Virus gây bệnh heo tai xanh gốc Trung Quốc

Cập nhật: 14-08-2010 | 00:00:00

Theo kết quả phân tích túyp gây bệnh dịch heo tai xanh từ Cơ quan Thú y vùng VII, tất cả các mẫu bệnh phẩm của Việt Nam trên cả nước đều thuộc nhóm virus PRRS có độc lực cao ở Trung Quốc năm 2006.

 

Ông Cao Đức Phát, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay, diễn biến dịch tai xanh tại các tỉnh Nam bộ hết sức phức tạp. Dịch tai xanh đã lan ra ở diện rộng”.

 

Theo kết quả điều tra, đợt dịch này có thể bắt đầu từ ngày 11-6-2010 tại Sóc Trăng. Sau đó dịch xuất hiện tại Tiền Giang vào ngày 19-6, Bình Dương ngày 27-6, Long An ngày 15-7, Lào Cai 11-7 và Quảng Trị 1-7. Nguyên nhân ổ dịch tại các địa phương vẫn chưa được xác định rõ.

 

 Lấy mẫu xét nghiệm giám sát dịch heo tai xanh.

Virus đã lưu hành rộng rãi trong đàn lợn, kết hợp với điều kiện thời tiết bất thường, độ ẩm không khí cao khiến sức khỏe của đàn lợn bị giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh trỗi dậy.

 

Sau một thời gian không có dịch, chính quyền và người dân nhiều địa phương có tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Công tác tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm ở lợn như: Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn,… đạt tỷ lệ không cao. Từ đó góp phần làm cho dịch trầm trọng thêm.

 

Phân tích túyp virus gây bệnh có mẫu gửi đi Hàn Quốc để giải mã gen đã giải trình tự 12 mẫu bệnh phẩm.  Theo Cơ quan Thú y vùng VI và 8 mẫu bệnh phẩm từ Cơ quan Thú y vùng VII cho thấy tất cả các mẫu bệnh phẩm của Việt Nam trên cả nước đều thuộc nhóm virus PRRS có độc lực cao ở Trung Quốc năm 2006.

 

So sánh với các mẫu PRRS từ năm 2007 – 2010, có thể thấy tất cả các mẫu trên đều có tương đồng rất cao và nằm cùng nhóm, các mẫu của Cơ quan Thú y vùng VI đều nằm trong nhánh PRRS năm 2010. Các mẫu của Cơ quan Thú y vùng VII nằm trong 2 nhánh.

 

Một nhánh PRRS năm 2010 như các ổ dịch trong năm của cả nước và 1 nhánh giống virus PRRS năm 2007. Những virus PRRS năm 2010 giống mẫu virus PRRS o9 – SX 2009 – China của Trung Quốc năm 2009, cho thấy có thể virus này xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian gian gần đây. Những mẫu virus PRRS từ cơ quan Thú y vùng VII thuộc nhánh 2007, cho thấy sự tồn tại của virus PRRS từ những ổ dịch cũ.

 

Sau 3 năm kể từ khi bùng phát đợt dịch đầu tiên vào 12/3/2007 tại Hải Dương, đến nay kháng thể tự nhiên kháng bệnh tai xanh của đàn lợn đã giảm, tạo điều kiện cho virus tấn công và gây bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh, chết bình quân của lợn nái là 9,46%, lợn thịt là 63,96%, lợn con là 26,57%.

 

Khi dịch xảy ra, chính quyền nhiều địa phương lúng túng trong xử lý ổ dịch, chính sách hỗ trợ không hợp lý, người dân bán chạy lợn, thương lái vì lợi nhuận vận chuyển lợn bất hợp pháp đi tiêu thụ làm dịch lây lan rộng.

 

Hiện nay, cả nước có 16 tỉnh là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đăk Lăc và Hậu Giang có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.

 

Từ 2007 đến nay, dịch thường xuất hiện vào dịp sau Tết âm lịch, khoảng tháng 3-4 hàng năm và có tính chất chu kỳ 2-3 năm một lần. Các đợt dịch tại miền Nam thường xuất hiện sau đợt dịch của các tỉnh miền Bắc hoặc miền Trung.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=358
Quay lên trên