NSG hiếm thấy của Việt Nam. Ông Nguyễn Phương, một soạn giả cùng thời, nhận định: “NSG Nhị Kiều không chỉ viết nhanh, viết hay với giọng văn ngọt ngào, nữ tính mà ngay cả trong những đoạn gay cấn nhất, cần có những lời nói cay độc, hung hăng để đẩy kịch tính lên cao trào thì lời văn của Nhị Kiều vẫn nhẹ nhàng, nói như một lời trách móc. Bù lại, những đoạn tả tình của vai nữ đối với người yêu thì đúng là giọng nói, cách nói của một cô gái đang yêu, khao khát tình yêu...”.

Cuộc đời gian truân

Theo các thành viên trong gia đình, soạn giả Nhị Kiều và nghệ sĩ Tám Vân (chồng soạn giả Nhị Kiều) đều có những gian truân thầm lặng khác nhau. Khoảng năm 1955, bà rời vùng quê Mỏ Cày, Bến Tre lên Sài Gòn và gặp anh kép hát Tám Vân. Từ đó, bà yêu luôn cái sự nghiệp ca hát. Chính nghệ sĩ Tám Vân là người thầy đầu tiên của bà, cũng là người “truyền lửa” cho bà kiến thức bài bản về cải lương để sau này bà trở thành soạn giả nổi tiếng.

  Nghệ sĩ Tám Vân và soạn giả Nhị Kiều lúc còn trẻTheo soạn giả Nguyễn Phương, trong cuộc đời NSG Nhị Kiều, bà viết được nhiều thứ, viết tiểu thuyết, truyện ngắn. Sau đó, bà được cố NSND Phùng Há giới thiệu vào Đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga. Thời gian này, bà viết kịch nói cho các nhóm: Túy Hồng, Lam Phương, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương... Đến năm 1960, bà mới chính thức viết cải lương, nhưng phần nhiều là hợp soạn cùng với tác giả khác. Sau năm 1975, bà viết một mình và làm đạo diễn cho các đoàn cải lương như: Cao Văn Lầu, Sông Hậu, Sông Bé III... Trong đó, có vở tuồng nổi tiếng là “Thoại Ba công chúa”. Lúc bà ở Nhà hát Trần Hữu Trang, bà có viết chung với Thế Châu hai vở rất ăn khách là “Vợ tạm chồng hờ” và “Giấc mộng đêm xuân”. Sau khi rời sân khấu, được Xí nghiệp băng từ Vafaco mời ký hợp đồng sản xuất chương trình mỗi tuần một vở. Bà đã viết liên tục cho đến cuối đời.

Vâng, bà sống bằng lòng đam mê nghệ thuật là vậy. Song, nhìn lại cuộc đời bà thì thật lắm gian truân. Các nghệ sĩ có mặt tại đám tang bà cho rằng, Nhị Kiều là một soạn giả viết nhiều nhất trong giới soạn giả cải lương, kể cả nam lẫn nữ nhưng Nhị Kiều là người khổ nhất, nghèo nhất. Một nghệ sĩ tâm sự, ngay khi biết tin bà lâm bệnh, các bạn đồng nghiệp và cả những thế hệ sau bà, người gom góp chút lòng gọi là “quà” để giúp bà thấy vui hơn trong cuộc đời này, vì ở đó còn có tình bạn, tình đồng nghiệp san sẻ lúc tuổi già. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ cho rằng, chỉ giúp được bà cái ngặt, chứ không giúp được cái nghèo. Và cuộc đời bà đã nghèo cho đến hết đời.

Bạch Tuyết là một trong những nghệ sĩ có mặt đầu tiên khi nghe tin soạn giả Nhị Kiều qua đời, tâm sự: “Cặp vợ chồng nghệ sĩ Tám Vân - Nhị Kiều là 2 con người đặc biệt, hai người bạn đời mà cũng là một đôi tri âm tri kỷ đẹp, lãng mạn của cải lương. Ông là nghệ sĩ rành bài bản cải lương nhất. Bà không chỉ là phụ nữ trí thức, viết tuồng giỏi mà còn là một phụ nữ sống hết mình vì tình yêu. Thế nhưng họ vẫn nghèo cho đến cuối đời, thật tội!”. Còn nghệ sĩ Thanh Sang nhớ lại, lúc nghệ sĩ Tám Vân lâm bệnh nặng, soạn giả Nhị Kiều đã đến tìm tôi nhờ bán chỗ sách quý là tài sản cuối đời còn sót lại để có tiền lo bệnh tật cho chồng. Câu chuyện đến giờ còn làm cho nghệ sĩ Thanh Sang xúc động, cả một đời sống chết với nghề nhưng cuối đời phải sống trong nghèo khó.

Trong những ngày qua, rất nhiều người đã đến chia sẻ cùng gia quyến, xin được thắp nén hương cho NSG tài hoa. Vĩnh biệt một tài năng sân khấu!

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=509
Quay lên trên