Bác Hồ - người thầy vĩ đại của dân tộc ta - đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Lời dạy của Bác như một chân lý vĩnh hằng. Hình ảnh người thầy - những “kỹ sư tâm hồn” mẫu mực, tâm huyết, hết lòng vì học sinh (HS) thân yêu, tận tụy chăm lo sự nghiệp “trồng người” mãi mãi là tấm gương sáng, là nguồn cổ vũ tinh thần, tạo động lực cho mỗi người trưởng thành và phát triển. Ngày 20-11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, toàn xã hội, ai ai cũng đều hướng về người thầy với niềm tôn kính, mến thương.
Các em HS tặng hoa cho thầy cô giáo trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Vững tay chèo lái con đò
Lãnh tụ Hồ Chí Minh là người quan tâm đến giáo dục nhất. Khi đánh giá về đội ngũ nhà giáo, Bác khẳng định: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội cho được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng ca ngợi “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. “Tôn sư trọng đạo” vốn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, không thể mai một và phải giữ gìn như một điều tất yếu.
Tại buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với ngành Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nghề giáo gian nan lắm nhưng vinh quang cũng nhiều. Thời điểm này, ngành GD-ĐT đang được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhiều đề án phát triển, đổi mới giáo dục thiết thực, có tính chiến lược song song với những cuộc vận động lớn làm trong sáng môi trường giáo dục gắn với chất lượng, hiệu quả. Toàn ngành GD-ĐT nếu có sự đồng thuận cao sẽ tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chế độ chính sách đối với người học, tạo điều kiện cho giáo dục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
|
Tại Bình Dương thời gian qua, nhiều thầy cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, chăm lo cho việc dạy dỗ và giúp đỡ các thế hệ HS, sinh viên học tập và nghiên cứu. Chính lòng yêu nghề với tình cảm sâu sắc, các thầy, cô giáo đã đứng vững trên bục giảng để dẫn dắt bao thế hệ học trò trên con đường bước đến bến bờ tri thức. Thầy, cô giáo vẫn mãi là những bông hoa tươi thắm tô đẹp cho xã hội. Xã hội vẫn ngàn lời tri ân đến những người thầy giáo ngày đêm miệt mài lộn với từng trang giáo án, với viên phấn và bục giảng.
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Ngọc Hà, trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TX.Dĩ An tâm sự: “Nghề giáo đã cho tôi nhiều lắm! Một công việc cao quý với mức lương đủ sống, được làm việc với những đồng nghiệp hàng ngày ươm mầm cho thế hệ tương lai và hơn hết là tôi được sống với niềm đam mê dạy học của mình. Nghề giáo là nghề mà tôi mơ ước từ khi còn bé. Trải qua nhiều năm giảng dạy, tôi cũng như các thầy cô giáo ở đây, bằng tất cả tinh thần trách nhiệm với tình yêu thương HS đã cố gắng đem hết khả năng, tri thức mình có được để truyền đạt lại cho các em. Thật ra, đã có những lúc tôi muốn bỏ nghề vì cuộc sống khốn khó của đồng lương giáo viên. Nhưng rồi, bằng niềm yêu nghề đã giúp tôi chiến thắng tất cả những cám dỗ của cuộc sống để tiếp tục đứng vững trên bục giảng, vững tay chèo lái con đò đưa các em đến bến bờ tri thức”.
Sáng mãi tình yêu nghề
Dù vẫn đang phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn, nhọc nhằn bày ra trước mắt, nhất là đối với những người làm nghề giáo. Nhưng không nản lòng, các thầy, các cô vẫn vững vàng bám trụ với nghề. Họ lại càng tự hào hơn bởi bao thế hệ HS của mình đã trưởng thành và vững chãi bước vào đời, trong đó có nhiều HS đã tiếp bước trở thành người thầy vững vàng trên bục giảng.
NGƯT Võ Thị Nương, cựu giáo viên trường THPT Bình Phú cho hay: Cả đời tôi đã dành trọn cho HS, còn sức tôi còn tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục. Tôi quan niệm, một giáo viên có nhân cách người thầy ngoài yêu nghề, yêu trẻ nên lấy tính nhân hậu, trung thực làm kim chỉ nam và phải thật sự trở thành người mẹ, người cha thứ hai của HS. Phần thưởng quý giá nhất với tôi trong cuộc đời dạy học, đó là niềm tin và tình cảm ấm áp chân tình của đồng nghiệp, HS và phụ huynh... đã dành cho người thầy trong suốt những năm tháng hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.
“Để phấn đấu thành một NGƯT đã khó nhưng để trở thành một nhà giáo chân chính, một nhà giáo mà lớp lớp học trò kính trọng, lấy đó là một hình mẫu cho mình noi theo là một điều khó khăn hơn. Ngày nay, vẫn rất nhiều thầy cô đã và đang làm được điều đó. Đó là những người thầy giáo, cô giáo có một tình yêu bao la đối với học trò và có một thái độ nghiêm túc đối với sự nghiệp. Với tôi, nếu được đi lại con đường này, tôi vẫn chọn nghề giáo, vẫn luôn hướng về các em HS, thế hệ của tương lai với niềm thương yêu và tin tưởng”, NGƯT Lưu Ngọc Bích, giáo viên dạy văn trường THPT chuyên Hùng Vương cho biết.
Thế hệ các thầy cô giáo của ngành GD-ĐT trước đây, hiện tại và mai sau mãi mãi là những tấm gương sáng vượt qua mọi khó khăn, đưa ngành GD-ĐT từng bước phát triển vững chắc và đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Người thầy giáo của chúng ta hôm nay vẫn luôn tiếp nối truyền thống của cha anh, của thế hệ nhà giáo đi trước, bên cạnh đó, còn phải gánh vác trọng trách nặng nề mà đất nước, nhân dân giao phó, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực thật sự có giá trị cho đất nước trong giai đoạn đổi mới và hội nhập.
Đam mê truyền nghề
Dạy nghề cho học sinh (HS), sinh viên (SV) ở các trường nghề là điều không dễ. Các em còn mang nặng suy nghĩ, học để có bằng chứ không phải dùng kiến thức xin việc, tự tạo việc làm. Với giáo viên (GV) dạy nghề, họ luôn nỗ lực truyền đạt kiến thức để đào tạo ra đội ngũ công nhân có trình độ giỏi về lý thuyết, vững thực hành.
Thầy NGUYỄN MINH THẮNG: Đưa thực tiễn vào giảng dạy
Trong phòng thực hành của trường Trung cấp Nghề tỉnh, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người thầy cần mẫn, tận tình chỉ dẫn cho các em học sinh (HS) thực hành. Đó là thầy Nguyễn Minh Thắng (sinh năm 1978), GV khoa điện trường Trung cấp nghề Bình Dương. Thầy Thắng vốn là SV của trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Năm 2009, thầy chuyển về công tác tại trường Trung cấp Nghề Bình Dương. Tâm huyết với công tác giảng dạy, thầy Thắng đã sử dụng bài giảng tích hợp. Có nghĩa, vừa dạy lý thuyết, vừa áp dụng thực hành để các em nắm vững tại lớp. Nỗ lực nghiên cứu cách dạy mới, năm 2011 và 2014, thầy “rinh” về giải ba và giải nhất tại Hội giảng GV dạy nghề giỏi cấp tỉnh với các bài giảng tích hợp.
Cô NGUYỄN THỊ HỒNG HUỆ: Dạy nghề cho HS cần cầm tay chỉ việc
Trong suốt 5 đứng lớp, cô Nguyễn Thị Hồng Huệ (SN 1985) giảng viên trường Trung cấp Nghề Việt - Hàn đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm giảng dạy HS trường nghề. Theo cô, HS trường nghề chênh lệch nhau về tuổi tác, trình độ không đồng đều. Tâm huyết với nghề nên cô Huệ luôn được HS yêu quý, Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao năng lực giảng dạy. Cô hiện là Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin của trường. Bên cạnh đó, trong các hội thi, hội giảng GV giỏi, cô nhiệt tình tham gia và liên tục đạt nhiều giải.
Thạc sĩ NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG THẢO: Giúp HS nắm vững tay nghề
Thạc sĩ Nguyễn Bình Phương Thảo (SN 1985), hiện là GV ngành quản trị nhà hàng khách sạn của trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng An. Trong Hội giảng GV dạy nghề giỏi năm 2014, cô đã xuất sắc giành giải nhất với bài giảng tích hợp pha chế cocktail. Đối với cô Thảo, dạy nghề cho HS cần phải kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy. Như vậy, mới giúp các em HS tiếp thu bài, hiểu bài một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đặc biệt, người GV nên chú ý tìm hiểu, quan sát HS cần nghe gì để dạy cho đúng, khuyến khích các em say mê tiếp thu bài giảng.
• NGỌC THANH- THIÊN LÝ